Kĩ thuật và an toàn trong giao thông
Trong mắt người già 06/04/2022 11:27
Từ lâu các cơ sở dịch vụ sửa chữa xe nhiều tỉnh phía Nam thường thu gom lốp ô tô mòn cũ về đắp lại thành lốp nhìn như mới và được một số lái xe sử dụng để tiết kiệm chi phí. Do việc đắp lốp bằng gia nhiệt nên khi xe đi trong thời tiết nóng, liên kết giữa lốp cũ và phần đắp mới dễ bị tách ra, kết hợp áp suất hơi lốp tăng lên sẽ dễ dẫn tới nổ lốp.
Một vấn đề kĩ thuật và kĩ năng thường liên quan đến các vụ tai nạn xe tại các khu vực đèo dốc dài, cao. Theo quy tắc an toàn khi đi xe trong khu vực đèo dốc thì đi lên ở số nào, khi xuống cũng phải đi số đó. Khi lên dốc cao lái xe thông thường chỉ đi số 2 hoặc 1.
Tương tự khi xuống dốc cũng đi số tương ứng, làm như vậy để dùng số, động cơ xe kìm tốc độ. Tuy nhiên, có những lái xe khi xuống dốc tận dụng quán tính cho xe đi tốc độ cao hơn, lúc đó buộc phải rà phanh để hãm bớt tốc độ. Nếu đường dốc dài sẽ dẫn đến phanh bị nóng và nhanh chóng mòn hết lớp gỗ phít má phanh, trơ ra đế thép, lúc đó sẽ xảy ra hiện tượng mất phanh.
Trong xây dựng đường giao thông có khái niệm siêu cao khi thiết kế mặt đường những nơi quanh co. Xe lưu thông tại đường cong, lực đẩy ngang có tác dụng làm cho xe bị trượt, lật theo phương ngang, đặc biệt khi chạy ở làn ngoài. Để giảm trị số lực đẩy ngang, người ta thiết kế mặt đường một mái, nghiêng về phía bụng đường cong, lưng đường sẽ cao và bụng đường hạ thấp, đây gọi là mặt đường siêu cao. Điều này dễ nhận thấy tại các đường đua ô tô công thức 1, nếu không thiết kế mặt đường siêu cao, các xe khi vào cua sẽ văng khỏi đường đua.
Xin bàn sâu về kĩ thuật liên quan tới an toàn giao thông, bởi tới đây các cơ quan chức năng sẽ trình dự thảo tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật: Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông và Luật Đường bộ.
Luật Đường bộ, dù cắt đi chữ giao thông thì nó vẫn là công trình giao thông, một phần rất quan trọng, không thể thiếu trong bảo đảm an toàn. Khi tách ra thành luật riêng có thể hiểu, Luật Đường bộ sẽ chủ yếu đề cập về xây dựng công trình và kĩ thuật đường bộ. Liệu sau đó có cần xây dựng riêng một Luật Đường thủy, Luật Đường không tương tự Luật Đường bộ và các luật đó có thoát li yếu tố an toàn?
Để bảo đảm an toàn giao thông cần các yếu tố không thể tách rời: Quản lí điều hành giao thông; năng lực, ý thức của người tham gia giao thông; các thiết chế kĩ thuật công trình hạ tầng và kĩ thuật phương tiện giao thông. Tính thống nhất, đồng bộ của luật pháp là yêu cầu cơ bản để nó đi vào cuộc sống. Hệ thống luật pháp của ta hiện có tình trạng chồng chéo, gây khó khăn, vướng mắc khi triển khai trong thực tiễn.
Liệu có xảy ra tình trạng khập khiễng, bất cập mới khi tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật riêng biệt?