Hội viên người cao tuổi làm giàu từ mô hình nuôi cá công nghệ cao
Tin tức 08/12/2022 10:05
Một trong những người đó là ông Đoàn Ngọc Khuyên, (66 tuôi) hội viên NCT ở thôn Cẩm Thủy, xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì. Ban đầu, gia đình ông Khuyên nuôi cá truyền thống nên chất lượng không cao, nhiều khi cá bị chết hàng loạt, có năm thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Từ năm 2015, ông đầu tư máy móc, học hỏi qua sách báo và kinh nghiệm của các mô hình nuôi cá công nghệ cao, để chuyển từ nuôi truyền thống sang công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Khuyên chia sẻ, nuôi cá theo công nghệ cao năng suất gấp 3 lần nuôi kiểu truyền thống. |
Ông Khuyên vui vẻ chia sẻ, trong quá trình nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt và có nhật ký ghi chép đầy đủ như, từ vào giống đến chăm sóc, thu hoạch. Việc cho ăn đầy đủ và sử dụng hệ thống tạo ôxy giúp cá khỏe mạnh, lớn nhanh, ít bệnh. Hàng tháng lấy mẫu nước ao đưa đi phân tích, để có biện pháp điều chỉnh xử lý cho phù hợp.
Theo ông Khuyên, ngoài việc vệ sinh ao nuôi và xử lý nước thải đảm bảo sạch trước khi xả ra môi trường, ông còn thả bèo tây để những chất thải chưa được lọc hết sẽ được xử lý triệt để.
Cũng theo ông Khuyên, để phòng bệnh cho cá, đều đặn mỗi tháng từ 4 - 6 lần, ông dùng các chế phẩm vi sinh xử lý môi trường nuôi, làm sạch nguồn nước và chuyển hoá các chất thải, thức ăn thừa thành phù du có lợi cho con cá. Bên cạnh đó, ông Khuyên còn thường xuyên bổ sung các loại vitamin, tỏi trộn lẫn với thức ăn để tăng sức đề kháng cho cá.
“Nuôi cá VietGAP phải tuân thủ nghiêm ngặt như: Một ngày cho ăn 3 bữa vào các khung giờ cố định: Sáng 8 - 9 giờ, trưa 12 - 13 giờ, chiều 16 - 17 giờ. Tùy theo thời tiết và sức ăn của con cá, người nuôi sẽ phải điều chỉnh chế độ ăn phù hợp. Bình quân 1 tạ cá thương phẩm chỉ cho ăn 1,5 - 2kg cám/ngày”, ông Khuyên bật mí.
Ông Khuyên bộc bạch: "Để giảm bớt công lao động, tôi đã lắp đặt máy cho cá ăn tự động, chỉ việc cho cám vào máy, điều chỉnh tốc độ cho ăn là máy nhả cám theo tỷ lệ đã cài đặt. Vì vậy, gia đình không cần thuê thêm lao động, dù khối lượng công việc hàng ngày khá lớn. Thêm vào đó, sử dụng máy cho cá ăn còn giúp chia nhỏ bữa ăn trong ngày, giảm hao hụt và kiểm soát được lượng thức ăn".
Ông Khuyên đang cho cá ăn. |
Sau hơn 6 năm nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhận thấy có nhiều ưu điểm hơn so với cách nuôi truyền thống. Bởi có thể theo dõi, quản lý được suốt quy trình nuôi, giảm thiểu rủi ro, dịch bệnh, còn cải thiện được tình trạng ô nhiễm môi trường. Ông Khuyên khoe: “Bên cạnh đó, sản phẩm làm ra có chất lượng thơm ngon, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Cùng một diện tích ao 3,5ha, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, mỗi vụ tôi chỉ thu được 10 - 15 tấn cá/năm. Khi nuôi cá công nghệ cao đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất xuất bán ra thị trường từ 25 – 30 tấn cá, đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ hết chi phí đầu tư, lãi 600 triệu đồng/năm”.
“Để có thể làm giàu bằng nghề nuôi trồng thủy sản, chủ đầu tư không chỉ có bề dày kinh nghiệm chăn nuôi mà phải có kỹ năng điều hành quản trị trang trại, và biết vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm nuôi cá áp dụng vào thực tế sản xuất”, ông Khuyên biết thêm.
Đi tham quan trang trại của ông Khuyên, chúng tôi thấy, tất cả các ao nuôi và nhân giống cá, đều được gia đình ông Khuyên đầu tư xây dựng rất bài bản khoa học, thành bờ ao được kè cứng xây cao và mặt ao luôn thoáng đãng. Đồng thời, hệ thống điện lưới được xây lắp đồng bộ, các phương tiện cơ giới có thể lưu thông dễ dàng tới các ao…
Trưởng ban Đại diện Hội NCT huyện Ba Vì cho biết: “Mô hình nuôi cá công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP của ông Khuyên là một trong những mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cao tại địa phương. Chúng tôi thường xuyên giới thiệu tới hội viên, NCT trên địa bàn huyện tới tham quan, học tập kinh nghiệm để phát triển kinh tế, góp phần tích cực trong công tác xóa đói giảm nghèo”.