Hà thủ ô - vị thuốc vàng cho sức khỏe người cao tuổi
Sống khỏe 21/11/2022 13:00
Đặc trưng và phân loại cây thảo dược hà thủ ô
Là một loại thảo dược có thân dây leo, cây hà thủ ô thường mọc hoang tại các khu vực rừng núi ở các tỉnh như: Lào Cai, Lai Châu, Sơn La, Hà Giang, Nghệ An,... Ngoài ra, loại thảo dược này cũng được trồng tại các tỉnh Lâm Đồng, Phú Yên, Bình Định,... để phục vụ điều chế thuốc. Hà thủ ô còn có một số tên gọi khác như giao đằng, mằn năng ón, má ỏn, khua lình, dạ hợp,... và trở thành vị thuốc quen thuộc trong Đông Y từ khá lâu. Ngày nay, hà thủ ô có tên khoa học là Polygonum Multiflorum Thunb hay Fallopia Multiflora. Chúng thuộc họ rau răm Polygonaceae.
Đặc trưng của hà thủ ô là có thân dạng dây leo thân màu xanh tía. Lá hình trái tim, có cuống dài, mọc so le ôm sát vào thân dây. Hoa của cây có kích thước nhỏ, đường kính khoảng 2 mm và thường mọc thành chùm. Phần thân rễ phồng lên thành củ. Phần thân dây và rễ của hà thủ ô sẽ được thu hoạch để sử dụng làm thuốc.
Trong một năm có 2 thời điểm có thể thu hoạch rễ hà thủ ô là vào mùa xuân và mùa thu. Phần rễ hà thủ ô có hình dạng khá giống với củ khoai lang nên nó được gọi là mần đăng. Mỗi củ sẽ có khối lượng dao động từ 0,5 kg một số cây củ có kích thước lớn sẽ đạt đến 1 kg.
Phân loại cây thảo dược hà thủ ô |
Ở Việt Nam, hà thủ ô hiện được chia thành 2 loại: hà thủ ô trắng và hà thủ ô đỏ. Cả hai loại đều được sử dụng trong nhiều bài thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe cho con người.
Củ hà thủ ô đỏ giống như củ khoai lang, vỏ ngoài có nhiều chỗ lồi lõm, màu nâu đỏ. Bên trong phần củ có màu hồng, nhiều bột. Phần bột có vị đắng chát, không mùi.
Hà thủ ô trắng hay còn gọi là nam hà thủ ô. Tên khoa học của dược liệu này là Streptocaulon juventas Merr. Hà thủ ô trắng cùng họ với cây thiên lý. Phần thân hà thủ ô trắng có màu nâu đỏ, nhiều lông mịn. Toàn thân có nhựa màu trắng sữa. Lá cây có vị đắng chát, mùi thơm dịu nhẹ.
Công dụng của hà thủ ô trong y học
Hà thủ ô là vị thuốc quý đã được biết đến rộng rãi trong Đông y từ lâu, đặc biệt nổi tiếng với công dụng ích khí hoạt huyết, giúp làm trẻ hóa da tóc, điều trị chứng tóc bạc sớm. Khi dùng hà thủ ô sẽ ngăn ngừa được tình trạng rụng tóc, bạc tóc. Đồng thời sau một thời gian sử dụng bạn có thể cảm nhận được tóc mọc đen hơn và chắc khỏe hơn.
Phần nước sắc hà thủ ô có tác dụng bồi bổ cho can thận. Bài thuốc này thường được các lương y sử dụng cho bệnh nhân âm hư, đau nhức gân cốt, mỡ máu tăng cao, tiểu đường... rất tốt cho sức khỏe của người cao tuổi.
Củ hà thủ ô thái mỏng phơi khô dùng làm thuốc Đông y |
Ngoài ra, các nghiên cứu khoa học hiện đại cũng đã chứng minh nhiều công dụng khác của loại thảo dược quý này. Điển hình là việc phát hiện Lecithin trong hà thủ ô có tác dụng làm tăng quá trình tái tạo hồng cầu cho cơ thể. Do vậy phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt bất thường hay khí hư có thể sử dụng để điều hòa. Đối với người bệnh gầy gò, xanh xao hoặc thiếu máu cũng có thể sử dụng vị thuốc này để điều trị.
Thêm vào đó, hà thủ ô có khả năng giảm hấp thu cholesterol, giảm xơ cứng động mạch, phòng ngừa các vấn đề về tim. Thảo dược này còn giàu hoạt chất oxy methyl anthraquinone ở phần rễ cây. Hoạt chất này đóng vai trò kích thích tăng nhu động ruột, có tác dụng nhuận tràng.
Đồng thời, hà thủ ô cũng có khả năng chống oxy hóa, có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa lão hóa, kéo dài tuổi thọ. Đặc biệt hơn, hà thủ ô còn có thể ngăn chặn sự phát triển của các tế bào ung thư. Thí nghiệm trên loài chuột cho thấy, nước chiết ra từ hà thủ ô đỏ có khả năng làm giảm nồng độ cholesterol mỗi liều dùng chỉ từ 1,5g/ml. Đồng thời cơ thể chuột thí nghiệm cũng được làm chậm lại quá trình oxy hóa diễn ra.
Hà thủ ô nổi tiếng là vị thuốc giúp trẻ hóa da tóc, điều trị chứng tóc bạc sớm |
Lưu ý khi sử dụng hà thủ ô
Mặc dù hà thủ ô có công dụng trị bệnh nhưng vị thuốc này lại không hoàn toàn lành tính. Bởi nghiên cứu cho thấy, trong hà thủ ô có chứa 2 hoạt chất có khả năng tác động lên ruột của người là anthranoid và tannin. Hoạt chất trong hà thủ ô có thể khiến ruột se lại gây ra tình trạng táo bón.
Đó là lý do vì sao khi chế biến hà thủ ô cần được ngâm trong nước vô gạo. Nếu trong quá trình sử dụng cơ thể bị táo bón hoặc đi ngoài bất thường thì có thể kết luận chất lượng của hà thủ ô không đạt trong quá trình chế biến. Đặc biệt lưu ý, không nên uống hà thủ ô khi đang bị tiêu chảy.
Trong quá trình sử dụng hà thủ ô, người bệnh không nên tránh ăn củ cải, hành và tỏi. Người bị huyết áp thấp hoặc đường huyết thấp không nên uống hà thủ ô. Đồng thời, hà thủ ô có thể làm giảm các tác dụng điều trị của một số loại thuốc như thuốc lợi tiểu, thuốc chống đông,... nên cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng hà thủ ô, đặc biệt là đối với phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú, bệnh nhân có tiền sử dị ứng, hoặc đang trong quá trình điều trị một bệnh lý khác.