Hơn cả một chuyến đi…
Phóng sự 07/08/2022 16:41
Chủ tịch Hội NCt tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Thắng làm việc với lãnh đạo huyện Thạch Thành và Hội NCT huyện về công tác NCT và công tác Hội |
Ông Lưu Văn Tỉnh, 65 tuổi, Chủ nhiệm HTX Ong mật Thành Kim, thị trấn Kim Tân (huyện Thạch Thành) dẫn chúng tôi đi thăm mô hình nuôi ong mật và vườn rừng của gia đình trồng dứa, mắc ca và một số cây ăn quả khác. Ông nhớ lại: Trước đây ông là công nhân lái máy kéo, từng đi thi và đoạt giải lái máy kéo giỏi cấp tỉnh. Khi Trạm máy kéo giải thể, Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, ông nhận quản lí trông nom trên 80ha rừng. Từ đó ông càng tích cực lao vào làm kinh tế. Tuổi cao hơn, con cái trưởng thành, ông nhường lại một phần đất rừng cho các con làm vốn riêng và sẵn sàng hỗ trợ giống vốn, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với hội viên và những người xung quanh. Đến nay, ông bà có 5ha trồng cây mắc ca, 2ha dứa và nhiều diện tích rừng, khi vào mùa vụ phải thuê thêm lao động. Mỗi năm, trừ chi phí, nguồn thu từ trang trại của ông bà cũng tích lũy được 600 triệu đến 700 triệu đồng. Được bà con tin yêu, cấp ủy, chính quyền địa phương tín nhiệm, ông tham gia nhiều hơn vào công tác xã hội như làm bí thư chi bộ, trưởng thôn và góp công, góp tiền của xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…
Hội NCT các cấp tỉnh Thanh Hóa thường xuyên báo cáo hoạt động, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và triển khai hiệu quả công tác Hội NCT |
Trở lại câu chuyện đàn ong mật, ông bảo: Năm nay, trời nắng chuyển mưa nhiều nên chúng tôi tha hồ thu mật. Khi mới bắt đầu nuôi, chưa có kinh nghiệm nên ông chỉ duy trì hơn chục thùng ong, đến nay đã nhân lên hơn trăm thùng. Nuôi ong không cần nhiều vốn, chỉ cần áp dụng đúng kĩ thuật, lại phù hợp với NCT nên thu hút rất nhiều hội viên tham gia. Trong khi các điều kiện về môi trường, thổ nhưỡng, khí hậu, cây trồng ở đây rất thuận lợi cho đàn ong phát triển. Tuy nhiên, để mật ong có chất lượng cao, đàn ong không thể để yên một chỗ mà phải di chuyển theo mùa hoa nên cần sự tỉ mỉ, kiên trì. Thức ăn chính của ong là mật hoa nên người nuôi phải tìm được địa điểm thích hợp, không gian rộng rãi, thoáng sạch, nhiều cây cối, hoa lá; không bị ảnh hưởng bởi khói bụi, tiếng ồn, hóa chất độc hại. Thùng ong đặt nơi cao ráo, đảm bảo vệ sinh...
HTX Ong mật Thành Kim do ông Tỉnh làm Chủ nhiệm có 42 thành viên, với 1.200 đàn ong mật, mỗi năm thu về 12 - 13 tấn mật, nhân với 120 đến 150 nghìn đồng/kg, HTX thu về gần 2 tỉ đồng. Đáng quý hơn, ong được nuôi và công nghệ quay mật theo đúng quy trình bảo đảm chất lượng VietGap và đang phấn đấu cuối năm nay đạt tiêu chuẩn OCOP (mỗi xã một sản phẩm) hai sao. HTX là nơi để hội viên sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi ong và các kĩ thuật trồng trọt, chăn nuôi khác. Hiện nhiều gia đình nuôi ong ở các xã khác trong huyện cũng đang muốn gia nhập HTX, đây cũng là minh chứng khẳng định sức hấp dẫn, hoạt động hiệu quả của một đơn vị có nhiều thành viên cao tuổi.
