Kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực
Kinh tế 05/09/2019 10:23
Khai mạc Phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, thời gian qua xuất hiện những dấu hiệu về suy thoái kinh tế thế giới, căng thẳng thương mại leo thang, các nền kinh tế lớn trên thế giới gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng trên tất cả các lĩnh vực, nhất là du lịch, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài.
Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp nhất trong 3 năm, chỉ còn 2,5%. Tỉ giá ổn định, niềm tin vào đồng Việt Nam được khẳng định trong khi nhiều đồng tiền các quốc gia mất giá so với USD. Xuất khẩu tăng khá, xuất siêu đạt kỉ lục trên 3,4 tỉ USD. Đời sống Nhân dân được bảo đảm, niềm tin của người dân vào Đảng, Nhà nước ngày càng được nâng cao. Lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, thể dục, thể thao, giáo dục tiếp tục được cải thiện. Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng. Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ có những diễn biến phức tạp, nhưng các lực lượng chức năng đã làm hết sức mình dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ quốc phòng an ninh được bảo đảm. Uy tín và vị thế Việt Nam không ngừng được nâng cao trong khu vực và quốc tế. Công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2019 được Nhân dân hoan nghênh. Sự kiện 50 năm thực hiện Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh trên phạm vi toàn quốc tổ chức trang trọng, có ý nghĩa…
Yêu cầu đặt ra mức tăng trưởng năm 2019 từ 6,7% - 6,8% và tiếp tục theo dõi tình hình trong nước và quốc tế, ít nhất đạt mục tiêu từ 6,6 - 6,8%.Các lĩnh vực kinh tế khác đạt tăng trưởng cao như công nghiệp chế biến, chế tạo, dầu thô vượt dự toán. Đặc biệt, thu ngân sách Nhà nước với các khoản thu nội địa đều vượt…
Tuy nhiên vẫn còn những bất cập, tồn tại như tình trạng chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công, sạt lở tại Đồng bằng Sông Cửu Long, nông nghiệp gặp nhiều khó khăn, hạ tầng giao thông tiếp tục là vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong Nhân dân. Thị trường có những vấn đề cần xử lí để nâng cao thế mạnh các mặt hàng trong nước…
Trong 4 tháng còn lại của năm 2019, Chính phủ tiếp tục phấn đấu để hoàn thành toàn diện, vượt mức, có những điểm bứt phá trong thực hiện kế hoạch năm 2019; đồng thời, thúc đẩy các cấp, các ngành không thể chủ quan làm tốt hơn các công việc được giao như thu hút đầu tư phát triển, quan tâm đời sống người dân trong mùa mưa bão…
Bên cạnh việc đánh giá tình hình KT-XH năm 2019; Chính phủ sẽ cho ý kiến vào Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2020; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2019, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020; Báo cáo kế hoạch tài chính ngân sách Nhà nước 3 năm 2020 - 2022; Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ giao và kết quả kiểm tra tháng 8 của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ...
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình KT-XH tháng 8 và 8 tháng năm 2019 của nước ta vẫn giữ được đà tích cực. Giải ngân vốn FDI đạt khá, khoảng 12 tỉ USD, tăng 6,3% so với cùng kì. Ước 8 tháng có gần 90.500 doanh nghiệp được thành lập với số vốn đăng kí đạt trên 1,15 triệu tỉ đồng, tăng 3,5% về số lượng và tăng 31% về số vốn
Các hoạt động dịch vụ, thương mại, sức mua trong nước duy trì đà tăng trưởng tích cực. Khách du lịch quốc tế 8 tháng ước đạt 11,3 triệu lượt, tăng 8,7% so với cùng kì.
Xuất khẩu hàng hóa 8 tháng ước đạt gần 170 tỉ USD, tăng 7,3%, trong đó xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước ước tăng 13,9%, lần đầu tiên tỉ trọng vượt ngưỡng 30%, theo đó tỉ trọng xuất khẩu khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm dưới 70%.
Tại Phiên họp, Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã nhắn tin ủng hộ người nghèo qua cổng nhắn tin Vì người nghèo 1408 và phát động nhân rộng phong trào này trong cả nước.