Iraq đang giữa “hai làn đạn”
Quốc tế 14/01/2020 10:12
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Adel Abdul Mahdi nói: “Iraq bị kẹp giữa người bạn cách xa hơn 8.000 km và người hàng xóm đã ở bên suốt 5.000 năm. Chúng tôi không thể thay đổi vị trí địa lí và lịch sử của mình. Đây là thực tế ở Iraq”.
Hàng nghìn người biểu tình một ngày trước đó ném bom xăng, phá tường và xông vào đại sứ quán Mỹ tại Baghdad do phẫn nộ trước hành động của quân đội Mỹ trên đất nước này. Các cuộc không kích của Mỹ vào ba vị trí của nhóm vũ trang Kataib Hezbollah thân Iran đã khiến 25 tay súng thiệt mạng và ít nhất 51 người bị thương.
Vài ngày sau, tình hình càng căng thẳng hơn khi Trump ra lệnh không kích hạ sát tướng Qassem Soleimani, Tư lệnh đặc nhiệm Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran. Abu Mahdi al-Muhandis, Phó Tư lệnh Lực lượng Tổng động viên Iraq (PMU), cũng thiệt mạng trong cuộc tấn công.
Lực lượng Mỹ tại Trung Đông. Đồ họa Washington Post |
Với nhiều người Iraq, việc đẩy Mỹ khỏi nước này đã bị trì hoãn quá lâu. Một số người tức giận trước những tổn thất lớn về dân sự sau khi Mỹ xuất hiện và sự tra tấn nặng nề với các tù nhân tại Abu Ghraib.
Có 170 trong số 328 nghị sĩ Quốc hội Iraq bỏ phiếu không duy trì lực lượng nước ngoài trong lãnh thổ. Hầu hết thành viên không tham gia là những người Hồi giáo dòng Sunni hoặc người Kurd không thân thiện với Iran.
Các nguồn tin giấu tên am hiểu vấn đề cho biết, nếu Mỹ rút quân, châu Âu và những lực lượng khác trong liên minh cũng sẽ hành động tương tự, bởi họ phụ thuộc vào hỗ trợ kĩ thuật và hậu cần của Mỹ.
Iraq còn đối mặt áp lực về kinh tế, khi Tổng thống Trump cảnh báo trừng phạt nước này “theo cách họ chưa từng thấy” nếu quân đội Mỹ bị trục xuất. Biện pháp trừng phạt có khả năng bao gồm đóng băng tài sản của chính phủ Iraq tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang ở New York, từ đó cắt nguồn USD của nước này (Chính phủ Iraq gửi lợi nhuận từ việc bán dầu). Mỹ còn có thể chấm dứt các lệnh miễn trừ cho phép Iraq mua khí đốt của Iran để sản xuất ít nhất 35% năng lượng cho đất nước.
Mối lo ngại khác là các công ty nước ngoài sẽ giảm hoặc đình chỉ hoạt động tại Iraq để bảo đảm an toàn. Một số nhà thầu Mỹ đã rời đi vài ngày sau vụ hạ sát tướng Soleimani bởi họ không muốn “hứng đạn”.
Tuy nhiên, Thủ tướng Abdul Mahdi tỏ ra sẵn sàng đối mặt với những hậu quả tiềm tàng đó. “Dường như các ý kiến và quyết định trong Văn phòng Thủ tướng đang nghiêng về hướng đông (Iran)”.
Giới chuyên gia cho rằng, vẫn có một số biện pháp tiềm năng để giải quyết thế bế tắc cho Iraq, như thảo luận với những quốc gia trong liên quân nước ngoài về việc giữ lại một số lính Mỹ, từ đó giúp duy trì liên minh chống IS. Anh và Pháp đang vạch ra biện pháp xử lí, tập trung vào việc bảo toàn thành quả của cuộc chiến chống IS.
Thủ tướng Abdul Mahdi đã yêu cầu Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq nộp bản tóm tắt những lựa chọn giúp thực thi nghị quyết của quốc hội. Phương án đầu tiên được đưa ra là yêu cầu quân đội Mỹ rời đi nhanh nhất có thể. Lựa chọn thứ hai là một cuộc rút quân theo thỏa thuận. Lựa chọn cuối cùng là đàm phán lại thỏa thuận với liên quân do Mỹ dẫn đầu, cho phép một số binh sĩ ở lại. Hội đồng An ninh Quốc gia Iraq đã đề nghị phương án thứ ba.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Washington sẽ không tuân thủ yêu cầu chuẩn bị rút quân của Baghdad, đồng thời bày tỏ mong muốn tiếp tục thảo luận với chính phủ nước này về “cấu trúc phù hợp”.