Hiu hắt nhà trọ thời... Covid
Đời sống 30/10/2021 15:17
“Từ khi dịch Covid bùng phát vào đầu năm 2020, rồi lây lan kéo dài qua các đợt cho tới tận thời điểm này, thì khu trọ của tôi luôn trống rất nhiều phòng, bởi người thuê có nhiều lí do khác nhau để trả phòng. Người thì dọn sang ở chung, ở ghép,… Không ít người mất việc làm, trả phòng trọ rồi hồi hương đợi dịch qua đi mới tính”- đó là tâm sự của anh Trần Tuấn Nam, chủ khu nhà trọ hơn 30 phòng ở phường Linh Trung, TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh.
Anh Nam cho biết, cách đây 3 năm, vợ chồng anh mua lại toàn bộ khu trọ, giai đoạn đầu hầu như không lúc nào khu trọ bị trống phòng. Thế nhưng, từ khi Covid-19 bùng phát và lây lan đến tận bây giờ, khu trọ lúc nào cũng trống khi thì dăm bảy phòng, lúc thì lên tới cả hơn chục phòng.
Cũng chịu tình cảnh trống phòng trọ như anh Nam, bà Lê Thị Hoa, ở đường Tân Lập 1, phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức buồn rầu, kể: “Nhà tôi có 28 phòng trọ, năm 2020, việc kinh doanh vẫn tạm ổn chỉ thi thoảng trống vài ba phòng, nhưng từ đầu năm 2021, nhất là từ tháng 5 trở lại đây thì cả khu giờ chỉ có 11 phòng còn người ở”.
Rất nhiều khu trọ tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh thành phía Nam trở nên trống vắng vì ảnh hưởng của đại dịch Covid... |
Qua tìm hiểu, chúng tôi thấy trong những tháng gần đây hầu như tất cả các khu trọ dành cho công nhân, sinh viên, người lao động nghèo ở TP Thủ Đức, cũng như tại các tỉnh Bình Dương, Long An, Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai,…, do dịch bùng phát, khiến nhiều người dân bỏ phố về quê. Việc người lao động ồ ạt về quê, kết hợp với sinh viên học online, đã khiến cho kinh doanh nhà trọ trở nên đìu hiu. Thời chưa có dịch, tới bất kì một khu nhà trọ nào cũng dễ dàng bắt gặp không khí đông vui tấp nập vào ra, tiếng nói cười rộn rã..., thì nay, các khu trọ đều trở nên vắng lặng. Khi khu trọ nào có độ dăm, bảy phòng có người ở đã được xem là hên, còn đại đa số đều trống từ 60-80% số phòng.
Và nỗi niềm chủ trọ
Việc kinh doanh, phòng trọ trống vắng, ế ẩm, thu nhập không có, hoặc có nhưng giảm rất nhiều…, khiến cho những ông bà chủ nhà trọ nặng trĩu nỗi buồn. Với các ông bà chủ có đất, có tiền xây dựng phòng ốc cho thuê thì còn đỡ, chứ những chủ nhà trọ kinh doanh với hình thức bao thầu khu trọ, hoặc vay tiền ngân hàng để mua đất, xây phòng trọ cho thuê thì quá buồn rầu, mệt mỏi.
Trường hợp anh Nguyễn Văn Tuấn, chủ khu nhà trọ 30 phòng, ngay kế bên gia đình tôi sinh sống (phường Linh Trung, TP Thủ Đức) là một ví dụ. Cách đây 3 năm, anh Tuấn đặt sổ đỏ thế chấp mảnh đất rộng mấy trăm mét vuông, vay ngân hàng mấy tỉ đồng, để xây phòng trọ cho thuê. Việc kinh doanh mới suôn sẻ được 1 năm thì dịch Covid-19 ập tới, phòng trọ trống mỗi lúc một nhiều, tới giờ cả khu chỉ còn 6 phòng có người ở, lại phải miễn giảm tiền, vì thế thu nhập không được là bao, hằng tháng vẫn phải trả nợ ngân hàng. Anh Tuấn cho biết, phải đi vay người thân, bạn bè cả mấy tháng nay để “đập” vào trả ngân hàng. Nếu tình trạng phòng trọ cứ ế ẩm trống không kéo dài như hiện nay, thì chuyện gắng gượng, hay cố là bất khả thi…
Cũng trong tình cảnh như anh Tuấn, chị Lê Hương, chủ nhân của 27 phòng trọ trên đường Hoàng Diệu 2 (phường Linh Trung, TP Thủ Đức), vay tiền ngân hàng để xây phòng cho thuê, kể: “Suốt năm 2020 dẫu có dịch nhưng các phòng trọ nhà tôi đều không trống, mà chỉ giảm chút xíu thu nhập. Thế nhưng, bước sang năm 2021, đỉnh điểm là từ cuối tháng 4 tới nay, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát dữ dội, công nhân, sinh viên ồ ạt bỏ phố về quê tránh dịch, chỉ còn lại có 5 phòng ở lại. Với 5 phòng đó, tôi cũng có thu được bao nhiêu đâu. Khi 2 tháng là miễn tiền trọ hoàn toàn, còn 4 tháng là giảm 50% để hỗ trợ khó khăn. May là khoản nợ ngân hàng còn lại không nhiều nên tôi không lo lắm, nhưng nỗi lo lớn nhất là nếu dịch cứ kéo dài, sinh viên thì gia đình sẽ bị đói, bởi tất cả nguồn sống, chi tiêu đều trông vào nguồn thu hằng tháng từ nhà trọ”.
Quả đúng là trong tình cảnh dịch hiện nay, với các chủ nhà trọ kinh doanh bằng tiền của mình, đất của mình, không phải đi vay mượn gì thì việc phòng trống, không có thu nhập, hoặc thu nhập giảm sâu thì họ cũng chỉ vất vả đôi chút; còn với những ông (bà) chủ kinh doanh nhà trọ bằng tiền đi vay trả lãi, hoặc bao thầu lại cả khu nhà trọ với mong muốn lấy lời để sống, thì nỗi khổ nợ nần phải trả khiến họ càng trở nên bi đát. Không ít ông bà chủ trọ không có tiền trả ngân hàng và nếu tình cảnh dịch còn kéo dài, phòng trọ vẫn ế ẩm bỏ trống, chỉ dăm ba tháng nữa thôi sẽ có không ít chủ nhà trọ phải tuyên bố phá sản!