Hồi ức đáng nhớ của cựu chiến binh Nguyễn Chí Mão
Phóng sự 29/03/2021 14:30
Ông Nguyễn Chí Mão ôn lại hồi ức không quên |
Rồi như không ngăn được cảm xúc, ông tiếp: “Chúng ta được sống trong hòa bình ngày hôm nay là nhờ tổ tiên, ông cha đã trải qua các cuộc chiến tranh vô cùng cam go nhưng hết sức vĩ đại. Biết bao xương máu của ông cha đã hòa vào lòng Đất Mẹ”.
Ông Nguyễn Chí Mão, sinh năm 1948, CCB Sư đoàn 968 Quân tình nguyện Việt Nam, hội viên Hội CCB, Hội NCT thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì, TP Hà Nội. Trong câu chuyện tưởng như không có hồi kết, tôi hình dung ra những trận chiến đấu ác liệt của những ngày tháng chuẩn bị cho giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, từ “bàn đạp” Tây Nguyên để tiến vào Sài Gòn. Trong đội hình quân tình nguyện Việt Nam giúp nước bạn Lào, ông cùng đồng đội trở về chiến đấu tại Tây Nguyên. Miền Nam hoàn toàn giải phóng, lại tiếp tục chiến đấu với Fulro bảo vệ đồng bào dân tộc… Là lính trinh sát, ông cũng không nhớ nổi mình tham gia bao nhiêu trận lớn nhỏ, cùng đồng đội tiêu diệt bao nhiêu tên địch. Ác liệt đến mức, có khi còn bị đồng đội bắn nhầm (!). May mà chưa một lần trúng đạn!
Ông Nguyễn Chí Mão thắp hương tưởng nhớ đồng đội |
...Chiều 14/3/75, phân đội ông được giao nhiệm vụ tiến vào quận lị Thanh An, tỉnh Pleiku (cũ). Từ hậu cứ đi khoảng hai mươi phút thì gặp một bãi đất đỏ quạch ngút tầm mắt, hóa ra địch dùng máy ủi san phẳng cây cối nhằm ngăn chặn quân ta từ xa. Ông cùng đồng đội ngồi lại bàn bạc. Trong khi trên trời máy bay trinh sát của địch thỉnh thoảng lại chao đảo nhòm ngó. Nếu đợi trời tối mới đi thì không kịp, bàn đi tính lại các ông quyết định đi ngay. Phân đội nhỏ lẻ, chỉ có 11 chiến sĩ nên việc giấu mình cũng không khó khăn lắm. Tuy nhiên, mới đi được vài trăm mét trên bãi đất thì một trận pháo bầy chụp lên đầu. Khói đạn, bụi đất mù mịt đến nghẹt thở, mảnh đạn, đất vụn văng tung tóe, những tiếng nổ chúa chát, đinh tai nhức óc. Là những người có kinh nghiệm nhiều năm ở chiến trường nên sau mỗi lần đạn nổ là ông và đồng đội lại lăn xuống hố đạn pháo. Địch bắn khoảng nửa tiếng đồng hồ thì ngừng lại. Quần áo, mặt mũi người nào cũng nhuộm một màu đất đỏ, song không ai bị thương.
Ông Mão chăm sóc vườn cây ăn trái |
Trời tối dần, ông và đồng đội tiếp tục nhằm hướng quận lị Thanh An mà tiến. Bỗng nhiên, một loạt đạn 12,8 li từ trong bắn ra, dòng đạn lửa đỏ lừ bay sát mặt đất. Các chiến sĩ cùng dừng lại, nằm nghiêng đào dũi hố cá nhân. Khoảng 11 giờ đêm, ông bàn với đồng đội chuyển chếch sang bên phải, bò vào sát hàng rào đào hầm kiên cố hơn phòng khi phải “ém” dài ngày. 3 giờ sáng, hầm đã đào xong và ngụy trang rất kín đáo. Mờ sáng, sương mù trắng đục càng dày hơn. Ông cầm súng chạy trước, đồng đội chạy theo sau, nhảy qua một rãnh nhỏ. Sương mù dày, trắng đục, chỉ khoảng hai mươi mét mà không rõ mặt người. Ông cầm nghiêng súng AK lia từng loạt đạn, đồng đội đồng loạt nổ súng theo, khiến địch đông như kiến mà không dám bắn trả, sợ hãi dạt xuống con suối cạn gần đó, tháo chạy về phía bãi đất trống.
