Huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang: Cơ quan có trách nhiệm làm ngơ, rừng Quốc gia bị tàn phá, bao chiếm
Pháp luật - Bạn đọc 15/08/2019 15:54
Rừng tan tành vì đốn cây tự nhiên, trồng “cây thành quả”
Ông Nguyễn Văn Hiệp, ngụ tại ấp Đá Chồng, xã Bãi Thơm phản ánh với Báo Người cao tuổi về tình trạng chặt phá rừng, bao chiếm đất vô cùng nghiêm trọng, xảy ra trên địa bàn trong nhiều năm qua. Hiện nay tại vị trí tổ 1, ấp Đá Chồng, có những đối tượng lạ ngang nhiên đào hố trồng hàng trăm cây dầu trên đất, nằm trong ranh rừng thuộc Vườn Quốc gia Phú Quốc. Ngoài ra, những đối tượng lạ còn ngang nhiên chặt phá diện tích cây rừng tự nhiên, sau đó trồng thế cây mới. Theo ông Hiệp, mục đích những đối tượng trồng những “cây thành quả” này, để sau đó trục lợi chính sách có công khai phá và để bao chiếm đất.
Để chứng minh nội dung phản ánh, ông Hiệp dẫn phóng viên đến thực địa. Theo ghi nhận thực tế, khu đất nằm ở vị trí thuộc tổ 1, sát cầu C32 dọc đường lớn (Bãi Thơm đi Hàm Ninh). Phần đất từ mép đường hướng xuống biển, có hàng trăm cây dầu cao khoảng 1 - 2m được trồng. Nhìn những hố đào có thể nhận ra, cây mới được người ta trồng khoảng 2 tháng trở lại. Tại phần đất tính từ mép đường lên phía núi, một cảnh tượng vô cùng đau xót diễn ra. Cây rừng tự nhiên từ to tới nhỏ bị chặt phá ngổn ngang. Có những cây cao hàng chục mét cũng bị hạ đổ, những kẻ phá rừng cố tình tàn phá hệ sinh thái tầng đáy rừng, để biến của rừng thành của nhà. Ông Hiệp lắc đầu xót xa: “Tôi chưa từng phải chứng kiến cảnh phá rừng tàn độc như vậy”.
Cây bị chặt trong rừng Quốc gia Phú Quốc. Cây tự nhiên bị chặt phá, thay vào đó là cây dầu “thành quả” được trồng thay thế |
Thế nhưng, điều nghịch lí ở chỗ chính tại diện tích hàng nghìn mét vuông đất rừng có cây tự nhiên bị đốn hạ, những kẻ phá rừng lại trồng loại cây dầu to bằng ngón tay, cao bằng đầu người vào. Hành vi “chặt cây sống, trồng cây chết” này, người dân địa phương ai ai cũng biết và bức xúc.
Liệu có tiếp tay phá rừng, bao chiếm đất?
Ông Hiệp cung cấp những cứ liệu từ hồ sơ mà ông thu thập được suốt thời gian qua. Theo Biên bản xác minh thực tế ngày 9/7/2019, do Tổ xác minh tố cáo, thuộc Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc lập, có ghi nhận: Có 2 vị trí xuất hiện cây trồng mới, một diện tích khoảng 6.131m2, trồng 172 cây dầu, diện tích còn lại khoảng 8.672m2 trồng 386 cây dầu, tất cả cây có đường kính từ 0,1cm đến 0,2cm, cao từ 1,5 - 2m, tổng diện tích 14.803m2. Văn bản này cũng ghi nhận, vị trí đất có cây được trồng mới nói trên tại tiểu khu 69, thuộc phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Phú Quốc. Có nghĩa, những cây này được trồng trái phép.
