Hạt gạo, nông dân và tấm lòng vị doanh nhân cao tuổi
Đời sống 26/11/2021 08:43
Vừa chống dịch, vừa nỗ lực với mục tiêu gạo nội địa
Dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt thời gian qua đã tác động không nhỏ đến doanh nghiệp. Đối với một doanh nghiệp có quy mô sản xuất lớn, hệ thống trải dài và đội ngũ nhân sự đông đảo như Tân Long, khó khăn là điều khó tránh khỏi.
Theo ông Trương Sỹ Bá, một trong những quyết sách đầu tiên của Tập đoàn là cố gắng ổn định việc làm và thu nhập cho nhân viên, chăm lo điều kiện “3 tại chỗ” đầy đủ, ưu tiên vaccine cho đội ngũ trực tiếp sản xuất tại nhà máy và kinh doanh tại cửa hàng... Hơn 4 tháng đối diện với thực tế nhiều thử thách, sức mạnh của sự đồng hành và sẻ chia trong tập thể phát huy giá trị của nó. Tập đoàn Tân Long đã có một đội ngũ nhiệt huyết, năng động và luôn nỗ lực “vượt khó” cùng tập thể suốt thời gian qua.
Cánh đồng lúa chờ thu hoạch. |
Từ trong đại dịch, chứng kiến những “chao đảo” và sự “đào thải” khắc nghiệt từ thị trường, Ban lãnh đạo Tập đoàn có thêm những bài học và kinh nghiệm về khâu chuẩn bị và xây dựng hệ thống, chiến lược để sẵn sàng ứng biến, để duy trì các hoạt động và đáp ứng các nhu cầu của khách hàng trước những kịch bản khó lường.
Giữa năm 2019, Tân Long giới thiệu sản phẩm gạo đóng túi A An. Đến năm 2020, tổng sản lượng gạo đạt khoảng 355.000 tấn, tỉ trọng xuất khẩu và tiêu thụ nội địa gần là 50 - 50. Đây là tỉ lệ mà ít doanh nghiệp nào vừa xuất khẩu, vừa làm gạo trong nước đạt được trong thời gian ngắn, đặc biệt thời điểm này gạo A An chỉ vừa ra mắt được hơn 1 năm. Có được điều đó là bởi trước khi ra mắt thương hiệu gạo nội địa, Tân Long có sự chuẩn bị rất kĩ lưỡng từ nghiên cứu sản phẩm canh tác trên cánh đồng đến chế biến tại các nhà máy và phân phối đến từng điểm bán lẻ hợp lí.
Ông Bá chia sẻ thêm, gạo A An đang trong quá trình tăng sức nhận diện thương hiệu. Theo nhịp tăng trưởng, 5 năm tiếp theo, ông muốn nâng mục tiêu lên 5 - 10% thị phần của gạo đóng túi chất lượng cao trên cả nước. Đến thời điểm hiện tại, ông vẫn xem trọng xuất khẩu nhưng sẽ linh hoạt điều tiết theo thị trường, tập trung vào thị trường ngách gạo thơm. Phần lớn nguồn lực sẽ tập trung cho mục tiêu gạo nội địa, chọn phân khúc gạo đóng túi chất lượng cao, sạch và an toàn.
Nhà máy gạo Hạnh Phúc được đầu tư với qui mô 191.000m2 và vốn hơn 65 triệu USD. |
Muốn như thế phải xây dựng một chuỗi hoàn chỉnh từ kiểm soát giống gieo trồng; nguồn thu mua ổn định nhờ hợp tác với nông dân, NCT có nhiều kinh nghiệm sản xuất và các tổ chức nông dân; hoạt động bài bản và có tính hệ thống gần 10 nhà máy xử lí sau thu hoạch gần vùng nguyên liệu tại Đồng bằng sông Cửu Long, trong đó có nhà máy gạo Hạnh Phúc có qui mô lớn nhất châu Á..
Khi phát triển thương hiệu gạo A An, Tân Long nhanh chóng phát triển và mở rộng mạng lưới hơn 20.000 điểm bán toàn quốc tính đến tháng 9/2021. Việc ứng dụng công nghệ Fintech vào quản trị bán hàng và chăm sóc khách hàng, phát triển các điểm bán hàng trực tuyến trong 5 năm tới sẽ tăng 4 - 5 lần. Đây là hướng đi thích hợp nhằm đưa hạt gạo đến tận tay người tiêu dùng, trong đó có nhiều NCT khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp.
Hợp tác bền vững với nông dân và NCT
Ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Tân Long. |
Theo Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Tân Long, làm lúa gạo phải gắn với nông dân, nhất là nông dân cao tuổi. Với ông, nông dân và NCT là đối tác đồng hành, là những nhân sự đặc biệt, bởi họ là những người giàu kinh nghiệm sản xuất, hiểu giá trị của lao động kết tinh trong lúa gạo và luôn trọng chữ tín. Việt Nam có đến 64% NCT sống ở khu vực nông thôn, đại đa số họ không có lương hưu, nên điều đó còn có ý nghĩa góp phần chăm sóc và phát huy vai trò NCT trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở khu vực này. Vì vậy, Tân Long hợp tác với nông dân dựa trên mối quan hệ chia sẻ, cùng phát triển. Đối với các chương trình canh tác đặc biệt như lúa - tôm hoặc canh tác hữu cơ, các kĩ sư nông nghiệp có mặt ở các vùng bao tiêu để “bám ruộng” hỗ trợ nông dân, NCT suốt quá trình gieo trồng và thu hoạch.
Theo nội dung đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”, việc phát triển hoạt động liên kết sản xuất - tiêu thụ với nông dân và các tổ chức nông dân thông qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại từng địa phương là một giải pháp được chú trọng. Điều này sẽ góp phần vào việc hình thành và nâng cao hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, tăng thu nhập cho người trồng lúa và lợi ích cho người tiêu dùng, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia hiệu quả vào thị trường lúa gạo toàn cầu.
“Sắp tới đây, chúng tôi mong muốn hợp tác với nông dân để trồng những giống lúa do Tập đoàn tổ chức chọn lọc và thu mua, có sự hướng dẫn và giám sát canh tác từ kĩ sư nông nghiệp, hướng đến giảm tối đa và không dùng thuốc bảo vệ thực vật. Như vậy, việc kiểm soát sẽ càng gắt gao và khó khăn hơn nhưng chất lượng gạo đến tay người tiêu dùng sẽ càng được bảo đảm hơn”, doanh nhân Trương Sỹ Bá chia sẻ thêm.
Bằng tấm lòng và nhiệt tâm của một doanh nhân NCT làm lúa gạo, một doanh nghiệp tâm huyết đưa hạt gạo an toàn đến với người tiêu dùng, gạo A An của Tập đoàn Tân Long đã thực hiện nhiều chương trình xã hội ý nghĩa trong mùa dịch vừa qua. Kể từ khi làn sóng dịch thứ 4 bùng phát, Tập đoàn Tân Long đã tài trợ hơn 1.300 tấn gạo cho người dân, NCT và máy thở tại tuyến đầu chống dịch.
Ông Bá chia sẻ, bên cạnh việc tạo mọi điều kiện làm việc và chính sách tốt nhất cho nhân viên, Tập đoàn cũng luôn cố gắng chung tay vào các hoạt động cộng đồng vì một xã hội nhân văn, giàu tình thương và ngày càng phát triển.