... và thu hoạch rau |
Tạm im tiếng súng, ông xuống suối cạn kiểm tra. Một tên địch bị thương vào đùi, tay vẫn cầm khẩu M16 bắn vào đồng đội ông. Ông điểm xạ hai viên bắn gục tên địch. Vừa băng bó cho đồng đội bị thương ông vừa động viên: "Cố chịu đau nhé đồng đội ơi!" rồi gọi tải thương đưa về tuyến sau… Xác địch chết nằm ngổn ngang, có chỗ nằm chồng lên nhau, cũng không đếm, không thu chiến lợi phẩm. Ông bảo, hơn bảy năm chiến đấu ở các chiến trường B và C thì đây là trận đánh ấn tượng nhất, tiêu diệt được nhiều địch nhất, bắn hết nhiều đạn nhất.
Trưa đó, đơn vị ông tiến vào quận lị Thanh An, địch đã bỏ chạy hết. Dân ở thị trấn rất nghèo, toàn nhà làm bằng gỗ, lợp mái tôn, rất ít nhà xây đổ mái bằng. Vừa mở lương khô ra ăn thì có 6 lính Việt Nam Cộng hòa vừa đi vừa giơ tay xin đầu hàng. Họ khai ở biệt động quân, chạy từ Buôn Mê Thuột về, đã nhịn đói 3 ngày. Ông và đồng đội lại nhường cho một ít lương khô. Chiều đến, tiến vào chi khu quân sự Thanh An, địch rải rất nhiều mìn chống tăng. Chi khu quân sự tan hoang, đổ nát vì đạn pháo của ta, những căn hầm xếp dày bao cát, bị pháo phá sập. Xác địch chết bọc nilông còn chất đầy chưa kịp mang đi chôn. Nhặt được một lá thư của lính, viết chưa kịp gửi, có đoạn: “Mấy hôm nay cộng quân bắn pháo vào chỗ chúng con dữ dội lắm, không kể ngày hay đêm, lúc nào chúng con cũng lo bị tràn ngập, cuối tháng nầy con sẽ được lên trung sĩ nhứt”...
Ông Nguyễn Chí Mão và cháu nội |
Đêm đó đơn vị ông hành quân đến Bầu Cạn, đồng bào và chị em phụ nữ chào đón dọc đường, mang hoa tặng và hô vang “Cộng sản chiến thắng”. Trưa ngày 16/3/1975, tiến vào tiếp quản Bộ Tư lệnh tiền phương Sư đoàn 23 ngụy, dọc đường treo la liệt những pano, áp phích: "Tổ quốc - Danh dự - Trách nhiệm", "Cán binh Sư đoàn 23 không ngủ quên trên chiến thắng", v.v. Trong Bộ tư lệnh tiền phương còn 4 khẩu pháo 175mm tự hành vẫn nguyên vẹn...
Đôi mắt nhìn vào cõi xa xăm, ông Mão ngậm ngùi: Mới đó mà đã 46 năm rồi. Còn tôi, không chỉ đọc được trong ánh mắt mà còn trong câu chuyện của ông bản lĩnh của một CCB, “Bộ đội Cụ Hồ” năm xưa. Để khi trở về đời thường, với những cơn đau của một bệnh binh khi trái gió trở trời, lại bươn bả ngược xuôi làm kinh tế. Và hôm nay, ông vẫn tích cực cùng người vợ yêu thương chia ngọt sẻ bùi, chăm sóc nuôi dạy đàn con và đảm nhiệm hàng nghìn mét vuông vườn ao trồng cây ăn quả, thả cá, vừa cải thiện đời sống và nêu tấm gương sáng về tinh thần lao động, vươn lên thoát khỏi đói nghèo.