Giữ đào rừng là giữ sắc màu Tây Bắc
Nhịp cầu bạn đọc 02/02/2021 10:26
Những năm gần đây, trào lưu chơi cành, cây đào, mận, lê rừng của người dân miền xuôi ngày càng tăng, dẫn đến thực trạng, cứ vào thời điểm áp Tết Nguyên đán, nhiều người dân Tây Bắc chặt đào rừng bán cho người miền xuôi chơi Tết với giá rất cao. Từ việc chặt cành rồi đến chặt cả cây, đào cả gốc rồi cho lên thùng xe tải chở về thành phố những cây đào cổ. Nguyên nhân của thực trạng này là do những năm gần đây, người dân miền xuôi không mấy mặn mà với những gốc đào bích, đào phai được trồng dọc hai bên triền sông Hồng, trên những cánh đồng theo những kiểu dáng được người dân tạo kiểu sẵn. Thay vào đó, người dân lại thích mang về nhà những cành đào tự nhiên, những cây đào cổ gốc xù xì, thân rêu phong, đang ra những lộc non. Ngoài đào rừng, người ta còn thích chơi cả những cây mận cổ, cây lê hoa trắng ở những vùng đất Tây Bắc.
Những ngày áp tết, dọc các cung đường miền Tây Bắc, người dân vùng cao mang đào rừng ra bày bán như bán rau ở ven đường với đủ các kích cỡ cây cành khác nhau. Với suy nghĩ, đào mọc nhiều trong vườn nhà, trên rừng, chặt bán còn được lời nhiều hơn bán quả trong khi nhu cầu của thị trường đang lên cao. Chính vì thế, nhiều năm gần đây, ở các vùng thành phố, tình trạng đào trồng bị “ế”, ngược lại, đào rừng Tây Bắc lại đắt như tôm tươi, cung không đủ cầu.
Rừng đào, vẻ đẹp của Tây Bắc
Đào rừng là loài cây mang linh hồn của vùng Tây Bắc hùng vĩ, nó gắn bó với núi rừng và con người Tây Bắc tự bao đời nay. Đào rừng mang đến cho xứ sở Tây Bắc vẻ đẹp trong trẻo, tinh khôi và thơ mộng. Mỗi khi mùa Xuân về, những nụ hoa đào chúm chím khoe sắc như báo hiệu một cuộc hồi sinh mới nơi núi rừng. Đào rừng mọc nhiều, nơi có núi cao, đào mọc thành từng khoảnh rộng, cây đào lâu năm thành cổ thụ, thân cành xù xì, lá xanh sẫm, màu vỏ nâu sẫm lại như da người già. Người vùng cao trên núi cao quý cây đào như sinh mạng của mình vậy.
Những ngày cuối năm, khi mưa phùn tháng Chạp lất phất đã làm trỗi dậy sức sống của đào rừng. Từ khắp các thân cành, đào rừng chúm chím bật tung nụ hoa để báo hiệu mùa Xuân đang về với Tây Bắc. Khi ấy, núi rừng Tây Bắc như được choàng lên một chiếc áo mới với sắc màu của đào rừng, của mùa Xuân. Đào rừng có nét hoang sơ đến tĩnh lặng. Sự gần gũi đến ấm áp của những gốc đào rừng đang kì trổ hoa, có hương vị và sắc màu của rừng xuân, hoa xuân, có tiếng thì thầm của mùa Xuân đang về. Cây đào rừng “ăn đời ở kiếp” với đồng bào Tây Bắc và người Tây Bắc cũng yêu quý đào như người bạn tri kỉ. Đào sẽ cho họ những mùa hoa xuân để núi rừng Tây Bắc mãi sáng đẹp, đào sẽ cho Tây Bắc những mùa quả ngọt để nơi đây bốn mùa hoa thơm trái ngọt.
Cây đào giúp cho vùng đất Tây Bắc có sức hút lạ kì và cất tiếng gọi mời những tâm hồn ưa khám phá núi rừng trên những cung đường chinh phục vẻ đẹp của thiên nhiên và con người Tây Bắc.
Hiểu thế nào cho đúng về đào rừng?
