Hà Nội: Phải xử lý nghiêm những người khai man, cướp công nuôi dưỡng và thờ cúng 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát
Phóng sự 18/08/2020 11:06
Ngày 16/3/2020 Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hà Nội ban hành Quyết định số 1337 và 1338/QĐ-SLĐTBXH, đình chỉ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ từ năm 2019 đối với ông Cao Văn Triệu và bà Nguyễn Thị Phượng. Từ đây vụ cướp công nuôi dưỡng và thờ cúng liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát bị vạch trần.
Hồ sơ rõ ràng về thân nhân của 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát.
Cụ Cao Hữu Trác và vợ là cụ Vương Thị Nhường, ở thôn Mai Châu, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, TP Hà Nội, có 3 người con là Cao Thị Nhã, Cao Thị Sửu và Cao Hữu Văn. Ngoài ra, vợ chồng cụ còn nuôi người cháu trai là Vương Văn Cát. Vương Văn Cát là con của cụ Vương Văn Noi (liệt sĩ, anh trai của cụ Nhường) với cụ Nguyễn Thị Bé. Sau khi cụ Noi hy sinh, cụ Bé trả lại con cho gia đình cụ Nôi để đi lấy chồng khác. Cụ Noi có 2 người em gái là Vương Thị Trộn và Vương Thị Nhường, do hoàn cảnh khó khăn cụ Trộn không nhận nuôi cháu Vương Văn Cát, vợ chồng cụ Nhường đã đón Vương Văn Cát về nuôi khi mới 3 tháng tuổi.
Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, vợ chồng cụ Trác, cụ Nhường đã tiễn con đẻ Cao Hữu Văn, con nuôi Vương Văn Cát lên đường nhập ngũ. Năm 1979, UBND xã Đại Mạch đã tổ chức lễ truy điệu liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát, trao giấy báo tử và bằng Tổ quôc ghi công cho gia đình cụ Trác, cụ Nhường và gia đình thờ cúng hai liệt sĩ.
Theo hồ sơ liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát lưu giữ tại Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, mà Sở cung cấp thông tin cho phóng viên ngày 6/8/2020 (nhưng không cho chụp văn bản), giấy báo tử liệt sĩ Cao Hữu Văn do Quân khu Thủ đô cấp ngày 10/5/1979, số 371HN; cụ Cao Hữu Trác và cụ Vương Thị Nhường (là bố mẹ) được hưởng tiền tuất liệt sĩ hàng tháng .
Giấy báo tử liệt sĩ Vương Văn Cát do Quân khu Thủ đô cấp ngày 15/3/1977, số 323M/HN; cụ Vương Thị Nhường (là cô ruột-mẹ nuôi) được hưởng tiền tuất liệt sĩ hàng tháng.
Biên bản làm việc cung cấp thông tin hồ sơ 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát do Sở LĐ-TB&XH Hà Nội cung cấp ngày 6/8/2020 |
Sau khi con đẻ và con nuôi đều hy sinh vì nước, các con gái đã đi lấy chồng (bà Nhã lấy chồng về xã Cổ Loa, bà Sửu lấy chồng về xã Võng La), để có người nối dõi gia tộc, cụ Nhường đã tự nguyện đi tìm lấy vợ hai cho chồng. Năm 1982, cụ Trác lấy bà Lê Thị Thành, ở thôn Bầu, xã Kim Chung, cùng huyện Đông Anh. Bà Thành về ở với ông Trác tại ngôi nhà ngói 3 gian trên mảnh vườn 547m2 ở thôn Mai Châu, năm 1985, sinh với cụ Trác con trai là Cao Văn Mạnh. Trong thời gian từ 1982-1985, bà Nhường ở với bà Sửu. Năm 1986, cụ Trác ốm, cụ Nhường quay về nhà mình ở, để chăm sóc chồng. Lúc này xảy ra mâu thuẫn giữa vợ cả và vợ hai, do đó bà Thành đưa Cao Văn Mạnh về quê mình ở.
Ngày 30/7/1988 (âm lịch) cụ Cao Hữu Trác do tuổi cao sức yếu qua đời; ngày 29/12/1995, cụ Vương Thị Nhường cũng qua đời (tại nhà bà Sửu).
Cụ Trác và cụ Nhường qua đời, các con khác của họ vẫn còn (Cao Thị Nhã, Cao Thị Sửu và con trai Cao Văn Mạnh). Như vậy thân nhân của 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát là rõ ràng, cụ Cao Hữu Trác và cụ Vương Thị Nhường là bố mẹ đẻ và bố mẹ nuôi, có các chị em ruột là Cao Thị Nhã, Cao Thị Sửu và Cao Văn Mạnh. Hiện Cao Văn Mạnh là em trai được 2 chị gái là Cao Thị Nhã và Cao Thị Sửu ủy quyền thờ cúng bố mẹ và 2 anh liệt sĩ.
