Làng cổ và cây thị hơn 600 tuổi
Nhịp sống 01/12/2022 09:52
Làng Phước Tích được khởi dựng từ khoảng những năm 1470, dưới đời vua Lê Thánh Tông. Người được xem là ông tổ khai sinh làng là Hầu tước Hoàng Minh Hùng, quê ở Cẩm Quyết, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Lúc này, làng được gọi là xứ Cồn Dương, nằm bên dòng sông Ô Lâu hiền hòa.
Các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, kiến trúc... đánh giá hệ thống nhà rường và nhà thờ dòng họ có độ tuổi gần 500 năm ở Phước Tích được bảo tồn gần như nguyên vẹn, mang dáng dấp và đặc điểm của nhà rường vùng Bắc Trung Bộ thuở xưa. Huế vốn là địa phương có nhiều nơi rất nổi tiếng về nhà rường như Phú Mộng - Kim Long, Nguyệt Biều, Lại Thế… nhưng chỉ Phước Tích mới có hệ thống nhà rường cổ dày đặc và gần nguyên vẹn như thế.
Cây thị 600 tuổi ở làng cổ Phước Tích |
Theo thống kê của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên - Huế, hiện Phước Tích có 27 ngôi nhà cổ và 10 nhà thờ các dòng họ (trong số 117 ngôi nhà của làng), đa số là nhà rường dạng ba gian hai chái. Những ngôi nhà cổ ở đây được tổ chức, sắp đặt làm cho khoảng không gian đường làng, ngõ xóm trở nên có nền nếp. Mỗi nhà đều có khu vườn rộng chừng 1.000 - 1.500m2, trồng các loại cây ăn trái theo mùa. Bao quanh ngôi nhà và lối vào đều là hàng rào chè tàu, cắt tỉa thẳng tắp.
Về trang trí trong nhà, hệ thống nhà cổ ở đây được bàn tay tài hoa của các nghệ nhân làng mộc Mỹ Xuyên cùng thuộc xã Phong Hòa chạm khắc những nét tinh xảo, độc đáo. Hiện có 12 nhà rường được xếp vào danh sách các công trình có giá trị văn hóa đặc biệt. Không là nhà rường cổ, ở Phước Tích vẫn còn bảo tồn được nhiều giá trị văn hoá khác của người xưa như dấu tích của nền văn hoá Chăm cổ, những thiết chế tổ chức làng Việt, hệ thống các công trình tôn giáo, tín ngưỡng... Phước Tích còn có cây thị trên 600 năm tuổi giữa làng cổ, được công nhận là Cây Di sản Việt Nam từ năm 2015. Dù bị rỗng thân và trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nhưng cây thị vẫn giữ được tán lá sum suê, xanh tốt.
Theo sử sách và gia phả của các hộ trong làng, xứ Cồn Dương lúc xưa là rừng rú âm u, hơn 500 năm trước, những người khai canh làng khi đến giữa rừng thì bắt gặp cây thị to lớn, bên cạnh miếu thờ PoNagar của người bản địa. Cạnh gốc cây là ngôi miếu cổ rất linh thiêng, người dân thường gọi với cái tên bình dị “Miếu cây thị”. Từ lối kiến trúc của miếu thờ, của bình phong, cách trang trí chim phượng ở cửa ra vào cũng như cách thờ tự, người ta nhận định rằng, đây là miếu thờ Thánh Mẫu PoNagar của người Chăm, đã được Việt hóa dưới thời vua Tự Đức. Đến nay, việc cúng tế tại miếu vẫn được duy trì và diễn ra vào ngày 16 tháng Giêng hằng năm - cũng là ngày Xuân tế của làng.
Cây thị cao khoảng 25m, gốc khá lớn nhưng do sâu bệnh đã bị rỗng thân. Theo ông Nguyễn Thế, Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên - Huế, trong thời kì kháng chiến chống Pháp, lòng rỗng của cây đã từng là căn cứ bí mật của các chiến sĩ cách mạng. Trong trận đánh đồn Ba Se năm 1949, một tiểu đội bộ đội dùng ván gỗ đóng thành bậc thang trong lòng cây và từ gốc đến ngọn phục kích địch. Sau vụ này dân làng gọi là hầm bí mật trên không. Cây thị trên 600 năm tuổi này không chỉ là di sản của địa phương, nó còn là linh hồn của ngôi làng cổ Phước Tích bao đời nay.