Indonesia: Kì vọng chính sách đối ngoại của người tiền nhiệm
Quốc tế 22/03/2024 10:39
Ông Prabowo được kì vọng sẽ tiếp tục di sản của Jokowi, trong đó có chính sách đối ngoại. Khi lên nắm quyền, Tổng thống Jokowi từng tạo nên bước chuyển mạnh mẽ theo hướng thực dụng, hướng nội, dân tộc chủ nghĩa, đặt lợi ích kinh tế lên trên; ưu tiên song phương đi vào thực chất hơn là đa phương trong quan hệ với các đối tác quan trọng và với các nước lớn. Chính sách này nhằm thúc đẩy các cơ hội hợp tác với các nước lớn, cân bằng các quan hệ với Mỹ và Trung Quốc đồng thời tránh việc phải chọn lựa.
Học giả Veeramalla Anjaiah, nhà báo cao cấp, nhà nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Đông Nam Á (CSEAS) cho rằng, Indonesia đã nhiều năm theo đuổi chính sách đối ngoại độc lập và chủ động. Cần lưu ý ở đây rằng, chính sách đối ngoại độc lập và tích cực của Indonesia không phải là một chính sách trung lập. Chính sách này đến nay vẫn phù hợp và hữu ích vì nhiều lí do. Tuy nhiên, ông Anjaiah nhấn mạnh, Indonesia nên đóng vai trò tích cực hơn trong Liên Hợp Quốc, ASEAN, Phong trào không liên kết, APEC, OIC và Hiệp hội Vành đai Ấn Độ Dương... Indonesia không nên tham gia bất kì liên minh quân sự và siêu cường nào nhưng có thể hợp tác với họ vì lợi ích lớn hơn.
Ông Prabowo Subianto tại điểm bỏ phiếu ở Bogor ngày 14/2/2024. |
Theo học giả Veeramalla Anjaiah, trong các vấn đề của ASEAN, các chính sách không can thiệp và đồng thuận hiện tại của ASEAN không hiệu quả trong các vấn đề như Biển Đông và Myanmar. Ông Prabowo có thể thay đổi chính sách ở ASEAN để làm cho nó khả thi và hiệu quả trong khi vẫn tiếp tục duy trì mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước ASEAN.
Điểm yếu chính của Indonesia là chưa đạt được những ảnh hưởng về kinh tế và quân sự tương xứng với quy mô đất nước trên trường quốc tế. Ngay cả sau 79 năm độc lập, Indonesia vẫn không có lực lượng thiết yếu tối thiểu để bảo vệ đất đai và tài nguyên của mình. Để củng cố nền kinh tế và quân sự, Indonesia vẫn rất cần hợp tác với các cường quốc trên thế giới.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Prabowo nói rằng, Indonesia sẽ vẫn là một cường quốc đứng ngoài khối chỉ tìm kiếm tình hữu nghị đồng thời khẳng định sức mạnh quốc gia phải là sức mạnh quân sự. Những tuyên bố này cho thấy ông Prabowo có thể chuyển hướng chính sách đối ngoại của Indonesia theo hướng tập trung vào an ninh hơn, trong khi người tiền nhiệm Jokowi duy trì chính sách đối ngoại khiêm tốn và chủ yếu tập trung vào kinh tế.
Thắng cử trong bối cảnh nền kinh tế Indonesia vẫn tồn tại những yếu kém nhất định với cơ cấu còn bất cập, tốc độ tăng trưởng không bền vững, tệ nạn tham nhũng vẫn gây bức xúc trong xã hội; khủng bố và xung đột sắc tộc vẫn tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, chính phủ mới của ông Prabowo sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề cả trong nước và quốc tế.
Một vấn đề lớn khác là an ninh lương thực. Indonesia là nước nhập khẩu ròng gạo, lúa mì, đường, muối, trái cây, thịt bò và đậu nành. Ông Prabowo muốn đạt được khả năng tự cung tự cấp trong sản xuất lương thực và giảm nhập khẩu lương thực và có thể tiếp tục dự án chủ động lương thực, thực phẩm của người tiền nhiệm Jokowi.
Ngoài ra, các vấn đề cũ trong nước như tham nhũng, quan liêu, cơ sở hạ tầng, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, biến đổi khí hậu… mà ông Prabowo có thể vẫn phải đối mặt. Trên trường quốc tế, ông Prabowo có thể phải đối mặt với sự vượt trội của Trung Quốc ở châu Á và hành vi mạnh bạo của nước này ở Bắc Natuna. Vấn đề nữa là Myanmar, Palestine. Đặc biệt, việc cân nhắc và cân bằng ra sao với một số nước phát triển như Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Australia và Nhật Bản để thu hút đầu tư... cũng là bài toán lớn đặt ra cho chính phủ mới…