Chuyện cụ Cao Hồng Lĩnh vận động NCT vào Hội Cứu quốc
Xã hội 03/09/2021 09:17
Khi đang chuẩn bị nội dung ấn phẩm thì 1 cán bộ của Cục trao cho chúng tôi một bài viết rất hay của cụ Cao Hồng Lĩnh (Lãnh), cán bộ lão thành của Đảng. Nội dung cụ kể về những năm tháng làm công tác dân vận ở căn cứ địa cách mạng Việt Bắc từ tháng 2/1941 đến Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Chúng tôi đã đăng bài của cụ với nhan đề “Nhớ mãi lời dạy của Bác Hồ” trong Thông tin Dân vận số đặc biệt tháng 5/2007.
Qua bài viết, thấy công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số và người cao tuổi vào các đoàn thể Cứu quốc được cụ Cao Hồng Lĩnh vận dụng hiệu quả ở căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Trong đó, câu chuyện sinh động cụ kể sau đây đối chiếu với công tác tuyên truyền vận động người cao tuổi tham gia công tác Hội hiện nay vẫn còn nguyên giá trị.
Bác Hồ và các cán bộ cách mạng ở chiến khu Việt Bắc (cụ Cao Hồng Lĩnh đứng thứ 3 từ trái sang). Ảnh IT |
“Ngày chúng tôi ở Nà Phạc và bản Giàng là nơi đã có tổ chức của cách mạng rồi, thế mà phong trào không lên được. Chúng tôi thấy phụ nữ, thanh niên, ông già, bà già ít chịu đi họp. Bàn với nhau mãi, không tìm được nguyên nhân. Sau, dò biết là bởi ý của các cụ già sợ các con cháu bỏ việc nhà đi chơi rông. Các cụ rầy la con cháu, con cháu sợ, không dám đi họp. Chúng tôi bàn nhau phải tuyên truyền các cụ vào tổ chức ngay. Cán bộ trong bản không làm nổi, vì là con, là cháu, không sao tuyên truyền ngược lên trên được. Tôi sực nhớ đến câu Bác dạy: “Đến đâu, biết kính già, yêu trẻ, mới mong nói có người nghe”. Tôi liền xuống làng, tìm vào các nhà có các cụ già, cũng chỉ với mục đích giúp cán bộ địa phương làm việc tốt. Tôi đến gặp anh Thanh Liêm và Công Nghĩa, hai đồng chí ở Nà Phạc, tôi truyền đạt tinh thần chỉ thị của Bác. Thanh Liêm và Công Nghĩa đều nghe ra, đưa tôi gặp ông cụ thân sinh Thanh Liêm và giới thiệu tôi với cụ.
- Lên đây có chịu được khổ không?
Tôi đáp:
- Dạ, cháu chịu được.
Tôi xưng cháu với cụ, giữ thái độ rất khiêm tốn. Đang câu chuyện, tôi nhìn lên hai câu đối chữ Hán, tôi nói:
- Thưa cụ đôi liễn này, cụ viết phải không ạ?
Cụ đáp:
- Tôi cũng biết ít do các cụ đồ dưới xuôi lên dạy cho tí chút thôi!
Đại tướng Võ Nguyên Giáp chụp ảnh chung với cụ Cao Hồng Lĩnh nhân dịp mừng thọ cụ 100 tuổi. Ảnh IT |
Tôi thầm nghĩ, nhân chuyện chữ nghĩa này, ta làm thân với cụ. Tôi liền đọc hết đôi liễn và xin phép cụ cho trình bày ý hiểu biết vọc vạch của tôi và xin cụ chỉ giáo cho xem tôi hiểu đúng ý cụ viết ra không. Sau khi cụ nghe tôi đọc bốn chữ trên hoành phi nói là gia đình thịnh vượng, tôi được cụ mến ngay.