Gần đây, dư luận đã và đang bàn luận về việc có hay không đào rừng. Nhiều ý kiến cho rằng, đào mọc hoang dã trên rừng rất hiếm, hầu như không có. Vì thế, đào ở vùng cao Tây Bắc chủ yếu được trồng trong vườn nhà người dân, thuộc sở hữu của người dân. Những năm gần đây, người dân ở các tỉnh vùng cao Tây Bắc trồng đào để lấy quả, phục vụ du lịch và chặt cành, chặt cây bán vào thời điểm áp Tết. Nhiều ý kiến cho rằng, đã là sở hữu hộ gia đình thì việc chặt đào bán là quyền của họ. Vậy, chúng ta nên hiểu như thế nào cho đúng về vấn đề này?
Trên thực tế, ở vùng cao Tây Bắc, đào mọc trên rừng tự nhiên là rất hiếm. Vì thế, cụm từ đào rừng ở đây nên được hiểu là những rừng đào được người dân trồng trên sườn núi, ven đồi thuộc sở hữu hộ gia đình hoặc nằm trong khoanh vùng quy hoạch du lịch của địa phương. Để có những rừng đào cổ thụ, rêu phong, thân bám đầy địa y không phải một vài năm mà có được mà phải trải qua hàng chục năm. Mỗi khi đến Tây Bắc, du khách mọi miền đều được chiêm ngưỡng những rừng mận, rừng đào bạt ngàn.
Tuy nhiên, những năm gần đây, do thị hiếu chơi đào cổ thụ, rêu phong vào dịp Tết nên nhiều hộ dân đã chặt cành, chặt những cây đào nhiều năm tuổi để bán. Về mặt lí, đây là quyền sở hữu của các hộ dân, họ trồng đào lấy quả hay bán cây là tùy ý. Tuy nhiên, chúng ta cần nhìn vào thực tế, những rừng đào, rừng mận vốn là vẻ đẹp mang đặc trưng của Tây Bắc, là những “di sản” sống của những vùng đất mang tiềm năng du lịch. Thử hỏi, nếu các hộ gia đình cứ dần dần chặt những gốc đào trong vườn nhà để bán thì liệu trong nay mai, những rừng mận, rừng đào cổ thụ liệu có còn tồn tại trên những cao nguyên Tây Bắc?
Bởi thế, nếu như chặt phá đào rừng nói riêng, những cây rừng để phục vụ nhu cầu chơi Tết như lê rừng, mận rừng chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng “lợi bất cập hại”. Chỉ vì lợi ích kinh tế, vì thỏa mãn thị hiếu của một số người mà hủy hoại những rừng đào cổ, những cây đào cổ trụ vững với nắng gió, bão giông bao đời nay ở khu vực Tây Bắc.
Vậy nên, chặt đào chính là đang làm mất đi vẻ đẹp vốn dĩ tự nhiên, hoang hoải và thơ mộng của Tây Bắc. Mỗi cây đào, cây mận bị đốn hạ lại làm cho nguy cơ sạt lở đồi núi dẫn đến môi trường, môi sinh bị hủy hoại nghiêm trọng.
Cần khoanh vùng đào để bảo tồn
Cần giữ lấy những rừng đào nơi triền núi Tây Bắc, giữ đào đồng nghĩa với giữ vẹn nguyên sắc màu Tây Bắc vốn là điểm đến của du khách mọi miền, vốn là tiềm năng của phát triển du lịch. Muốn vậy, tại những địa phương có nhiều rừng đào, rừng mận, chính quyền cần phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của đào và các loài cây rừng đối với cảnh quan, môi trường nơi đây. Đồng thời, các địa phương cần có kế hoạch bảo tồn, bảo vệ những rừng đào cổ, đẩy mạnh trồng thêm những rừng đào tại những triền núi có diện tích đất bỏ hoang để cây đào được nhân lên nhiều ở vùng đất Tây Bắc. Cần phân loại những vườn đào, vườn mận cổ thụ, những diện tích đào trồng mới để vừa bảo tồn phục vụ du lịch, vừa phục vụ kinh doanh vào dịp Tết. Thiết nghĩ, nhận thức của người dân, trách nhiệm của chính quyền và các cơ quan liên quan sẽ giúp Tây Bắc giữ được những rừng đào, rừng mận bạt ngàn.