Họ đã hi sinh cả thời con gái
Xã hội 30/04/2022 14:12
Năm 2001, tôi có may mắn tham gia nhóm sưu tầm tư liệu lịch sử Cục Địch vận đi gặp gỡ một số cán bộ kì cựu của Cục qua các thời kì, trong đó có Thiếu tá Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Hoàng Thị Nghị, ở thị xã Đồ Sơn, TP Hải Phòng.
Cụ Hoàng Thị Nghị sinh năm 1929, vào bộ đội tháng 2/1948. Từ tháng 8/1948 đến năm 1954, cụ làm công tác địch vận tại Hải Phòng, vận động được hàng trăm binh sĩ địch bỏ ngũ và một trung đội lính Âu Phi ở đồn Ngọc Hải (Đồ Sơn) mang súng chạy sang ta. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, là người có nhiều kinh nghiệm địch vận trong kháng chiến chống Pháp, cụ được Cục Địch vận giao nhiệm vụ bí mật “tập kết ngược” vào miền Nam làm công tác binh địch vận, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với kẻ thù mới là đế quốc Mỹ.
Cụ Hoàng Thị Nghị năm 20 tuổi. |
Vào Sài Gòn, cụ móc nối, xây dựng được nhiều cơ sở nội tuyến trong quân đội địch ngay ở nội thành. Đặc biệt, mùa Xuân năm 1968, cụ lãnh đạo cơ sở trong đại đội bảo an ở Lái Cua (tỉnh Long An) vận động binh lính nổi dậy, diệt 58 tên ác ôn, đưa toàn bộ đơn vị hơn 100 người cùng vũ khí về với cách mạng. Cụ có 2 lần bị địch bắt và đày ra nhà tù Côn Đảo, nhưng vẫn giữ vững khí tiết người đảng viên cộng sản, người chiến sĩ quân đội trước sự tra tấn dã man của kẻ thù. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, cụ được phong quân hàm thiếu tá và ngày 6/11/1978, cụ được Nhà nước phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân. Sau đó cụ chuyển ngành và nghỉ hưu khi là Phó Giám đốc Sở Thương binh - Xã hội TP Hải Phòng
Tiếp chúng tôi tại nhà riêng ở vùng ven thị xã Đồ Sơn, cụ Nghị kể: “Trong hơn ba chục cán bộ được Cục Địch vận cử vào miền Nam cuối năm 1954, đầu năm 1955, số nữ chỉ có mấy chị em. Tôi vào bằng máy bay của Pháp, trong vai vợ một trung úy phi công ngụy, còn các chị Lê Thị Chính, Phạm Thị Soi, Trần Thị Hải, Trần Thị Chung,… người thì đi máy bay, người thì xuống tàu há mồm theo dòng người di cư lần lượt đến Sài Gòn rồi phân tán đi các nơi. Nhiệm vụ của chúng tôi là vừa làm ăn, buôn bán để sinh sống, tạo vỏ bọc, vừa tìm cách nắm địch, xây dựng cơ sở nội tuyến, làm nhân mối cho ta.
Thời kì đầu, hoạt động khá thuận lợi, nhưng đến năm 1956, địch khủng bố dữ dội, một số cơ sở bị vỡ và tôi bị địch bắt. Các chị khác, người ở Sài Gòn, người ở Nha Trang cũng lần lượt sa vào tay địch và bị chúng đưa đi giam giữ ở các nhà tù khét tiếng như P42, Đề lao Gia Định, Biên Hòa, Thủ Đức, Phú Lợi… và cuối cùng là Côn Đảo.
Vợ chồng bà Hoàng Thị Nghị bên cây xoài Nam Bộ tại nhà riêng ở thị xã Đồ Sơn, TP Hải Phòng (Ảnh chụp năm 2001). |
Tôi bị địch đày ra Côn Đảo lần thứ nhất vào ngày 2/1/1957, trong đợt 41 nữ tù đầu tiên. Những gì chúng tôi chịu đựng trong các nhà tù ở đất liền chưa thấm vào đâu so với chốn “địa ngục trần gian” này. Song, địch không thể khuất phục được chúng tôi và đến đầu năm 1960, trước sức ép của dư luận chúng buộc phải đưa hết tù nữ về đất liền, giam tại Phú Lợi và Gia Định. Sau đó, vì không đủ chứng cứ và để mị dân, địch thả tôi và 100 tù nhân khác.
Ra tù, tôi về lại Sài Gòn làm công tác dân vận, trí vận, rồi tiếp tục làm binh vận, tập trung xây dựng cơ sở trong hàng ngũ sĩ quan địch. Sau Tết Mậu Thân năm 1968, địch đánh bật nhiều cơ sở của ta. Ngày 2/7/1969, tôi bị bắt lần thứ 2, do khai báo của một cơ sở nội tuyến là thiếu tá Khanh thuộc Sư đoàn 7 bộ binh ngụy. Lần này địch đã biết khá rõ về tôi nên tra tấn dã man ở các nhà lao Thủ Đức, Tân Hiệp và tháng 5/1973 thì lại đày ra Côn Đảo.