Ai cướp công nuôi dưỡng và thờ cúng 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát?
Sau khi cụ Trác qua đời năm 1988 và cụ Nhường qua đời năm 1995, chế độ tiền tuất cho thân nhân liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát không còn. Khi đó từ năm1995 đến năm 2013 chưa có chế độ hỗ trợ tiền thờ cúng liệt sĩ, thì chị em bà Nhã, bà Sửu và ông Mạnh vẫn tổ chức thờ cúng bố mẹ và 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát. Do ông Mạnh chưa xây dựng gia đình nên việc cúng giỗ được tổ chức tại nhà của bà Sửu.
Ông Cao Văn Mạnh, con của cụ Cao Hữu Trác, người thờ cúng bố mẹ và được hai chị gái ủy quyền thờ cúng 2 anh là liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát |
Ngày15/5/2013, Bộ LĐ-TB&XH có Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH giải quyết chế độ trợ cấp thờ cúng liệt sĩ. Theo Điều 10 và 11 của Thông tư này quy định, thì liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát không còn thân nhân hưởng trợ cấp tiền tuất hàng tháng, thì người thờ cúng liệt sĩ được lập hồ sơ để Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội ra quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ theo quy định.
Lúc này các con của cụ Trác và cụ Nhường là bà Nhã, bà Sửu lấy chồng ở xã khác, Cao Văn Mạnh cũng ở xã khác, nên không biết để làm hồ sơ hưởng trợ cấp thờ cúng 2 liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát.
Ông Cao Văn Triệu là cháu trưởng (gọi cụ Cao Hữu Trác là chú ruột) có vợ là Vương Thị Liên, cán bộ UBND xã, biết Thông tư số 05 đã khai hồ sơ nhận thờ cúng liệt sĩ Cao Hữu Văn, khai bố liệt sĩ là Cao Hữu Trác đã chết, mẹ liệt sĩ là Vương Thị Nhường đã chết, ông Triệu là anh họ. Cùng với đơn đề nghị có biên bản ủy quyền ghi chỉ có ông Cao Văn Triệu là anh (con bác ruột). Hồ sơ nhận thờ cúng liệt sĩ Vương Văn Cát, do bà Nguyễn Thị Phượng (con gái bà Vương Thị Trộn) khai ngày 20/10/2013, ghi là em họ của liệt sĩ, khai bố liệt sĩ là Vương Văn Noi đã chết, mẹ liệt sĩ là Nguyễn Thị Bé đã chết. Cùng với đơn đề nghị có biên bản ủy quyền của ông Nguyễn Quang Chung.
UBND xã Đại Mạch nơi ông Vương Ngọc Chi, Phó Chủ tịch UBND xã năm 2013 ký xác nhận hai hồ sơ đề nghị hưởng thờ cúng liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát có nội dung sai sự thật |
Hồ sơ nhận thờ cúng liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát, do ông Cao Văn Triệu và bà Nguyễn Thị Phượng khai, đều được ông Vương Ngọc Chi Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch ký xác nhận. Lưu ý tại thời điểm năm 2013, bà Vương Thị Thu Phương là cán bộ tư pháp xã và ông Vương Ngọc Chi Phó, Chủ tịch UBND xã đều họ hàng với bà Vương Thị Liên vợ ông Cao Văn Triệu.
Do có đơn tố cáo cảu bà Nhã, bà Sửu và ông Mạnh, qua xác minh, Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội đã có Quyết định số 1337 và 1338/QĐ-SLĐTBXH đình chỉ hưởng chế độ thờ cúng liệt sĩ từ năm 2019 đối với ông Cao Văn Triệu và bà Nguyễn Thị Phượng, đồng thời có Văn bản 1542/SLĐTBXH ngày 15/5/2020 đề nghị UBND huyện Đông Anh chỉ đạo phòng LĐ-TB&XH xem xét xử lý các cá nhân, cán bộ, công chức đã vi phạm trong việc lập hồ sơ sai trái để hưởng tiền trợ cấp thờ cúng liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát, nhưng đến nay những người sai phạm vẫn chưa bị xử lý.
Đó là lý do ông Vương Ngọc Chi (hiện là Chủ tịch UBND xã) người ký xác nhận 2 bộ hồ sơ sai phạm trên, đã chỉ đạo cán bộ cấp dưới, không cung cấp bản photo hồ sơ lưu tại xã cho nhà báo. Đó cũng là ý do, mặc dù hai bộ hồ sơ này không phải là tài liệu mật, là hồ sơ có nội dung sai sự thật, nhưng Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hà Nội, cũng từ chối không cung cấp bản photo cho nhà báo. Đây chính là hành vi bao che cho sai phạm, tạo nên vụ tranh chấp thân nhân hai liệt sĩ Cao Hữu Văn và Vương Văn Cát.