Hộ bà Trần Thị Mai không tranh chấp đất ở liền kề với gia đình anh Trần Tuấn Tú
Pháp luật - Bạn đọc 27/05/2020 12:55
Đất lấn chiếm đã được thu hồi, đó là lí do đất chia thừa kế của bà Mai không liền kề với đất chia thừa kế của gia đình anh Tú, nhưng luôn bị anh Tú tranh chấp đền bù đất nông nghiệp và tranh chấp đất giãn dân tại 428 Nguyễn Văn Linh với bà Mai. Còn UBND phường báo cáo với cấp trên là tranh chấp đất ở chia thừa kế, nên bà Mai không đủ điều kiện được cấp sổ đỏ,...
Gia đình bà Tạ Thị Vây được chia tài sản 2 thửa đất thổ cư diện tích 485,8m2, gấp nhiều lần những người con khác của cụ Tá
Trước khi làm việc với UBND phường Hiến Nam, phóng viên đã đến hiện trường nơi xảy ra tranh chấp đất đai chia theo tài sản thừa kế giữa bà Trần Thị Mai và anh Trần Tuấn Tú.
Được biết ngoài diện tích đất nông nghiệp được chia theo khoán 100 và khoán 10, thì gia đình cụ Trần Trung Tá và 2 vợ là cụ Hoàng Thị Cảng và cụ Hoàng Thị Ảng, còn có 2 thửa đất thổ cư và một thửa đất tái định cư. Cụ Tá mất năm 2002. Ba cụ có 6 người con, con trai cả là ông Trần Thế Chuyền (mất năm 1986, chồng bà Tạ Thị Vây).
Bà Trần Thị Mai đứng tại thửa đất 63 tờ bản đồ 50 (phía ngoài bụi chuối, không liền kề với hộ anh Tú (nhà đã xây cạnh cột điện) |
Được ủy quyền của cụ Cảng (giấy ủy quyền, theo số công chứng 2904 quyển số 61/Tp-CC-SCC/CK ngày 30/1/2004, do công chứng Nguyễn Thanh Vân phòng Công chứng số 1 Hưng Yên, kí), cụ Ảng họp gia đình nhất trí phân chia 2 thửa đất ao 393m2 và đất vườn 323,8m2 cho các con. Bà Trần Thị Lan và bà Trần Thị Huệ không nhận đất đai thừa kế, anh Trần Đức Ngọc đã được đất ở 428 Nguyễn Văn Linh cũng không nhận thừa kế.
Buổi họp tại nhà bà Vây ngày 20/11/2009, gia đình cụ Ảng thiết lập 2 biên bản với tinh thần 2 khối tài sản đất thổ cư của 3 cụ (cụ Tá, cụ Cảng và cụ Ảng) được phân chia cho các con theo quyền của cụ Ảng (không phân chia theo thừa kế pháp luật hàng thừa kế bằng nhau). Với tinh thần này 6 người con và cụ Ảng đều dự họp và thống nhất kí vào 2 biên bản phân chia (bà Vây là con dâu được kí thay chồng nhận phần chia tài sản cho con cả). Thửa đất ao theo bản đồ 50 đo vilap diện tích 393m2, được chia cho hộ bà Vây 227m2, hộ ông Trần Đăng Khoa 83,1m2, hộ bà Trần Thị Mai 83,1m2. Thửa đất thứ 2, được phân chia cho hộ bà Vây 252,8m2 và cụ Hoàng Thị Ảng 71m2. Cả 2 biên bản chia tài sản ở 2 thửa đất, hộ bà Vây được chia 480m2, gấp nhiều lần những người cùng hàng thừa kế, vậy làm sao có chuyện ngược đời, anh Tú (con của bà Vây và ông Chuyền) lại tranh chấp đất thừa kế ít ỏi của các cô, chú?
Nguồn gốc đất thừa kế của bà Mai rõ ràng, đúng pháp luật.
Cả 2 biên bản họp gia đình ngày 20/11/2009 phân chia tài sản của gia đình cụ Ảng, có đủ 7 chữ kí đồng thuận của các thành viên trong gia đình, có chữ kí của ông Trần Văn Tỵ, ông Lâm Đức Kiểu, ông Lâm Đức Thi là những người làm chứng. Ông Lâm Văn Phượng đại diện khu phố kí xác nhận, ông Lâm Văn Trợ, Chủ tịch UBND phường kí tên và đóng dấu xác nhận chữ kí của ông Phượng.
