HIV tăng nhanh trong giới trẻ, tăng cường truyền thông thay đổi hành vi
Sống khỏe 30/11/2022 14:25
Thanh thiếu niên có nguy cơ nhiễm HIV cao
Sau 40 năm kể từ khi thế giới có ca nhiễm đầu tiên, đến nay trên thế giới có khoảng gần 38 triệu người nhiễm HIV. Theo thống kê trên thế giới có tới 40% ca nhiễm mới là ở những người trẻ từ 15-25 tuổi và mỗi ngày có khoảng 5.000 thanh niên trên thế giới nhiễm HIV, gần 2 triệu ca mắc mới mỗi năm.
Theo số liệu của Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có 242.000 ca nhiễm HIV. Số người nhiễm HIV mới hằng năm vào khoảng hơn 10.000 người. Đường lây qua quan hệ tình dục không an toàn vẫn là chủ yếu, chiếm hơn 80% số ca mắc. Nếu như những năm 2010-2011, tỷ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục và máu có sự cân bằng thì đến giai đoạn 2020-2021, lây nhiễm HIV qua máu giảm chỉ còn 12-13%, trong khi lây qua đường tình dục tăng từ 35% (năm 2010) lên hơn 80% vào năm 2022.
Theo báo cáo mới nhất, HIV có xu hướng trẻ hóa nhanh, ở nhóm người dưới 30 tuổi. Những năm 2012-2013, tỷ lệ nhiễm HIV ở giới trẻ chỉ dưới 5%, nhưng đến năm 2022, con số này tăng lên 50%. Đáng chú ý, tỷ lệ mới phát hiện trong nhóm nam cao hơn rất nhiều so với nữ và chủ yếu lây qua quan hệ tình dục không an toàn. Tỷ lệ này tiếp tục tăng mạnh qua các các năm và trở thành đường lây nhiễm HIV/AIDS chính.
Lý giải về vấn đề này, Tiến sỹ Đặng Vũ Cảnh Linh, Phó Viện trưởng phụ trách Viện nghiên cứu thanh niên, Học viện Thanh thiếu niên cho rằng: Bên cạnh nhu cầu giao tiếp xã hội, học tập, lao động thì nhu cầu vui chơi giải trí, kết bạn, tình yêu, hôn nhân, gia đình là những vấn đề được thanh niên rất quan tâm. Ước tính năm 2021, Việt Nam có khoảng 22,1 triệu thanh niên từ 16-30 tuổi, chiếm 22,5% dân số. Ở nhóm tuổi này họ vẫn đang phát triển tâm sinh lý và thường không dễ kiểm soát hành vi như những người trưởng thành. Đây cũng là nhóm có nhu cầu tình dục rất cao. Vì vậy, thanh niên là nhóm có nguy cơ nhiễm HIV cao hơn so với các nhóm đối tượng khác.
Thống kê của Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng cho thấy, tỷ lệ hiện nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) tăng nhanh trong vài năm trở lại đây, từ 3,9% trong năm 2011, lên tới 13,3% năm 2020. Người trong nhóm MSM chiếm khoảng 50% trong tổng số người nhiễm HIV được phát hiện năm 2020, chủ yếu là công nhân trong các khu công nghiệp, sinh viên các trường đại học, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến tỷ lệ HIV tăng nhanh trong nhóm MSM, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS Phan Thị Thu Hương cho rằng: Quan hệ tình dục của nhóm MSM là giao hợp qua đường hậu môn. Đường này gồm rất nhiều mạch máu, niêm mạc ở hậu môn – trực tràng không có khả năng tự tiết dịch nhờn nên rất siết, ma sát lớn dễ bị tổn thương, gây chảy máu, tạo cơ hội thuận lợi cho virus xâm nhập. Do đó, nguy cơ lây nhiễm HIV khi giao hợp qua đường hậu môn cao hơn.
Bên cạnh đó, nhiều MSM thường có nhiều hơn một bạn tình. Do quan hệ ở nhóm này có nhiều rào cản nên trong quá trình quan hệ, họ là nhóm có tỷ lệ sử dụng ma túy tổng hợp cao để vượt qua các rào cản và có cảm nhận khác biệt. Các biện pháp dự phòng thông thường như bao cao su không đảm bảo được, dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao...
Truyền thông nâng cao nhận thức - Giải pháp đặc biệt quan trọng
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng, Viện Phát triển sức khỏe cộng đồng Ánh sáng, hiện có tới 70% người mắc HIV trong độ tuổi từ 16-39 tuổi. Đây là mối đe dọa rất lớn, gây ra nhiều hệ lụy đối với nền kinh tế, xã hội vì giới trẻ là lực lượng lao động chính của đất nước. Đây cũng là độ tuổi kết hôn, sinh con chủ yếu nên việc gia tăng số người nhiễm HIV trong giới trẻ sẽ gây ảnh hưởng tới chất lượng dân số, sức khỏe nòi giống của quốc gia. Đồng thời cũng tạo gánh nặng cho y tế trong việc đảm bảo xét nghiệm, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ…, nhất là trong bối cảnh nhiều dịch bệnh như hiện nay.
Đồng thời vấn đề kỳ thị với người có HIV và gia đình họ cũng tạo nên những tác động tiêu cực về mặt xã hội. Việc kỳ thị dẫn tới hậu quả nghiêm trọng là nhóm người bị kì thị rất khó khăn trong việc tiếp cận với dịch vụ, dẫn tới công tác phát hiện, điều trị cho nhóm đối tượng đó gặp nhiều khó khăn, khiến cho HIV âm thầm lây lan trong cộng đồng, khó kiểm soát.
Theo Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Giang, tầng lớp thanh niên hiện nay được coi là chủ nhân và tương lai của đất nước. Họ là những người có kiến thức, văn hóa, có thể tạo ra động lực để thay đổi xã hội. Việc truyền thông cho nhóm đối tượng này không chỉ thay đổi cá nhân các bạn trẻ mà còn có sức ảnh hưởng rất lớn làm thay đổi xã hội.
Do đó, cần nâng cao chất lượng công tác truyền thông giáo dục về phòng, chống HIV/AIDS tại các trường phổ thông, đại học. Phải coi công tác truyền thông nâng cao nhận thức của thanh, thiếu niên là vấn đề cốt lõi và đổi mới phương thức truyền thông cho phù hợp với từng đối tượng. Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Giang khẳng định cần phải kiên quyết theo đuổi chiến lược đó và đầu tư thỏa đáng với công tác truyền thông giáo dục cho thanh niên.
Tiến sỹ, bác sỹ Nguyễn Thu Giang nhấn mạnh, nếu không nghiêm túc hoặc không thực sự quyết liệt trong công tác phòng, chống HIV/AIDS thì sự gia tăng số ca nhiễm mới trong giới trẻ sẽ không chỉ dừng lại ở việc tác động đến sức khỏe, nòi giống, chất lượng dân số mà còn ảnh hưởng đến văn hóa, an ninh chính trị của một dân tộc.