Khỏe mạnh và sống lâu
Sống khỏe 10/07/2021 08:09
Bài 1: Nguyên tắc giữ gìn sức khỏe ở người cao tuổi
Giữ gìn sức khỏe
Theo các chuyên gia và kinh nghiệm của người cao tuổi, giữ gìn sức khỏe bằng thuốc men không tốt bằng chế độ dinh dưỡng và luyện tập, giữ gìn sức khỏe bằng ăn uống không quan trọng bằng thường xuyên vận động thân thể, đi bộ, dạo mát, đạp xe, bơi lội, tập dưỡng sinh, vẩy tay… Giữ gìn sức khỏe không chỉ giữ cho cơ thể khỏe mạnh, mà còn giữ cho tâm trí luôn thanh thản, sảng khoái, luôn vui vẻ, thoải mái. Để tâm hồn thư thái, người già thường tham gia các CLB dành cho người cao tuổi, đi chợ mua sắm, tham quan du lịch, trở lại chiến trường xưa, giao lưu với bạn bè và chơi đùa cùng con trẻ. Nhiều người cao tuổi còn sức khỏe tiếp tục tham gia các đề án nghiên cứu khoa học, viết sách, hồi kí, trông nom các cháu và lao động sản xuất, kinh doanh, vừa vận động thể lực vừa hoạt động trí não. Bởi theo họ, không vận động thân thể thì cơ bắp tất yếu đi; không động não xem sách báo, học hỏi thêm thì rất nhanh bị lú lẫn.
Có bệnh thì phải dùng thuốc, nhưng bất đắc dĩ mới phải dùng thuốc thôi, điều chỉnh chế độ luyện tập, ăn uống, sử dụng dinh dưỡng hợp lí vẫn là phương án tối ưu nhất. Người xưa khắc phục bất an, rũ bỏ lo lắng, băn khoăn, sầu muộn, u uất trong lòng bằng tiếng cười, bằng sự kiên nhẫn, nhường nhịn, không hiếu thắng. Kiềm chế cảm xúc cũng là hình thức duy trì sức khỏe. “Vui quá hại tim/ Buồn quá hại phổi/ Tức giận quá hại gan/ Sợ hãi quá hại thận/ Nghĩ nhiều quá hại tỳ…”.
Tham gia các CLB giúp NCT tăng cường vận động và giao lưu, duy trì sức khỏe, tăng tuổi thọ |
Thái độ sống
Đối với sức khỏe, quan trọng hơn cả luyện tập và ăn uống chính là thái độ sống. Người cao tuổi luôn trầm tĩnh, điềm đạm ngay từ cách đi đứng, nói năng và cả trong suy nghĩ. Ngay cả khi bất ngờ rơi vào tình huống khó khăn, cũng bình tĩnh giải quyết, tránh nôn nóng, lo lắng, bứt rứt… Cần biết thích nghi, tự điều chỉnh trước mọi thay đổi. Không để rơi vào thế bị động và cần tỉnh táo biết phục thiện, chấp nhận khách quan không theo ý muốn của mình. Nên cởi mở, thổ lộ, tâm sự với bạn bè; chia sẻ cùng người thân những chuyện vui buồn và cả những khó khăn, không nên để cảm xúc dồn nén kéo dài dễ đau đầu, mỏi lưng, nhức xương khớp. Cũng không nên nói nhiều, nói đi nói lại một việc đã qua, tạo áp lực tâm lí, bất lợi cho sức khỏe. Cần có công việc thiết thực, phù hợp khả năng và điều kiện sức khỏe; sẵn sàng làm việc tốt, gánh vác trách nhiệm, tích cực hòa nhập trong gia đình và cộng đồng. Đặc biệt, dành một góc cho sở thích, đam mê lành mạnh của bản thân. Tránh cô đơn, trầm lặng, uể oải, dù là việc bình thường, quen thuộc cũng luôn cố gắng làm tốt hơn, thu hút thêm người cùng làm tạo thêm động lực và niềm vui trong công việc.
5 lí sự của người cao tuổi
Một quý nhất của đời người là “sức khỏe”. Hai một chút (thoải mái, đại khái) để tâm hồn thanh thản. Ba quên tuổi tác, bệnh tật (nhưng tích cực chữa), tư thù. Bốn cần có chỗ ở, bạn đời, vài người bạn tri kỉ, sổ tiết kiệm. Năm nên làm là hoạt động thể lực, hoạt động trí óc, hài hước, cởi mở, dung dị bình thường.
(Còn nữa)