Libya: Liệu đã đến lúc Saif Gaddafi trở lại?
Quốc tế 27/08/2020 09:39
Biểu tình phản đối “xóa độc tài-gieo dân chủ”
Ngày 23/8, nhiều người dân Libya đã tuần hành đến trụ sở của Chính phủ Đoàn kết Quốc gia Libya (GNA) ở Thủ đô Tripoli để bày tỏ sự tức giận về sự sụp đổ của các dịch vụ công, tham nhũng và áp lực kinh tế.
Cuộc tuần hành tại Thủ đô Tripoli diễn ra chỉ 2 ngày sau các cuộc biểu tình tại 3 thành phố Sirte, Bani Walid và Ghat nằm ở phía Bắc Libya - một chuyển động chính trị đang được công luận và dư luận quan tâm trong những ngày qua.
Đáng chú ý là những người biểu tình tại “lằn ranh đỏ” Sirte, Bani Walid và Ghat mang theo cờ màu xanh và ủng hộ Saif al-Islam Gaddafi, con trai cố Tổng thống Muammar al-Gaddafi, trở lại chính trường. Họ mang theo ảnh của cố Tổng thống Gaddafi và các con trai của ông.
Trong khi đó, những người tuần hành ở Thủ đô Tripoli lại mang theo cờ trắng, thể hiện không ủng hộ lực lượng nào đang kiểm soát Libya, dù là Chính phủ Đoàn kết quốc gia Libya hay chính quyền miền Đông có sự ủng hộ của Quân đội Quốc gia Libya.
Dòng người biểu tình ở Sirte, Bani Walid và Ghat hô vang các khẩu hiệu ủng hộ chế độ Gaddafi và khẳng định sẵn sàng bầu Saif al-Islam làm lãnh đạo đất nước. Dòng người xuống đường tại Tripoli với khẩu hiệu phản đối “cái chết từ từ”.
Biểu tình ủng hộ Saif al-Islam Gaddafi trở lại |
Hình mẫu chế độ Gaddafi không chỉ còn là ước vọng của người Libya
Vì bất bình với cách quản lí của Tổng thống Gaddafi và cũng không chấp nhận Libya đổi thay theo kế hoạch của Saif Al-Islam - người được cho là kế thừa quyền lực của “nhà độc tài”- một số bộ tộc ở Libya đã nổi dậy chống chính quyền trung ương.
Vốn coi Gaddafi như “lãnh chúa châu Phi” nên khi Libya nổ ra nội chiến là cơ hội để Mỹ-phương Tây “xoá độc tài-gieo dân chủ” cho Libya. Vì vậy, khi Gaddafi đàn áp nổi dậy, Mỹ-NATO đã nhanh chóng hành động, ngăn chặn “tội ác chiến tranh”.
Thế là trước sức mạnh của cả hai lực lượng “nội công, ngoại kích”, chế độ Gaddafi nhanh chóng sụp đổ và chính thức khép lại một triều đại bằng cái chết của Gaddafi vào một buổi chiều buồn, cuối tháng 10/2011 tại thị trấn Sirte.
Khi dư âm chiến thắng qua đi, cuộc sống thiếu thốn ập đến mà không biết dựa vào đâu, người Libya mới giật mình khi nghĩ về quá khứ.
Đến nay đã 9 năm, kể từ khi Tổng thống Gaddafi bị giết chết, các lực lượng tham gia vào “xoá độc tài” vẫn chưa thể định hình được một chế độ chính trị - xã hội tại Libya. Còn lực lượng “gieo dân chủ” cho Libya - theo nhận định của Tạp chí Mỹ Foreign Policy Journal - đã biến đất nước Libya thời hậu Gaddafi trở thành thiên đường cho những chiến binh Hồi giáo và là thị trường nô lệ của thế kỉ XXI.
Trong vòng xoáy vô định gây nên bởi công cuộc “xóa độc tài-gieo dân chủ”, người dân Libya chỉ có 3 lựa chọn: Một số người có tư tưởng cực đoan đã quyết định chọn bạo lực làm lẽ sống và súng đạn làm phương tiện kiếm sống; Một số người khác không chịu đựng nổi hậu quả bởi sự “khai hóa” của Mỹ-phương Tây đã chọn rời bỏ quê hương đì tìm miền đất hứa ở nơi phương trời xa với hành trình gian nan và đầy nguy hiểm; Đối với những người dân Libya không thể tự đổi thay đành phải chờ đợi sự thay đổi. Đất nước Libya thời hậu Gaddfi ngày càng hỗn loạn khiến cho cả 3 lựa chọn đều không giúp cho người dân Libya thoát khỏi bế tắc.
Gaddafi có thể là nhà độc tài, nhưng trong nhiều năm ông ấy đã mang lại sự sung túc cho cuộc sống, luật lệ trong chế độ của ông ta đã tạo sự ổn định cho xã hội và người di cư không phải tuyệt vọng để tìm công việc ở Libya trong sự may rủi. Có lẽ cái quá khứ tốt đẹp ấy là cái đích thiết thực nhất, cụ thể nhất mà người dân Libya hướng tới trong hành trình tạo sự đổi thay để đưa đất nước Libya thoát khỏi vòng xoáy vô định.
Tình hình Libya còn rất phức tạp, những chuyển động để cho Saif al-Islam Gaddafi tái xuất mới chỉ phôi thai, nhưng rõ ràng hình mẫu chế độ Gaddafi không chỉ còn là ước vọng của người dân Libya và đã định hình từ những năm tháng hỗn loạn vừa qua.