Sau tôi được gặp thêm một vài cụ khác nữa. Lần này, tôi nói thẳng ý tôi là lên đây để tuyên truyền các cụ vào Hội Cứu quốc. Ta đã khổ cực vì Tây, Nhật, ta phải đoàn kết, đánh thắng nó, làm chủ đất nước mình. Muốn thế, ai cũng nên góp công, góp sức, có thế cách mạng mới thành công. Các cụ trả lời:
- Việc lớn ấy đã có các con cháu nó có sức khoẻ thì nó làm, chứ chúng tôi già rồi còn làm gì được nữa, bắt chúng tôi ra canh gác, tập tự vệ… thì chịu thôi!
Tôi thưa:
- Người nào việc nấy. Thiếu gì việc phải làm.
Các cụ hỏi:
- Việc gì nói thử xem!
- Các cụ khuyên các cháu tham gia cứu nước, hoặc khi cán bộ đi công tác qua, các cụ cho ăn ngủ, đó cũng là giúp nước…
Các cụ cười:
- Tưởng gì, thế thì có gì là khó. Chúng tôi làm thừa đi! Tôi lại thưa: Nếu các cụ muốn làm, thì cần có tổ chức. Các giới đều có tổ chức cả rồi. Công nông, thanh, phụ, lão, ấu đều có hội cả thì mới thành mặt trận rộng rãi.
- Thế Hội tổ chức thế nào?
Tôi liền đọc Điều lệ cho các cụ nghe.
- Nếu các cụ đồng ý thì từ hôm nay nên bàn việc lập Hội?
Các cụ đồng thanh tán thành:
- Được thôi, vào cả, vào cả! Bản này không có một ai ở ngoài!...
Tại Nà Phạc, Bản Giàng, chúng tôi đã tổ chức làm lễ tuyên thệ rất long trọng. Những ngày ấy, tất cả các giới đều được mời đến đông đủ.
Sống ở gần Bác, được Bác chỉ bảo, dạy dỗ, tôi có thêm kinh nghiệm, thành công trong công tác”.
Sau này, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, cụ Cao Hồng Lĩnh tên khai sinh là Phan Hải Thâm, sinh ngày 20/4/1906, tại xã Minh Hương, nay là phường Minh An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, trong một gia đình có truyền thống yêu nước.
Ngay từ năm 1923, cụ đã tổ chức thanh niên trong xã chống cường hào; năm 1924, đi học ở trường quân sự Hoàng Phố, Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 1926, cụ vào Nam Bộ hoạt động đoàn thể cách mạng; năm 1927, tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên ở Quảng Trị và Hội An; năm 1929, tham gia hoạt động thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1939, cụ tổ chức đường dây từ Côn Minh về Khu du kích Việt Bắc. Năm 1941, tham gia xây dựng khu Việt Bắc đón Bác Hồ về nước. Tháng 8/1945, cụ tham dự Quốc dân Đại hội Tân Trào, sau đó làm Ủy viên Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ. Năm 1951, phụ trách công tác Đảng, thành lập biện sứ tại Quảng Châu, Trung Quốc và lãnh đạo công tác Việt kiều tại Quảng Đông. Năm 1953, làm Chủ nhiệm Biện sứ Côn Minh và phụ trách lãnh sự tại Trung Quốc. Năm 1957, cụ làm Vụ Trưởng Vụ Lãnh sự Bộ Ngoại giao, Phó Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng, phụ trách Ban cán sự Đảng ngoài nước. Năm 1977, cụ nghỉ hưu tại số nhà 46 (nay là số 25) làng Yên Phụ, phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, TP Hà Nội. Năm 2008, cụ qua đời, thọ 102 tuổi.
Về tên gọi Cao Hồng Lĩnh (Lãnh), trong hồi kí của mình, cụ chia sẻ, Bác Hồ và các đồng chí thấy cụ là người cao ráo, lại có ý chí phấn đấu nên đặt cho họ Cao, còn lấy tên Hồng Lĩnh là bởi nó gần với nghĩa khí núi Hồng Lĩnh và cũng để đối với tên Hải Thâm của cụ trước đó. Sau này, anh em Nam Bộ chuyển tên Lĩnh thành Lãnh cho dễ gọi. Từ đó, tên Cao Hồng Lãnh được sử dụng trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của cụ.