Góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương
Phát huy vai trò NCT 09/05/2023 09:04
Thất bại nhưng không nản
Ông A Râl Cước, dân tộc Cơ Tu, sinh năm 1952. Trước là bộ đội đóng tại huyện Tây Giang. Năm 1981, ông xuất ngũ và tham gia công tác địa phương. Nay là Bí thư Chi bộ thôn A Dinh, thị trấn Prao, huyện Đông Giang, hội viên Hội NCT. Ông là Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số.
Nghĩ trồng lúa nước, lúa rẫy khó mà có cuộc sống khá được, vợ chồng ông bàn bạc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo chủ trương của Nhà nước lúc bấy giờ. Không trồng lúa, chuyển sang nuôi heo. Nuôi từ 4 con đến tăng lên 12 con. Chiều chiều ông đi quanh thị trấn xin hèm rượu về làm thức ăn cho heo. Xuất được lứa nào là ông mua tiếp lứa khác. Do nuôi trên mặt ao và thiếu kinh nghiệm chăm sóc nên heo chết dần. Thất bại nhưng ông không nản. Thăm dò anh em, bè bạn mua sách thú y, học hỏi kinh nghiệm. Năm 2004, ông nuôi heo lại, gồm 15 con. Lần này mua heo lớn hơn, thời gian chăm sóc ít, xuất chuồng nhanh. Đồng thời ông còn mở quán bán tạp hóa, làm thêm các công việc khác. Ông kể: “Mình vừa nấu rượu vừa rèn liềm, rựa, dao vừa tranh thủ vót mây đan lát. Cứ ba công việc trong một lúc vậy. Hết việc này chuyển sang việc kia. Trồng được 8 ha keo, 3 ha quế rồi ươm cây giống huỳnh đàn bán. Tính chung thu nhập cũng hơn 150 triệu đồng/năm”.
Ông A Ting Đhân. |
Giúp bà con vùng dịch Covid-19
Ông Nguyễn Đình Huỳnh (sinh năm 1954), hiện là Chi hội phó Hội CCB và Chi hội phó Chi hội NCT thôn Gừng, thị trấn Prao. Trước ông là bộ đội Hải quân Nhân dân Việt Nam, sau đó chuyển sang ngành Ngoại thương. Năm 1989, xuất ngũ về địa phương. Ngoài công tác đoàn thể, ông chăn nuôi, trồng trọt cải thiện đời sống. Trồng nửa héc-ta keo, trong vườn, bên cạnh 150 cây sầu riêng, mít Thái Lan, táo mèo ông tập trung cho 500 cây cau. Thu nhập cả năm cũng hơn 120 triệu đồng. Ông vừa tập trung vốn mở cơ sở cơ khí cho con trai. “Mình tuổi cũng cao, bươn chải không kịp nên đầu tư cho con cái sản xuất kinh doanh thôi”, ông Huỳnh bộc bạch.
Hưởng ứng chủ trương hiến đất mở đường QL 14G, ông gương mẫu, hiến hơn 2.200m2 đất (chưa nhận tiền đền bù). Bà Lương Thị Lâm, Phó trưởng Ban BĐD Hội NCT huyện chia sẻ: “Trong thời gian xảy ra dịch Covid-19, ông Huỳnh tích cực vận động các nhà hảo tâm đóng góp tiền, lương thực thực phẩm giúp bà con. Ông kéo xe bò đi quanh thị trấn nhận quà của các nhà hảo tâm từ nải chuối, chục trứng, chai mắm đến gạo, tập trung lại vận chuyển đến cho bà con Đà Nẵng, Sài Gòn trong vùng dịch…”.
Khéo bắt chước làm trống
Ông A Ting Đhân, dân tộc Cơ Tu, vốn quê xã Ka Nung, huyện Tây Giang. Trước là chiến sĩ Công an huyện. Ông về nghỉ chế độ năm 1976. Sau đó làm trưởng thôn Prao, thị trấn Prao, huyện Nông Giang. Nay ông tham gia công tác chi hội Hội CCB, Hội NCT và hiện là Chi hội phó Hội NCT thôn Prao. Thấy nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội được phục dựng, năm 2020, ông chuyển sang làm trống. Chỉ là tay ngang nhưng khéo bắt chước rồi dần dần ông sản xuất trống nhiều kích cỡ. Trong các lễ hội mừng lúa mới, cúng thần núi… có sản phẩm của ông A Ting Đhân góp mặt.
Không chỉ tại địa phương, trống của ông còn ra đến các huyện Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế). Ông kể: “Tùy theo kích cỡ trống, người ta đến đặt mình làm. Giá từ 1,5 triệu đồng/cái đến 4 -5 triệu đồng/cái cũng có. Mình làm phải mất hai ngày mới được một cái. Còn phải làm rẫy nữa”. Đặc biệt, ông còn chế tác đầu con sao la (loài thú quý hiếm) bằng gỗ cây keo. Chỉ với các dụng cụ đơn giản như rìu, đục… ông cắt, gọt, mài nhẵn cho ra đời một sản phẩm. Một cái đầu sao la bằng gỗ keo ông bán 1,5 triệu đồng/cái. Ông nói nay không bán nữa, chỉ làm để trưng bày và để dành cho con cháu thôi. Trong vườn nhà ông còn trồng lòn bon, huỳnh đàn và nuôi bò, heo lấy thịt và heo đẻ…
Chi hội trưởng Chi hội NCT thôn Prao, bà Lưu Thị Mão nhận xét: “Ông A Ting Đhân rất tích cực trong việc xây dựng chi hội; giáo dục, nhắc nhở con cháu không vi phạm pháp luật. Ông là cán bộ Hội NCT gương mẫu, Người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại địa phương”.
Huyện miền núi Đông Giang còn khó khăn nhưng NCT dân tộc Kinh cũng như Cơ Tu luôn cố gắng, đoàn kết xây dựng Hội và nỗ lực tự thân vượt khó, thoát đói, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội huyện nhà rất đáng ghi nhận và trân trọng!