Khôi phục vị thế của Anh trên thị trường quốc tế
Quốc tế 05/07/2024 10:31
Sáu đảng chính gồm Bảo thủ, Công đảng, Dân chủ tự do, Xanh, Cải cách Vương quốc Anh, Dân tộc Scotland (SNP) và các đảng khác sẽ cạnh tranh tại 650 khu vực bầu cử trên toàn Vương quốc Anh (mỗi khu vực có một nghị sĩ đại diện). Đảng giành được nhiều ghế nhất tại hạ viện sẽ trở thành đảng cầm quyền và lãnh đạo đảng trở thành thủ tướng. Theo truyền thống, đảng Bảo thủ và Công đảng thống trị nền chính trị Anh và các đảng nhỏ có ít cơ hội hơn để giành ghế đại diện tại Hạ viện.
Người dân Anh sẽ chọn ra chính phủ và thủ tướng mới trong bối cảnh kinh tế ảm đạm với tăng trưởng yếu, năng suất thấp, đầu tư kém, nợ công cao kỉ lục và những hệ lụy từ Brexit; mức sống người dân giảm với thuế phí, chi phí sinh hoạt và lãi suất vay thế chấp đều cao; làn sóng nhập cư tăng mạnh; dịch vụ công xuống cấp, đặc biệt Dịch vụ Y tế quốc gia (NHS) với danh sách chờ khám chữa bệnh hơn 7 triệu người, làn sóng đình công kéo dài do mức lương người lao động không theo kịp lạm phát...
Thủ tướng Anh Rishi Sunak (phải) và lãnh đạo Công đảng Keir Starmer trong cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên trên truyền hình, ở Manchester |
Theo số liệu của Văn phòng Thống kê quốc gia (ONS), mặc dù có dấu hiệu phục hồi với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I/2024 tăng 0,7%, mức tăng lớn nhất kể từ cuối năm 2021, kinh tế Anh nhìn chung tăng trưởng yếu, chỉ đạt tăng trưởng 0,4% năm nay và đứng cuối nhóm G7 năm 2025 với mức tăng 1%. Anh cũng có mức đầu tư/GDP thấp nhất với 18%.
Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và dịch vụ công, các đảng đều đưa ra cam kết thúc đẩy tăng trưởng trong cương lĩnh tranh cử. Thủ tướng Rishi Sunak cam kết đảng Bảo thủ (giành 365 ghế trong cuộc tổng tuyển cử trước) sẽ đẩy mạnh tăng trưởng và giảm khoảng 17 tỉ bảng tiền thuế mỗi năm trong khi tăng chi cho y tế công cao hơn mức tăng lạm phát và tăng chi quốc phòng lên 2,5% GDP vào năm 2030, thông qua việc kiểm soát gian lận thuế và giảm chi phúc lợi.
Tuy nhiên, sau 14 năm cầm quyền với 5 đời thủ tướng và trải qua nhiều bất ổn chính trị, kinh tế - xã hội, đảng Bảo thủ chia rẽ sâu sắc đang đối mặt với nguy cơ thất bại lịch sử khi uy tín sụt giảm nghiêm trọng với hàng loạt bê bối. Trong khi đó, lãnh đạo Công đảng Keir Starmer nổi lên như ứng cử viên sáng giá nhất cho ghế thủ tướng. Là người theo chủ nghĩa trung dung và thực dụng, ông Starmer đã nỗ lực hàn gắn các chia rẽ nội bộ và thành công trong việc xây dựng uy tín của Công đảng (202 ghế), khiến sự ủng hộ của cử tri tăng mạnh.
Ngoài Công đảng, đảng Cải cách Vương quốc Anh cũng được cho là mối đe dọa đối với đảng Bảo thủ cầm quyền. Lãnh đạo đảng Dân chủ tự do cũng cam kết cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe và xã hội, gồm dịch vụ chăm sóc y tế miễn phí tại nhà; đầu tư vào năng lượng tái tạo; kiểm soát chặt chẽ các công ty nước xả thải và tái gia nhập thị trường chung EU. Tiếp đó, nhà lãnh đạo mới của đảng Dân tộc cũng khẳng định mong muốn tái gia nhập EU và thị trường chung, tăng cường tài trợ cho y tế công, trong khi đảng Xanh cam kết đạt mục tiêu net zero vào năm 2040…
Dù đảng nào giành chiến thắng, chính phủ mới sẽ phải chèo lái đất nước thoát khỏi kinh tế trì trệ, thúc đẩy tăng trưởng năng suất và đầu tư, hợp lí hóa hệ thống thuế, cải tổ hệ thống quy hoạch, tăng đầu tư, đặc biệt vào nhà ở, cơ sở hạ tầng, giáo dục và y tế, và cải thiện dịch vụ công, đồng thời cam kết chống biến đổi khí hậu và phát triển năng lượng xanh.
Theo Giám đốc điều hành Chatham House, Browen Maddox, chính phủ mới cũng cần giải quyết những vấn đề quốc tế cấp bách, với những ưu tiên trong chính sách đối ngoại, gồm cải thiện quan hệ với EU nhằm bù đắp rủi ro do Mỹ giảm sự tham gia ở châu Âu và lấp đầy khoảng trống chính sách hậu Brexit, khôi phục vai trò trong quản trị toàn cầu và phát triển quốc tế, một lĩnh vực thế mạnh của Anh.
Giải quyết những thách thức trên là chìa khóa để chính phủ mới nâng cao mức sống người dân đồng thời khôi phục vị thế của Anh trên trường quốc tế.