Khoảng cách...
Trong mắt người già 05/08/2023 10:39
“Điển hình” bởi Hà Nội có số học sinh đông nhất (2,3 triệu), chiếm khoảng 1/10 cả nước. Nhiều năm nay, năm nào các bậc phụ huynh ở nhiều quận của Thủ đô, có con ở các độ tuổi vào trường mầm non, vào lớp 1, lên lớp 6, lớp 10 lại vất vả tìm trường lớp cho con. Đầu năm học 2022 - 2023, UBND phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai phải tổ chức cho phụ huynh bốc thăm suất học các cháu ở tuổi lên 3 vì lứa tuổi này nhiều hơn gấp đôi khả năng tiếp nhận của trường mầm non phường này. Cũng ở quận Hoàng Mai, tổng số học sinh mầm non, tiểu học, THCS công lập trên 79.600 cháu, nếu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì thiếu 36 trường, gồm 22 trường mầm non, 13 trường tiểu học và 1 trường THCS.
Không riêng gì Hoàng Mai, hầu hết các quận của Hà Nội từ bậc mầm non đến THPT đều thiếu trường, lớp và càng ngày càng thiếu nghiêm trọng. Vì thế mà năm học 2022 - 2023, riêng khối lớp 1 của Hà Nội khoảng 2.000 lớp có sĩ số 50 học sinh/lớp trở lên; khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 học sinh/lớp trở lên.
Riêng cuộc đua vào các trường THPT công lập tại các quận ở Hà Nội lại vô cùng… áp lực. Năm học 2023 - 2024, Hà Nội có gần 105 nghìn học sinh thi vào lớp 10 nhưng các trường công lập chỉ tuyển sinh khoảng 55,7%, như vậy gần 40 nghìn cháu không có cơ hội vào các trường công lập.
Tình trạng quy hoạch đô thị TP Hà Nội bị phá vỡ nghiêm trọng dẫn đến thiếu trường lớp đã được các chuyên gia, các nhà khoa học, báo chí lên tiếng, cảnh báo nhưng… không ai nghe. Vì thế, vô hình trung, Hà Nội không chỉ ùn tắc về giao thông mà “đường học” của con trẻ cũng ngày càng… ùn tắc!
Điều kiện cơ bản đầu tiên để giáo dục phát triển là trường lớp, nhưng hầu hết các khu đô thị mới ở Hà Nội đều “quên” bố trí đất xây trường học. Nhiều khu đô thị “khai sinh” cách đây 10-15 năm như Phùng Khoang, Xuân Phương - Viglacera, khu đô thị thành phố giao lưu - Cổ Nhuế, Xuân Đỉnh, Cầu Bươu… nhưng vẫn chưa có trường học. Vì sao ngay tại Thủ đô Hà Nội - trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa của cả nước lại để xảy ra tình trạng thiếu trường, lớp?
Nghị quyết Trung ương 2 (khoá VIII, 1996), về “Định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kì công nghiệp hoá, hiện đại hoá”, trong đó xác định “Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu” và “đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển”. Nhưng gần 30 năm qua, riêng việc bảo đảm trường lớp cho học sinh ở Thủ đô làm được những gì ai cũng biết.
Dân số cơ học Hà Nội đang tăng lên từng ngày. Vì thế, tình trạng thiếu trường lớp càng trở nên hot. Mới hay, giữa quan điểm và thực tế còn có khoảng cách - chuyện không ở đâu xa mà ngay giữa…Thủ đô Hà Nội!