Israel đang xích lại gần các nước Đông Nam Á
Quốc tế 15/08/2019 09:46
Sau khi đã thiết lập quan hệ song phương thành công với các nước như Trung Quốc, Singapore và Ấn Độ trong 2 thập kỉ qua, Israel đang nỗ lực không ngừng để mở rộng dấu ấn của mình ở các nước Đông Nam Á, đặc biệt là với Myanmar, Philippines, Thái Lan và Việt Nam, cũng như các nước Đông Á khác như Nhật Bản và Hàn Quốc. Những lợi ích thực tế và chiến lược của cả 2 phía đã làm cho mối quan hệ này trở nên gần gũi hơn trước đây. Mục tiêu dài hạn của Israel là chuyển các hợp tác quốc phòng và hợp tác kinh tế với các nước nói trên thành quan hệ đối tác chính trị.
Vượt qua rào cản quá khứ
Tâm lí bài Israel ở một số nước Đông Nam Á (do sự ủng hộ vấn đề Palestine) không còn là trở ngại đối với việc thúc đẩy hợp tác với Israel. Chuyến thăm của một phái đoàn thương mại Indonesia tới Israel vào đầu tháng 7/2019 là bằng chứng về mối quan hệ thân thiện ngày càng tăng giữa Israel và khu vực. Trước tình hình căng thẳng Israel-Palestine, nói chung Đông Nam Á khá yên lặng và điều này tạo mảnh đất màu mỡ cho Israel đẩy mạnh quan hệ với các nước khu vực này.
Tiếp tục động thái ngoại giao-chính trị để củng cố quan hệ song phương với khu vực, Tổng thống Israel Reuven Rivlin đã thăm Hàn Quốc từ ngày 14-18/7 và thảo luận nhiều mặt quan hệ. Tổng thống Israel cũng không bỏ lỡ cơ hội phê chuẩn việc cung cấp hệ thống phòng thủ tên lửa do Israel sản xuất cho phía Hàn Quốc.
Xe tăng chiến đấu chủ lực Merkava do Israel sản xuất. Ảnh: Military Today |
Những chuyến viếng thăm cấp cao như thế, bao gồm cả chuyến thăm của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tới Israel vào đầu tháng 9/2018, đã trở thành xu hướng trong thời gian gần đây. Trong tất cả các thảo luận và thỏa thuận kí kết trong các cuộc tiếp xúc đó, nhân tố quân sự trong hợp tác song phương thu hút sự chú ý đáng kể.
Thị trường tiềm năng cho xuất khẩu vũ khí
Sức tiêu thụ vũ khí ở nội địa là có hạn nên Israel thường xuyên nhìn ra bên ngoài để tìm kiếm khách hàng và Đông Nam Á đã trở thành một thị trường có tiềm năng đem lại nhiều lợi nhuận. Ngoài máy bay, các vũ khí khí tài do Israel sản xuất và được các nước trong vùng săn đón là hệ thống tên lửa và phòng thủ tên lửa, thiết bị bảo vệ biên giới, hệ thống cảnh báo sớm, dụng cụ tình báo và các linh kiện hàng không quân sự.
Hệ thống vũ khí ở Đông Nam Á hiện đã trở nên cũ kĩ, khiến các nước trong khu vực tìm giải pháp thay thế bằng nâng cấp hoặc nhập mới.
Một số quốc gia Đông Nam Á đã công khai bày tỏ việc ưa thích các hệ thống vũ khí do Israel sản xuất, đặc biệt là vì Israel không đặt điều kiện ràng buộc đối với vũ khí xuất khẩu của họ, bất chấp thể chế chính trị.
Tổng thống Philippines Duterte thậm chí còn ra lệnh cho quân đội nước mình chỉ mua thiết bị quốc phòng, bao gồm cả thiết bị thu thập tình báo, của Israel. Sự có mặt của phái đoàn quân sự Myanmar ở Triển lãm Quốc phòng và An ninh nội địa Israel tổ chức ở Tel Aviv vào đầu tháng 6/2019 càng củng cố nhận định về khả năng Israel tiếp tục xuất khẩu vũ khí sang Myanmar.
Quân sự và hơn thế nữa
Ngoài buôn bán vũ khí, Israel còn bước vào địa hạt hợp tác chống khủng bố. Các binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF, tức quân đội Israel) đã lần đầu tiên huấn luyện cho các đối tác Philippines vào tháng 7/2019. Với những điểm tương đồng xét về các mối đe dọa đối với Israel và Philippines, hợp tác chống khủng bố và chia sẻ thông tin tình báo giữa 2 nước có thể sẽ phát triển mạnh mẽ.
Đối với Đông Bắc Á, Hàn Quốc đã gia tăng hợp tác quân sự-an ninh với Israel, đặc biệt là từ đầu thiên niên kỉ này. Với Nhật Bản, chuyến thăm Israel lần đầu tiên của tướng Koji Yamazaki, Tham mưu trưởng Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản vào cuối tháng 6/2019 là bước khởi đầu cho việc thiết lập quan hệ đối tác giữa quân đội 2 nước.
Bên cạnh hợp tác kinh tế, chính phủ Israel sẽ tiếp tục khuyến khích quan hệ quốc phòng như một phương tiện đa dạng hóa nguồn thu của mình, và điều này cũng có khả năng dẫn tới việc thiết lập quan hệ chính trị với các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Với những gì mà Israel đã đạt được cho tới nay, có thể coi chính sách “xoay trục sang châu Á” của Thủ tướng Netanyahu đã bắt đầu mang lại ích lợi cho Israel. Dự báo Israel sẽ tiếp tục thực thi chính sách đối ngoại đối với khu vực này bằng sự khôn khéo của mình.