Biên bản chia đất ao tài sản của cụ Tá, cụ Cảng và cụ Ảng, cả 7 thành viên trong gia đình đều thống nhất chia cho gia đình ông Chuyền 227,5m2 (bà Vây đại diện kí biên bản). Ông Khoa và bà Mai được chia thừa kế mỗi người 83m2. Diện tích của gia đình bà Vây, hiện anh Tú đang ở. Thửa đất này phía Tây giáp nhà ông Khoa, phía Bắc giáp đường bê tông, phía Đông và phía Nam, giáp ao công. Phần đất của ông Khoa ở giữa, phía Đông giáp với đất của bà Vây, phía Tây giáp với đất của bà Mai. Như vậy đất của gia đình bà Vây không liền kề với đất của bà Mai, nên không có sự tranh chấp về lấn chiếm đất chia thừa kế. Khi tách thửa theo bản đồ vilap diện tích đất của gia đình bà Mai thửa 63 tờ bản đồ số 50, đã có xác nhận về ranh giới phía Tây giáp đường nhà ông Thập, phía Đông giáp nhà ông Khoa, phía Nam giáp ao công, phía Bắc giáp đường bê tông (không có lấn chiếm tranh chấp với các hộ liền kề). Với nguồn gốc và hiện trạng đất đai của hộ bà Mai như trên là rõ ràng. Biên bản chia tài sản ngày 20/11/2009 đúng pháp luật theo Điều 656 Bộ luật Dân sự quy định: “Về họp mặt những người thừa kế phân chia tài sản theo biên bản thỏa thuận”. Bà Mai đủ điều kiện để được cấp sổ đỏ theo điểm c Khoản 1 Điều 100 Luật Đất đai năm 2013, vì có: “Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất”.
Chia thừa kế theo pháp luật, gia đình bà Vây chỉ được 68m2, trong đó có 37,4m2 đất ao và 30,8m2 đất vườn.
Do không có khởi kiện về chia tài sản, nên 2 biên bản chia tài sản của gia đình cụ Ảng có giá trị pháp lí. Theo cách chia này cụ Ảng là mẹ cũng như 6 người em đã ưu ái cho gia đình ông Chuyền được nhận 2 thửa đất ao và vườn theo 2 biên bản cùng ngày 20/11/2009 là 480m2/646m2 của 2 khối tài sản. Nếu không phân chia đất theo biên bản ngày 20/11/2009 mà chia 2 khối tài sản này (theo thừa kế pháp luật), tại thời điểm hiện nay, khối tài sản của 3 cụ (cụ Tá và cụ Cảng đã chết) cụ Ảng còn sống được 1/3 khối tài sản này. Chia theo thừa kế pháp luật, ông Chuyền con cả của cụ Tá đã chết, các con của ông được là người kế vị, hưởng phần thừa kế của ông, do đó diện tích 262m2 tài sản của cụ Tá và cụ Cảng được chia cho 7 phần thừa kế, mỗi phần được 37,4m2. Như vậy tại tờ bản đồ số 50 đo vilap, gia đình ông Chuyền chỉ được chia 37,4m2 đất ao thừa kế.
Tương tự, ở thửa đất vườn, cụ Ảng được 1/3 khối tài sản do vợ chồng cụ Tá để lại diện tích 324m2 chia 3, cụ Ảng được 108m2, diện tích còn lại 216m2 chia 7 đồng thừa kế, mỗi thừa kế được 30,8m2. Như vậy chia theo thừa kế pháp luật 2 khối tài sản đất ao và đất vườn, mỗi thừa kế được 68m2. Nếu bà Lan và Huệ không nhận thừa kế mà tặng cho gia đình ông Chuyền thì hộ ông Chuyền được 68m2x3 thừa kế là 204m2, theo đó diện tích đất ao là 112m2, diện tích đất vườn được 92m2, thay vì được nhận 227m2 và 253m2 (như cách phân chia theo biên bản ngày 20/11/2009). Cụ Ảng cả 2 thửa đất được nhận 239m2 (đất thừa kế vợ chồng) và 68m2 đất hàng thừa kế thứ nhất, tổng số cụ Ảng được 307m2, cụ toàn quyền tặng cho diện tích này cho con hoặc cháu người mà cụ lựa chọn.