“Gieo” hạnh phúc cho trẻ bất hạnh
Nhân Ái 22/01/2020 11:39
Vừa chăm sóc 30 mảnh đời bất hạnh, lại vừa lo cho các cháu có cái tết cổ truyền Canh Tý thật tươm tất. Mâm cỗ tết cũng đủ thứ bánh tét, bánh in, thịt, dưa món… để các cháu nguôi ngoai nỗi nhớ cha mẹ. Nhìn các cháu cười vô tư, sơ Nguyễn Thị Khiết, gần 90 tuổi lại bồi hồi nhớ lại cảnh những ngày đầu mới thành lập Cô nhi viện.
Các sơ và trẻ em được nuôi dưỡng trong Cô nhi viện Sao Mai |
Cô nhi viện Sao Mai thuộc dòng Phaolô Đà Nẵng ra đời năm 1994, với gần 30 cháu có hoàn cảnh đặc biệt. Có cháu bị mẹ bỏ rơi từ lúc cất tiếng khóc chào đời. Nhiều cháu người Jrai, Bahnar bị chôn sống theo thủ tục mẹ chết con phải chôn nhưng nhờ phát hiện kịp thời nên các sơ đã đến nơi tuyên truyền cho bà con đồng thời xin về chăm sóc. Lòng nhân ái của các sơ có sức cảm hóa nhiều người dân Jrai, Bahnar các buôn gần, làng xa, làm động lòng trắc ẩn của họ. Bằng cách này, các sơ đã cứu 40 cháu khi mẹ qua đời, lũ làng định chôn con theo mẹ. Đón các cháu lành lặn về nuôi đã vất vả, tiếp nhận hàng chục cháu khuyết tật thiểu năng trí tuệ, bại liệt lại càng khó khăn gấp bội. Các sơ phải trực tiếp bón cơm, tắm giặt và chăm lo giấc ngủ. Khi các cháu đau yếu nặng, các sơ lại thay nhau đưa đi bệnh viện cứu chữa. Có cháu đau bệnh nặng không qua khỏi, các sơ nhờ Cha làm lễ tiễn lên “thiên đường”.
Để thực hiện sứ mạng cao quý, thiêng liêng, gần 100 sơ dòng Phaolô Đà Nẵng sống rải rác ở các tỉnh, thành phố phía Nam phải tự bươn chải kiếm sống và nuôi dưỡng các cháu. Các sơ mở các trường mẫu giáo, làm dịch vụ và gõ cửa các nhà hảo tâm chăm lo để có thêm nguồn lực. Người cho thùng mì tôm, người tặng bao gạo, người cho can dầu lạc, người chiêu đãi tô phở sáng… góp phần giảm bớt khó khăn. Vì mỗi lứa tuổi có tâm lí riêng nên các sơ bố trí việc ăn, ở, học hành cho phù hợp. Học sinh mẫu giáo và tiểu học được nuôi dưỡng trong Cô nhi viện; bậc trung học cơ sở đưa lên Phaolô Bình Minh; các cháu trung học phổ thông ở ngoại trú tại nhà dòng khác hoặc gia đình. Ban đêm các sơ quản lí việc học hành và ngủ nghỉ. Chỉ đến lúc các cháu chìm sâu vào giấc ngủ, các sơ mới lên giường nghỉ ngơi.
Cường độ lao động căng thẳng song các sơ đều dành hết tâm huyết để gieo vào tâm hồn trẻ thơ tình “mẫu tử” của mình; chăm sóc từ việc dạy dỗ, ăn, ngủ, học hành cho đến chải tóc, rửa mặt, giặt giũ, tắm rửa… Riêng 12 cháu khuyết tật đi học được Nhà nước miễn học phí và mỗi tháng được Nhà nước trợ cấp 450 nghìn đồng. Từ mái ấm này, nhiều cháu đã trưởng thành được đào tạo nghề và có mái ấm gia đình riêng; có cháu đang là sinh viên đại học hoặc trở thành những cán bộ, công dân tốt của TP Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh, thành phố. Đằng sau cái kết có hậu ấy là ân tình sâu nặng mà cả tập thể các sơ dành cho các cháu.
Phía sau cái vẻ trầm tư đơn điệu của các sơ và dòng đời bình thản trôi đi, tiềm ẩn bao điều đáng nói, những sắc thái cuộc đời đa dạng. Việc nhân nghĩa thầm lặng ấy giống như những đóa hoa tỏa hương tô đẹp thêm vườn hoa dòng Phaolô Đà Nẵng.