Huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa: Nhiều bất cập tại Trường Mầm non xã Thiệu Giang
Nhịp cầu bạn đọc 07/05/2019 08:57
Bài 1: Ngổn ngang nhiều hạng mục
Công tác dạy và học của thầy trò Trường Mầm non xã Thiệu Giang những năm qua đứng trước những thử thách không hề nhỏ. Trường không có tường rào, trống hoác nên người hay kể cả động vật cũng có thể ra vào tự do. Chiếc “cổng phụ” rộng mấy chục mét trở thành cổng chính để phụ huynh học sinh đưa đón con cái tới trường. Lúc chúng tôi có mặt, cả một đàn bò của hộ gia đình trong xã đang “tung tăng” ngay tại lối đi phụ này.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn
Bà nguyễn Thị Phương, thôn Đường Thôn, (đang đón cháu bằng lối đi cổng phụ) phàn nàn: "Nhà tôi có 4 đứa cháu nội đều học trường mầm non Thiệu Giang, nhưng 3 đứa lên Tiểu học rồi. Hiện vẫn còn 1 cháu đang theo học ở đây. Gia đình tôi lo lắng lắm, vì cơ sở vật chất nhà trường không chỉ thiếu thốn mà còn mất an toàn. Trường thì thông thiên với chợ, không có tường rào che chắn. Dạo trước, có 2 người đàn ông lạ mặt đến khu chợ này bán bim bim, người dân ai cũng lo, cứ phải để mắt suốt. Nhiều lúc đang làm việc, tôi cũng phải chạy ra xem họ đi chưa, may nhà ở gần không thì thời gian đâu mà cứ chạy đi chạy lại thế được".
Con đường phụ thông từ trường sang chợ mà phụ huynh vẫn hay đón con qua lối này |
Không có tường rào đã đành, trường Mầm non Thiệu Giang còn nằm trong “vòng vây” của một ngôi chợ, điều này không chỉ thiếu mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đối với việc học hành, đi lại của các cháu học sinh. Người dân trong xã thường tập trung về đây họp chợ rất tấp nập. Trao đổi với phóng viên về tình trạng này, bà Lê Thị Hoàng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Thiệu Giang cho biết: "Trường chúng tôi đang phải đối diện với muôn vàn những bất cập. Ngay từ cái cổng trường, mọi người có thể ra vào bất cứ lúc nào. Giáo viên thì ít lại phải phụ trách công việc của họ, không thể chia năm xẻ bảy để theo dõi việc người lạ vào trường. Bốn bề tứ hướng đều trống hoác. Một cạnh của ngôi trường là chợ và cạnh kia là cái ao, trước đây thả cá nhưng giờ cấy lúa. Chợ nằm cạnh trường đã không phù hợp, đằng này lại thông với nhà trường. Tôi có ý kiến thì xã bảo sẽ xây tường rào mà mãi vẫn y nguyên. Khách đến thăm trường cũng không phân biệt được đâu là phạm vi của nhà trường nữa". Hiện, nhà trường có 300 em học sinh được chia thành 10 nhóm lớp. Nhưng từ khi xây dựng, nhà trường chỉ được đầu tư 6 phòng học kiên cố, 4 lớp còn lại đang phải học tạm bợ trong khu nhà cấp 4, mỗi phòng được 20m2 và đã xuống cấp, không có chỗ bày đồ dùng học tập nên phải để tạm ngoài hành lang. Ngoài ra, nhà trường phải sắp xếp cho 2 nhóm trẻ học chung 1 phòng. Do thiếu phòng học, các cô giáo đã phải dồn học sinh, ghép lớp, tận dụng tối đa các khoảng không gian. 50 học sinh chen chúc trong một lớp học rộng khoảng 50m2, với khoảng 1m2/ 1 cháu; trong khi quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tối thiểu phải đạt 1,5m2/1 học sinh.
Cả nhà trường cũng chỉ có 2 phòng làm việc, mỗi phòng hơn 4m2 với chức năng “4 trong 1”. “Phòng làm việc của tôi, đồng thời là phòng kế toán, phòng chờ, kho. Hệ thống quạt, cũng được trang bị từ năm 2010 cho đến nay. Vừa qua, nhiều cái hư hỏng nặng, tôi gọi thợ đến sửa, nhưng thợ bảo cũ quá rồi, không sửa được nữa. Gần 10 năm qua không biết bao nhiêu báo cáo, tờ trình lên xã, đề nghị xã xem xét nhưng đều nhận được câu trả lời là xã đang khó khăn về kinh phí.”- bà Hoàng cho biết thêm.
