Khúc dạo đầu mới của quan hệ xuyên Đại Tây Dương
Quốc tế 30/03/2021 09:34
Việc Mỹ thúc đẩy chuyến thăm của Ngoại trưởng Blinken tới Brussels (Bỉ) tham dự Hội nghị cấp ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và tiếp xúc với Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell, cũng như cuộc gặp trực tuyến giữa Tổng thống Biden và lãnh đạo Hội đồng châu Âu trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25-26/3, được coi là nỗ lực làm ấm lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, vốn đã nguội lạnh phần nào sau những căng thẳng trong suốt nhiệm kì của cựu Tổng thống Donald Trump.
Các động thái của chính quyền Mỹ hướng tới các đồng minh bên kia bờ Đại Tây Dương cho thấy Washington muốn nhân dịp này gửi tới thông điệp hàn gắn và thúc đẩy quan hệ với NATO và EU nhằm chia sẻ những giá trị và lợi ích chung, đối phó với các thách thức mới nổi hiện nay như đại dịch Covid-19, vấn đề biến đổi khí hậu, an ninh mạng và công nghệ mới. Đồng thời, Mỹ cũng muốn củng cố liên minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương nhằm đối phó với các đối thủ chiến lược toàn cầu, trong bối cảnh Nga tiếp tục gia tăng ảnh hưởng về phía Tây và Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thách thức vị thế của Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken phát biểu sau khi tham dự Hội nghị Ngoại trưởng NATO tại Brussels, Bỉ, ngày 24/3/2021 |
Hàn gắn, củng cố quan hệ xuyên Đại Tây Dương là ưu tiên hàng đầu trong chuyến đi của ông Blinken tới châu Âu lần này nhằm giúp Mỹ có thêm động lực gia tăng trở lại các hoạt động can dự toàn cầu, khôi phục vị thế dẫn dắt trong các vấn đề quốc tế, vốn có phần suy giảm và mờ nhạt trong thời gian qua. Để đạt được mục tiêu này, chính quyền Tổng thống Biden đề cao hợp tác với các đồng minh trong NATO và EU nhằm xử lí hiệu quả các thách thức cấp bách hiện nay, đặc biệt là những thách thức an ninh phi truyền thống đe dọa các lợi ích cốt lõi của Mỹ.
Trong quan hệ với EU, ngay khi lên nắm quyền, Tổng thống Biden đã có những động thái được coi là "thể hiện thiện chí". Mỹ tuyên bố xem xét lại chính sách thuế mà cựu Tổng thống Trump áp đặt đối với các mặt hàng nhập khẩu từ EU. Trong khi đó, EU cũng coi việc Tổng thống Biden lên nắm quyền là cơ hội để hàn gắn quan hệ hai bờ Đại Tây Dương. Xuất phát từ quan điểm EU và Mỹ chia sẻ lợi ích cơ bản trong nhiều vấn đề, EU cho rằng hai bên cần thiết lập lại quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực địa chính trị khác nhau, cùng nhau hợp tác để tăng cường phối hợp, sử dụng tất cả các công cụ sẵn có và tăng cường ảnh hưởng chung.
Có một thực tế khá rõ ràng là tân Tổng thống Mỹ Joe Biden đang tìm cách khôi phục quan hệ xuyên Đại Tây Dương và các đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng có cách tiếp cận tương đồng. Các cuộc tiếp xúc trong khuôn khổ NATO hay hội nghị thượng đỉnh EU có sự tham gia của Tổng thống Mỹ Biden đã tạo khúc dạo đầu mới của quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Với các nền tảng và giá trị chung, không khó để cả Mỹ và EU thu hẹp được một số bất đồng để thúc đẩy sự nhất trí trong một chiến lược tổng thể. Tuy nhiên, những bất đồng nhỏ lẻ, nhất là trong các quan hệ song phương của nhiều thành viên chủ chốt có thể làm chậm lại đà phát triển của quan hệ đồng minh này.
Đặc biệt, EU từ lâu đã thúc đẩy khái niệm "quyền tự chủ chiến lược", có nghĩa là tăng cường khả năng tự bảo vệ mình mà không cần vai trò của bên thứ ba, tự mình đặt ra các quy tắc cho bản thân, không buộc phải phục tùng quy tắc của bên thứ ba, kể cả Mỹ. Nói cách khác, EU đang xác định lại vị thế của mình trước Mỹ. Thực tế đó đòi hỏi lòng tin lớn hơn từ các bên cũng như các nỗ lực điều chỉnh từ phía Mỹ nếu muốn hàn gắn quan hệ hai bờ Đại Tây Dương.