Hi sinh lợi ích nhỏ
Đời sống 19/02/2021 09:25
Chưa có thống kê đầy đủ về các hộ, cá thể kinh doanh dịch vụ ở Hà Nội, nhưng chắc chắn đó không phải con số nhỏ. Điều dễ nhìn thấy ở những đô thị như Hà Nội, đó là kinh doanh vỉa hè là sinh kế, cộng sinh lâu đời của nhiều gia đình thị dân. Ấy là chưa kể một bộ phận dân nghèo tỉnh lẻ mưu sinh khắp hang cùng ngõ hẻm chốn thị thành.
Người ta vốn chẳng còn xa lạ với những câu chuyện về một quán trà đá vỉa hè thâm niên bám trụ vỉa hè trước cổng một cơ quan kha khá ở Thủ đô. Thu nhập ước tính của quán trà đá đó sơ sơ cũng bạc triệu mỗi ngày. Nghiễm nhiên, quán trà đó là cần câu cơm không tệ của một gia đình lao động tại thành phố. Rồi thì, một quán phở, đi kèm có thể quán trà đá, hàng cà phê… Mô hình nhỏ hơn là chia ca: Sáng phở, trưa cơm bình dân, cơm rang hoặc bún chả; tối lại phở hoặc một hàng quà vặt. Tóm lại, từng mét vuông vỉa hè Hà Nội đều là cần câu cơm của không ít bộ phận thị dân nghèo, thậm chí cả trung lưu.
Ảnh minh hoạ |
Anh Vũ Ngọc Vượng, ông chủ của chuỗi cửa hàng gia truyền nổi tiếng Phở Ngọc Vượng chia sẻ: Hệ thống Phở Ngọc Vượng có 3 nơi phải đóng cửa theo Chỉ thị 15; còn 3 cửa hàng được phép mở nhưng tuân thủ 5K và khách ngồi giãn cách tối thiểu 2m. “Đó là nhà tôi có cửa hàng cửa hiệu, chứ bà con có gánh hàng ăn sáng nhỏ lẻ, quanh năm bám trụ vỉa hè mưu sinh phen này hẳn khó khăn lắm đó”, anh Vượng bộc bạch.
Vợ chồng anh Long, chị Hằng kinh doanh hàng ăn sáng ở số 66 phố Hạ Yên, phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy cũng ngậm ngùi: “Năm mới chả mong gì chỉ mong nhà nước nhanh khống chế được dịch để cuộc sống mưu sinh dễ thở chứ cứ cảnh này có cho mở cửa chúng em cũng sợ dịch và khách cũng vắng lặng luôn”.
Tại quán bánh cuốn trên phố Vũ Phạm Hàm, người phụ nữ lớn tuổi hối hả phục vụ túi, hộp cho khách mua mang về. Bà thậm chí còn lơ mơ về dịch bệnh chứ chưa nói đến lệnh cấm của thành phố. Bà bảo khẩu trang khiến bà khó khăn khi làm việc nhưng cứ phải kiếm ngày trăm nghìn để sống cái đã. Tôi tin, ngoài kia không ít người lao động phi chính thức ở các đô thị phải mưu sinh hằng ngày, cần kiếm cái để “bỏ vào mồm” cho no bụng trước đã.
Một đồng nghiệp của tôi nói rằng, dân phố cổ nhà anh (phố Lý Quốc Sư, quận Hoàn Kiếm) cảm nhận rõ nhất “cơn lốc” Covid-19 tàn phá khủng khiếp như thế nào. Người dân ở đây vốn quen với cuộc sống mở mắt đã có tiền, nhìn đâu cũng ra tiền… Sang thì có nhà cho thuê, kinh doanh khách sạn, bán đồ lưu niệm cho khách quốc tế; nghèo một chút bê cái bàn nhỏ bán chai nước, chén trà, đồ ăn sáng, ăn vặt… cũng đủ sống an nhàn, khỏi lo kế sinh nhai. Ấy vậy mà, gần 50 tuổi đời anh mới ngấm vẻ tiêu điều của dân phố cổ. Nhiều tấm biển bán nhà, sang nhượng, cho thuê mặt bằng kinh doanh được treo lên ngay ngắn nhiều tháng qua. Hiếm hoi mới có tấm được gỡ xuống. Rồi chủ mới hối hả sửa chữa, sắp đặt cho phù hợp với điều kiện kinh doanh. Vậy mà, Covid-19 chưa buông tha, lại thêm “đòn chí mạng” lần này không biết còn bao hộ kinh doanh cá thể lay lắt mà cầm cự được.
Việc đóng cửa hàng quán dịch vụ là động thái cần thiết để ngăn chặn bùng phát dịch. Nhưng để thuyết phục, để người dân tuân thủ nghiêm túc ngoài chế tài xử lí, ngoài lực lượng giám sát, nhắc nhở, cần lắm các giải pháp thiết thực ngay trước mắt hợp lí, hợp tình bởi nếu không tất yếu dẫn đến sự đối phó.
Khi thực hiện phong tỏa một khu vực, địa phương nào đó là sự chẳng đặng đừng, đã phải cân nhắc rất kĩ được - mất. Vai trò, ý thức tự giác của người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nếu ai cũng thực hiện tốt khuyến cáo 5K, chung tay cùng chính quyền dập dịch thì trạng thái “bình thường mới” sẽ nhanh chóng được thiết lập trở lại, cuộc sống sẽ lại hồi sinh.