Cục diện phức tạp
Quốc tế 14/03/2024 10:06
Sự kiện này sẽ thay đổi đáng kể cán cân địa - chính trị trong khu vực cũng như môi trường an ninh tại châu Âu, vốn đã có nhiều biến động vì xung đột Nga - Ukraine.
Chỉ cách đây vài năm, khó có thể tưởng tượng Thụy Điển sẽ gia nhập NATO vì đất nước này giữ vị trí trung lập trong cả hai cuộc chiến tranh thế giới. Sau Chiến tranh thế giới thứ Hai, nhất là khi Liên Xô giải thể năm 1991, Thụy Điển cũng cắt giảm chi tiêu quân sự. Tuy nhiên, kể từ khi năm 2014, Thụy Điển lại bắt đầu đầu tư nhiều hơn vào quốc phòng. Nghĩa vụ quân sự bắt buộc được áp dụng lại vào năm 2018 và chi tiêu quốc phòng đã tăng gấp 5 lần trong 5 năm qua. Sau khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022, Thụy Điển và nước láng giềng Bắc Âu Phần Lan bắt đầu quá trình gia nhập NATO.
Đánh giá về việc kết nạp Thụy Điển, Tổng thư kí NATO Jens Stoltenberg tuyên bố: “Thụy Điển có lực lượng vũ trang có năng lực và nền công nghiệp quốc phòng hàng đầu thế giới. Việc Thụy Điển gia nhập làm cho NATO mạnh hơn".
Ngày 7/3/2024, Thụy Điển đã chính thức trở thành thành viên thứ 32 của NATO, sau khi Thủ tướng Ulf Kristersson chuyển các tài liệu gia nhập cho Chính phủ Mỹ tại một buổi lễ ở Washington, DC. |
Mặc dù số lượng không đông, song quân đội Thụy Điển được đánh giá là được huấn luyện rất bài bản và trang bị hiện đại, nên về sức mạnh quân sự, những năm gần đây, nước này luôn nằm trong nhóm 30 nước và vùng lãnh thổ đứng đầu (trong số 140 quốc gia/vùng lãnh thổ) trong Bảng xếp hạng hỏa lực toàn cầu. Thụy Điển là quốc gia có lực lượng hải quân mạnh với các tàu ngầm tiên tiến, quen hoạt động ở vùng biển Baltic nông. Ngoài hải quân, Thụy Điển còn sở hữu một trong những lực lượng không quân lớn nhất châu Âu với khoảng 100 máy bay chiến đấu. Điều này có nghĩa là các quốc gia NATO ở Đông Bắc Âu có thể chủ động việc giám sát không phận khu vực.
Theo Trung tâm Wilson có trụ sở tại Washington, ngành công nghiệp quốc phòng của Thụy Điển - một trong những ngành lớn nhất ở châu Âu, sản xuất một số thiết bị tinh vi nhất trên thị trường. Năng lực công nghệ cao trong khu vực tư nhân của Thụy Điển cùng với số lượng lớn các khoáng sản quan trọng, như quặng sắt và kim loại đất hiếm, rất quan trọng đối với ngành công nghiệp quốc phòng. Thụy Điển có thể đóng góp vào việc sản xuất khí tài của NATO khi nước này đang tự sản xuất máy bay chiến đấu, nổi bật với dòng máy bay tiêm kích đa nhiệm JAS 39 Gripen của Tập đoàn Saab.
Theo báo cáo của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), xuất khẩu vũ khí của Thụy Điển tài khóa 2020 - 2021 đạt khoảng 1,7 tỉ USD, tới gần 60 nước. Mỹ là khách hàng mua các loại lựu pháo trang bị cho hải quân và hệ thống pháo phản lực do Thụy Điển cung cấp.
Với vị trí là mắt xích quan trọng kết nối Bắc cực với biển Baltic và Đại Tây Dương, việc Thụy Điển gia nhập NATO đã làm thay đổi đáng kể cục diện địa - chính trị ở khu vực này. Giờ đây, ngoại trừ Nga, tất cả các nước ven biển Baltic đều là thành viên NATO. Điều đó giúp NATO có lợi thế chiến lược ở biển Baltic. Giới phân tích đánh giá trong trường hợp xung đột giữa NATO và Nga ở biên giới phía Đông leo thang, Thụy Điển sẽ là nơi trung chuyển quan trọng về hậu cần và quân đội.
Đối với Thụy Điển, quyết định gia nhập NTO được cho sẽ giúp nước này có được sự bảo đảm an ninh trong bối cảnh cấu trúc an ninh châu Âu đã thay đổi. Đối với ổn định và an ninh khu vực, như tuyên bố của Đại sứ quán Nga tại Stockholm, việc Thụy Điển gia nhập “khối quân sự thù địch với Nga” sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sự ổn định ở Bắc Âu và khu vực Baltic, nơi vốn từng một trong những khu vực ổn định nhất thế giới.
Như vậy, có thể khẳng định việc NATO kết nạp Thụy Điển và Phần Lan chắc chắn sẽ thay đổi môi trường an ninh châu Âu, làm căng thẳng hơn mối quan hệ giữa khối này với Nga, khiến cục diện địa - chính trị khu vực trở nên phức tạp hơn. Tình hình này cũng khiến triển vọng giải quyết các vấn đề khu vực, như cuộc xung đột Nga - Ukraine, thêm khó khăn…