Dãy nhà xuống cấp trầm trọng nằm trong khuôn viên sân trường |
Chưa dừng lại ở đó, ngay trong khuôn viên sân trường, nơi các em học sinh hàng ngày vẫn chạy nhảy, nô đùa là một dãy nhà cấp 4, trước đây là nơi làm việc của UNBD xã. Dãy nhà đã xuống cấp trầm trọng. Thân nhà võng xuống, ngói có thể trút xuống bất cứ lúc nào. Mặc dù mỗi phòng đều được dán tờ giấy A4 trước cửa với dòng chữ “Khu vực nguy hiểm cấm vào”, nhưng lại không có bất cứ thứ gì che chắn. “Mới đây đoàn thanh tra của phòng giáo dục huyện về kiểm tra cũng không dám đến gần vì sợ sập”- bà Hoàng chia sẻ. Vậy mà những năm qua, giáo viên nhà trường vẫn dùng làm nơi họp hành, giao ban của giáo viên và học sinh vẫn chạy nhảy cạnh khu nhà. Dẫu vậy, dãy nhà vẫn không được xã tháo dỡ. Khó khăn chồng chất khó khăn, cũng vì bếp ăn bán trú không bảo đảm, vừa qua, nhà trường đã làm báo cáo gửi lên UBND về việc tạm dừng hoạt động ăn bán trú, bắt đầu từ 1/5/2019. Điều này càng làm cho việc học hành, sinh hoạt của phụ huynh, học sinh nhà trường trở nên trở khó khăn hơn bao giờ hết.
Ngôi mộ tổ nằm giữa sân trường
Được một giáo viên dẫn đi tham quan xung quanh khuôn viên nhà trường. Tôi rất bất ngờ với hình ảnh một ngôi mộ rất to nằm ngay trung tâm sân trường, hiện những chân hương mới thắp vẫn còn nguyên đó. Được biết, đây là một ngôi mộ tổ của một dòng họ trong xã. Mặc dù, trong quá trình xây dựng Nông thôn mới, xã đã quy hoạch một khu nghĩa trang mới nhưng dòng họ này vẫn chưa thực hiện việc di dời ngô mộ. Về việc này, Hiệu Trưởng nhà trường cho biết: “Khi đưa trường về đây, ngôi mộ đã có rồi. Tôi cũng từng tham mưu, có ý kiến đề xuất là không nên xây trường tại khu vực ngôi mộ. Mồ mả là chuyện tâm linh nên tôi không dám đụng đến. Tôi chỉ biết trồng thêm cây và tạm thiết kế trông giống cái bồn hoa cho học sinh đỡ sợ. Tuy nhiên, vào những ngày lễ tết, con cháu dòng họ về thăm mộ, có khi đánh cả ô tô đến với hàng chục người thắp hương".
Ngôi mộ tổ nằm chính giữa sân trường |
Một phụ huynh có con học trong trường mầm non Thiệu Giang nhận định: "Tôi thấy giữa sân trường mà có ngôi mộ là mất mỹ quan, lại ảnh hưởng đến tâm lý phụ huynh, học sinh cũng như các cô giáo. Theo tôi nghĩ, ngôi mộ nằm trong trường học thì cả người sống và người chết đều bất an. Bởi trẻ nhỏ thì bị ảnh hưởng tâm lý, còn mồ mả thì nên đặt nơi tĩnh lặng để người chết cũng được yên nghỉ".
Không chỉ ngôi mộ, mà ngay trong khuôn viên nhà trường còn có Đài tưởng niệm Liệt sỹ đã xuống cấp. Xã Thiệu Giang cũng đã cho xây dựng một Đài tưởng niệm mới ở khu vực khác. Song không hiểu vì lí do gì mà công trình hư hỏng này vẫn chưa được tháo dỡ?
Được biết, hiện xã Thiệu Giang đang phấn đấu để về đích Nông thôn mới vào năm 2020, hầu hết các hạng mục như công sở xã, nhà thi đấu đa năng, trạm y tế, trường Tiểu học, THCS, đường giao thông nông thôn... đều đã được xây mới hoặc sửa sang khang trang. Chỉ duy nhất còn ngôi trường Mầm non, nơi mà lứa tuổi học sinh nhỏ nhất đang theo học thì hàng ngày vẫn phải đối mặt với biết bao nguy hiểm.
Nhiều hộ dân trong xã cho biết thêm, giờ đây họ càng hoang mang, lo lắng khi vừa qua tại một trường Tiểu học trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, xảy ra vụ việc đặc biệt nghiêm trọng khi một thanh niên vượt tường rào vào trường và đâm 5 học sinh, 1 giáo viên; trong đó 1 học sinh đã tử vong. Trong khi ngôi trường con em họ đang theo học thì trống hoác tứ bề.