Dân bức xúc tố cáo liên tục, cán bộ chuyên trách Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc đi ghi nhận, thực tế có cây được trồng mới, xâm lấn vào hàng nghìn mét vuông đất rừng thuộc vườn quốc gia. Ngày 17/6/2019, ông Trà Tho, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc có phát văn bản thông báo về việc mời cá nhân, tổ chức vi phạm làm việc, yêu cầu di dời cây trồng ra khỏi rừng đặc dụng. Văn bản này cũng xác nhận, có khoảng 558 cây dầu được trồng mới trên diện tích 14.803m2, thuộc tiểu khu 69, phân khu phục hồi sinh thái rừng đặc dụng. Văn bản này cũng cho rằng, không xác định được người trồng và ra hạn 15 ngày, kể từ ngày thông báo, nếu không có người nhận sẽ có phương án là di dời cây, trả lại đất rừng tự nhiên.
Nhưng lạ thay, ngày 16/7, tức 1 tháng sau, ông Nguyễn Văn Tiệp, Hạt trưởng kiêm Giám đốc Vườn Quốc gia Phú Quốc ra bản Kết luận nội dung tố cáo số 01/KL-HKL, khẳng định diện tích đất trên nằm ngoài ranh rừng của Vườn Quốc gia Phú Quốc. Cụ thể, văn bản có thừa nhận: Có 2 vị trí trên và dưới mặt đường Bãi Thơm - Hàm Ninh có trồng tổng cộng 558 cây dầu, trên diện tích 14.803m2 và không xác định được người trồng (như văn bản của ông Phó Hạt ghi nhận). Nhưng ông Hạt Trưởng lại khẳng định: “Toàn bộ diện tích 14.803m2 được điều chỉnh ra khỏi quy hoạch Vườn Quốc gia Phú Quốc, theo Quyết định số 633/QĐ-TTg ngày 11/5/2010 của Thủ tướng Chính Phủ”.
Như vậy, có 2 quan điểm trái chiều. Ghi nhận “kẻ lạ” trồng cây trên diện tích 14.803m2, ông Hạt Phó kiên quyết khẳng định diện tích đó thuộc đất rừng quốc gia, có văn bản yêu cầu di dời, cưỡng chế. Còn ông Hạt trưởng kiêm Giám đốc Vườn Quốc gia thì thẳng thừng từ chối 14.803m2 đất. Điều này tạo hệ lụy, hàng nghìn mét vuông đất và diện tích rừng bị tàn phá, mà không bị ngăn chặn. Trong cuộc trao đổi với phóng viên, khi hỏi hiện tại diện tích đất 14.803m2 có 558 cây dầu được trồng mới, ông Trần Thanh Huyền, Chủ tịch UBND xã Bãi Thơm khẳng định: “Tổng số diện tích 14.803m2 này, mặc dù đã quy hoạch theo Quyết định số 633 của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện chưa giao cho UBND xã quản lí. Hiện trạng trên đây là toàn bộ đất rừng. Như vậy, có thể nói tới thời điểm này, đây là khu vực vùng lõi Vườn Quốc gia. Cho nên Vườn Quốc gia có trách nhiệm quản lí cả đất rừng, kể cả cây trữ lượng gỗ trên đất”.
Vậy là rõ, diện tích trên vẫn thuộc quản lí của Vườn Quốc gia Phú Quốc, trách nhiệm bảo vệ thuộc Hạt kiểm lâm Vườn Quốc gia Phú Quốc. Tuy nhiên, với kiểu trả lời có dấu hiệu thể hiện sự lắt léo, vô trách nhiệm, dư luận đặt câu hỏi, phải chăng ông Hạt trưởng tự di dời ranh rừng, làm ngơ trước những nội dung tố cáo của công dân? Ở cương vị là Hạt trưởng, có chức năng bảo vệ rừng, ông có xót xa khi thấy hàng nghìn mét vuông cây rừng tự nhiên bị tàn phá? Ở vai trò là Giám đốc, ông có thấy đau xót khi diện tích đất rừng tự nhiên dần thu hẹp, do những kẻ cơ hội nhân cơn sốt đất phá rừng bao chiếm đất?
Đề nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, giải quyết, yêu cầu để Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vào cuộc xác minh, làm rõ những nội dung phản ánh trên đây. Làm rõ có hay không sự tiếp tay của một số cán bộ với những kẻ phá rừng, bao chiếm đất, có biện pháp xử lí kịp thời, bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật.