Lời cảnh tỉnh cho nước Pháp
Quốc tế 07/07/2023 10:47
Năm 2005, sau cái chết của 2 thiếu niên Zyed Benna và Bouna Traoré, trốn trong trạm biến áp do bị cảnh sát rượt đuổi, bạo loạn đã xảy ra và kéo dài 4 tuần nhưng chỉ giới hạn ở các vùng ngoại ô Paris. Năm 2018-2019, các vụ biểu tình “Áo vàng” làm tê liệt phần lớn đất nước và gần đây nhất, lực lượng cảnh sát và hiến binh Pháp cũng phải căng mình ứng phó với bạo lực liên quan đến cải cách hưu trí. Tuy nhiên, lần này, biểu tình đã nhanh chóng dẫn đến bạo loạn, bùng phát ở mức nguy hiểm hơn, rộng hơn và mạnh hơn rất nhiều, buộc cảnh sát và hiến binh phải sử dụng nhiều lựu đạn hơi cay, đạn mềm, vòi rồng và cả xe bọc thép chống bạo động. Khoảng 1/3 trong số gần 3.000 người bị bắt giữ là thanh thiếu niên ở lứa tuổi 16-17.
Cho đến nay, theo thống kê của Bộ Nội vụ Pháp thiệt hại gây ra từ những cuộc bạo loạn là khoảng 5.900 phương tiện bị đốt, hơn 1.100 tòa nhà công cộng và tư nhân bị cháy hoặc phá hoại, trong đó có gần 250 trường học, 150 bưu điện, 370 chi nhánh ngân hàng, chưa kể các trung tâm văn hóa, thể thao, thư viện, nhà cộng đồng...
Ô tô bị đốt cháy trong cuộc biểu tình tại Paris, Pháp, ngày 29-6-2023 |
Nền kinh tế Pháp bị ảnh hưởng nặng nề. Ước tính thiệt hại ban đầu lên đến hơn 1 tỉ euro (1,08 tỉ USD), chưa kể ngành du lịch bị hàng loạt khách hàng hủy dịch vụ. Hình ảnh nước Pháp cũng xấu đi trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài. Những thiệt hại kinh tế này trở thành áp lực đè nặng lên các cơ quan chức năng. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã công bố trước thị trưởng các thành phố bị ảnh hưởng về việc sẽ sớm thông qua dự thảo "Luật khẩn cấp" nhằm đẩy nhanh quá trình tái thiết sau khi các tòa nhà, vật dụng và phương tiện giao thông bị phá hủy…
Về xã hội, vụ bạo loạn vừa qua cho thấy những rạn nứt xã hội Pháp đã ở mức đáng báo động và hệ quả của nó là khó lường. Theo giới quan sát, nguồn gốc sâu xa của các vấn đề xã hội này chính là tình trạng nhập cư khó kiểm soát. Pháp là một trong những quốc gia châu Âu có lượng người nhập cư lớn nhất. Một số ý kiến khác cho rằng, những gì diễn ra ở Pháp phản ánh những vấn đề rộng lớn hơn trong chính sách, quan hệ chủng tộc và xã hội. Cơ quan giám sát nhân quyền của Liên Hợp Quốc cảnh báo vụ việc này là lời cảnh tỉnh, đòi hỏi Chính phủ Pháp giải quyết nghiêm túc các vấn đề sâu xa về phân biệt chủng tộc, đặc biệt là phân biệt chủng tộc trong thực thi pháp luật. Bạo loạn còn phản ánh những rạn nứt sâu sắc về mặt chính trị giữa các đảng phái đối lập. Thậm chí, một số đảng phái chính trị muốn lợi dụng tình hình này để chỉ trích phe cầm quyền và hạ uy tín chính phủ.
Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng là một nguyên nhân khiến bạo lực leo thang. Tổng thống Macron mô tả việc cảnh sát bắn chết thanh niên 17 tuổi là "không thể bào chữa", song ông cũng chỉ trích các nền tảng mạng xã hội, trong đó chỉ đích danh TikTok và Snapchat đã không có hành động gì khi các nhóm bạo loạn kết nối trên các nền tảng này. Ông cho rằng, khoảng một phần ba người biểu tình bị bắt đều rất trẻ, ở độ tuổi trung bình 16-17, và Internet đang ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ em và thanh thiếu niên.
Chính phủ Pháp đã yêu cầu các nhà quản lí các nền tảng xã hội phối hợp để xác định những người kêu gọi, kích động bạo loạn trên mạng xã hội, xóa "nội dung nhạy cảm" và kiểm tra chặt chẽ hơn các nội dung được xuất bản…
Theo giới phân tích, bài học rút ra từ những cuộc bạo loạn này, không chỉ có tác dụng đối với nước Pháp mà còn là hồi chuông cảnh tỉnh đối với các quốc gia khác, đòi hỏi phải chú trọng hơn trong nỗ lực hàn gắn những rạn nứt xã hội, hạn chế tình trạng phân biệt chủng tộc, kiểm soát tốt hơn làn sóng nhập cư, quản lí chặt hơn mạng xã hội và tăng cường vai trò gia đình trong việc giám sát con trẻ…