Ông Nguyễn Đức Thắng tặng quà CLB LTHTGN thôn Sẻ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa |
Là thành viên CLB Liên thế hệ tự giúp nhau (LTHTGN) thôn Sẻ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, vợ chồng ông Phạm Văn Chiến bà Quách Thị Hoan được CLB cho vay 20 triệu đồng để đầu tư mở rộng quy mô phát triển kinh tế. Nhà ông Chiến tuy không trong diện hộ nghèo nhưng vẫn phải chắt chiu kiểu “giật gấu vá vai” mới đủ ăn. Số tiền CLB cho vay, ông đầu tư mở cửa hàng tạp hóa nhỏ, mua con lợn nái và 150 con vịt giống. Sau gần 2 năm, đàn lợn nhà ông đã nhân lên, vịt thì cũng cho thịt và bán trứng nên ngày nào ông cũng có thu nhập, cải thiện đáng kể sinh hoạt trong gia đình. Tiền lãi, ông lại dùng nhập thêm nhiều mặt hàng mới và xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi. Nhờ nỗ lực và kiên trì vượt khó, vợ chồng ông Chiến đã có tiền chữa bệnh cho con, từng bước dư dả, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bà Phạm Thị Nương, Chi hội trưởng NCT, Chủ nhiệm CLB LTHTGN thôn Sẻ cho biết: Khi thành lập, CLB được Quỹ Chăm sóc và Phát huy vai trò NCT huyện hỗ trợ 25 triệu đồng, Quỹ cấp xã hỗ trợ 15 triệu đồng, ngoài ra còn vận động xã hội hóa và các thành viên đóng góp. Tính đến nay, CLB đã giải ngân cho 8 thành viên vay, số tiền gần 80 triệu đồng. Nhờ sự quan tâm hướng dẫn kĩ thuật của tổ tăng thu nhập và học hỏi từ những mô hình hiệu quả cao, có kinh nghiệm, các thành viên đều phát huy hiệu quả vốn vay, trả lãi đúng kì hạn.
Thăm mô hình vay vốn tăng thu nhập của CLB LTHTGN thôn Sẻ, xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa |
Khu vườn rừng rộng đến 13ha của gia đình ông Phạm Văn Ôn trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ đang lên xanh tốt, cây lớn đều và hứa hẹn chỉ vài năm nữa thôi sẽ được mùa bội thu từ trái cây và gỗ. Ông Ôn khoe, được CLB cho vay vốn, cùng với vốn đầu tư của gia đình, ông mua cây giống mở rộng diện tích trồng rừng. Bà Vũ Thị Thảo hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, CLB cho vay vốn bà mua lợn giống, đến nay đàn lợn đã tăng lên 2 - 4 con, từng bước tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống. Bà Phạm Thị Hưng cũng vay vốn CLB đầu tư mở rộng sản xuất trong khuôn viên vườn rừng của gia đình, làm ăn hiệu quả, hiện đã trả hết gốc và lãi cho CLB để quay vòng cho thành viên khác vay…
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Thế Bảo, Chủ tịch Hội NCT xã Cẩm Bình, huyện Cẩm Thủy cho biết: Toàn xã có trên 1.300 hội viên NCT, trong đó có đến 80 hội viên thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Hội động viên cán bộ, hội viên đoàn kết, nỗ lực vượt lên khó khăn triển khai hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm. Chỉ tính từ đầu năm, toàn xã vận động kết nạp 23 hội viên mới. Thăm hỏi, tặng 58 suất quà cho NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, số tiền hàng chục triệu đồng. Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền tổ chức chúc thọ mừng thọ 210 NCT, trong đó có 13 cụ từ 100 tuổi trở lên. Chế độ chính sách cho NCT thực hiện đầy đủ, không để xảy ra sai sót.
Hội NCT cơ sở huyện Lang Chánh thường xuyên tranh thủ ý kiến chỉ đạo và sự ủng hộ của lãnh đạo cấp ủy chính quyền địa phương và Hội cấp trên |
Hội thường xuyên phát động và khích lệ hội viên hưởng ứng phong trào thi đua yêu nước “Tuổi cao - Gương sáng”, phát huy vai trò trong lao động sản xuất, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nông thôn mới. Có 66 hội viên đang trực tiếp đảm nhiệm các cương vị trong cấp ủy Chi bộ thôn, cán bộ các đoàn thể, tổ hòa giải, an ninh trật tự… Cả xã có 11 thôn thì 9 thôn có CLB văn nghệ - thể thao của NCT; 2 CLB LTHTGN thôn Sẻ và thôn 1 Bình Hòa hoạt động hiệu quả, nền nếp, góp phần rất tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, sức khỏe hội viên và hỗ trợ người yếu thế ở cộng đồng dân cư. Hằng năm, Hội NCT xã và các Chi hội đều đạt “Tuổi cao - Gương sáng xuất sắc”; có hơn 40% hội viên đạt danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng”, trong đó 30% đạt “Tuổi cao - Gương sáng xuất sắc”…
Từ những mô hình hoạt động trên cho thấy, dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, dù khó khăn đến mấy thì mỗi cán bộ, hội viên NCT ở Thanh Hóa đều phát huy bản chất tốt đẹp của lớp người “Cây cao bóng cả”, gương mẫu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, vượt khó vươn lên làm chủ cuộc sống, làm chủ gia đình và đóng góp vào sự phát triển đi lên của xã hội; trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy của con cháu và thế hệ trẻ.
(Còn nữa)