Đến ngày 1/5/1975, nghe tin Sài Gòn giải phóng, Đảng ủy nhà tù tổ chức tù nhân nổi dậy tự giải phóng mình. Có lẽ trong suốt cuộc đời chưa có hạnh phúc nào lớn lao hơn thế. Tôi vào miền Nam hoạt động 20 năm, bị địch bắt tù 10 năm, chị Chính, chị Soi, chị Hải bị tù 14, 15 năm. Lúc chúng tôi đi, nhiều tuổi nhất là chị Chính mới gần 40, đã có chồng con, còn lại chỉ mới 24, 25 tuổi. Có người chưa kịp yêu, có người sắp cưới nhưng khi trên giao nhiệm vụ là đi không hề tính toán. Ngoảnh đi, ngoảnh lại chúng tôi đã đi hết 2 cuộc chiến tranh và cả thời con gái. Bây giờ về với đời thường, chúng tôi thấy hạnh phúc vì mình còn sống, còn được góp sức lực còn lại cho Đảng, cho dân và cho chính bản thân mình”.
Cán bộ Cục Dân vận thăm, tặng quà cụ Trần Thị Hải, cán bộ địch vận thời kì kháng chiến chống Mỹ ,cứu nước |
Cụ Nghị ngừng kể, đôi mắt xa xăm như đang hồi tưởng lại những ngày tháng đầy gian khổ hi sinh. Tôi ngắm cụ, chắc ngày xưa cụ khá xinh đẹp nên dù lúc đó tuổi đã ngoài 70 nhưng gương mặt vẫn đọng lại nhiều nét tươi tắn của một thời con gái.
Sau này, chúng tôi có dịp đến thăm cụ Phạm Thị Soi, ở số 69, ngách 35/59, Đặng Thai Mai, quận Tây Hồ; cụ Trần Thị Hải, ở xã Thanh Trì, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng họ đều toát lên vẻ đẹp của những phụ nữ dám hi sinh cả một thời xuân sắc. Sức khỏe của các cụ giờ đã rất yếu sau những năm tháng ngục tù. Cụ Hải thỉnh thoảng lại đau ốm, thần kinh không ổn định. Hôm chúng tôi đến thăm, một cán bộ ở UBND xã Thanh Trì nói: “Các anh để tôi vào trước xem bà thế nào. Lần trước, bà Trương Mỹ Hoa, bà Võ Thị Thắng cùng là bạn tù Côn Đảo vào thăm nhưng đúng lúc bà lên cơn điên, khổ lắm”. Khi gặp cụ Hải, chúng tôi nhắc lại chuyện này, cụ cười thừa nhận trong khi cơ mặt cứ giật giật sau mỗi lời nói.
Chúng tôi được biết, sau kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, cụ Nghị, cụ Chính được phong cấp thiếu tá; cụ Soi, cụ Hải, bà Chung cấp đại úy. Cụ Nghị, cụ Hải lấy chồng khi đã sang tuổi 50 không còn khả năng sinh đẻ; còn cụ Soi, cụ Chính, cụ Chung thì ở vậy sống với người nhà. Có lẽ, cụ Nghị là người may mắn hơn cả trong cuộc sống gia đình. Chồng cụ là đại tá công an, vợ mất sớm, có 3 con riêng ở Hải Phòng. Cụ xây dựng hạnh phúc với cụ Nghị khi cụ Nghị đang làm Phó Giám đốc Sở Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng. Cụ ông hiền lành, chất phác và hết sức tôn trọng cụ bà. Hôm chúng tôi đến thăm, cụ ông trực tiếp vào bếp làm cơm tiếp đãi, nói: “Chúng tôi làm bạn với nhau cũng từ sự hiểu biết, thông cảm và tôn trọng lẫn nhau về công việc và cả những sở thích cá nhân”.
Như để chứng minh cho điều vừa nói, cụ dẫn chúng tôi ra mảnh vườn nhỏ trước nhà có mấy cây xoài trĩu quả, tâm sự: “Bà ấy có một nửa cuộc đời gắn bó với Nam Bộ. Những cây xoài này bà ấy mang từ miền Nam ra trồng để luôn nhớ đến mảnh đất và những con người đã nuôi giấu, giúp đỡ bà ấy hoạt động”.
Nghe chồng nói, cụ Nghị cười bẽn lẽn và chúng tôi đọc được trong ánh mắt người nữ Anh hùng ấy niềm hạnh phúc tràn đầy có thoáng chút bối rối của một thời con gái.