Giá trị dân tộc và thời đại của Tuyên ngôn Độc lập
Tin tức - Sự kiện 02/09/2020 21:39
Tuyên ngôn Độc lập thể hiện tinh thần quật khởi của nhân dân Việt Nam
Theo PGS, TS Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng: Tuyên ngôn Độc lập không chỉ thể hiện tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam trong tiến trình bảo vệ không gian cho sự sinh tồn và phát triển của mình mà còn đồng biểu thị sự chính nghĩa trong tiến trình xác lập và bảo vệ quyền tự nhiên của dân tộc và con người Việt Nam.
Hình ảnh Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
PGS, TS Phạm Hồng Chương cho rằng: Kỷ niệm 75 năm ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập, chúng ta cần phải tiếp tục phát huy và đưa tinh thần của chính nghĩa và văn minh Việt Nam mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện trong văn kiện lịch sử đặc biệt này đi vào thực tiễn một cách mạnh mẽ, rộng rãi và thiết thực, cả trong xây dựng đường lối, chính sách đối nội, đối ngoại, cũng như trong tổ chức thực hiện của sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay và trong tương lai. Mang chính nghĩa và văn minh Việt Nam của Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 vào tương lai bằng hoạt động thực tiễn chính là tiếp tục giương cao ngọn cờ tư tưởng Hồ Chí Minh, đưa tư tưởng của Người đến đích hoàn thiện của độc lập dân tộc, tự do và hạnh phúc cho con người Việt Nam. Đó cũng là nâng tầm đóng góp của Việt Nam cho chính nghĩa, văn minh và tiến bộ của loài người.
Giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch Nguyễn Văn Công khẳng định: Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn nhắc nhở chúng ta: Giành được độc lập đã khó, nhưng giữ vững được độc lập, để đất nước phát triển bền vững, nhân dân được hạnh phúc và tự do còn khó khăn gấp bội phần. Muốn thực hiện được điều lớn lao đó, phải tiến hành cuộc cách mạng triệt để, dựa vào sức mạnh đoàn kết của toàn dân và phải luôn luôn vì quyền lợi của nhân dân. Tuyên ngôn Độc lập thể hiện sáng ngời tư tưởng nhân văn Hồ Chí Minh về quyền dân tộc, quyền con người, tinh thần nhân văn và chính nghĩa Việt Nam, tỏ rõ ý chí của dân tộc ta quyết tâm bảo vệ nền độc lập, quyền tự do. Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh tuyên bố trước thế giới về quyền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam. Đấy cũng chính là tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” mà Người đã kêu gọi nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược.
Băng ghi âm lời Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh. |
Được làm việc trong không gian gắn liền với Bác Hồ trong những năm cuối đời, Thạc sĩ Phạm Hoàng Điệp (Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch) xúc động bày tỏ: Tuyên ngôn Độc lập báo hiệu một thời đại mới, thời đại giải phóng dân tộc khỏi ách áp bức của chủ nghĩa thực dân trên quy mô toàn thế giới; thời đại phá tan xiềng xích của chủ nghĩa thực dân; thời đại của các dân tộc bị áp bức, bóc lột, giành lại quyền được sống, độc lập, tự do. Tuyên ngôn Độc lập đã thể hiện trí tuệ sáng suốt, ý chí nhất quán của Chủ tịch Hồ Chí Minh, truyền thống kiên cường, bất khuất, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam, khẳng định sức mạnh của lẽ phải và chính nghĩa. Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ có giá trị lịch sử mà còn là nguồn cổ vũ lớn lao cho nhân dân ta vượt qua những khó khăn, thách thức trong mỗi chặng đường xây dựng và bảo vệ đất nước.
Theo PGS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tuyên ngôn Độc lập có độ dài chỉ hơn 1000 từ nhưng chứa đựng nhiều nội dung có giá trị sâu sắc và mang ý nghĩa lâu dài không chỉ đối với dân tộc Việt Nam mà cả với nhân loại tiến bộ. 75 năm đã trôi qua, bản Tuyên ngôn Độc lập- văn kiện pháp lý đặc biệt quan trọng, kết tinh giá trị văn hóa cao đẹp của dân tộc Việt Nam và nhân loại, vẫn mang sức sống mãnh liệt và có giá trị trường tồn, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay.
Tuyên ngôn Độc lập mãi trường tồn trong lòng các thế hệ người Việt Nam
Không gian trưng bày tài liệu, hình ảnh, hiện vật về Cách mạng Tháng Tám và sự kiện Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập tại Bảo tàng Hồ Chí Minh những ngày này thu hút đông đảo người dân cả nước. Nhìn những dòng người chăm chú dõi theo từng hiện vật, lắng nghe thuyết minh kể về nguồn gốc những hiện vật gắn liền cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ, mới thấy tình cảm của đồng bào cả nước dành cho Người lãnh tụ vĩ đại của dân tộc thật bao la.
Dù thời gian có trôi qua bao nhiêu năm, thậm chí là nhiều thế kỷ sau, thì giá trị của bản Tuyên ngôn Độc lập mãi trường tồn trong lòng các thế hệ người Việt Nam.
Bức phù điêu tái hiện hình ảnh Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập. |
Trước khi bước vào năm học mới, em Đậu Quang Anh, học sinh trường Tiểu học Sơn Đông, Sơn Tây, Hà Hội được bố mẹ cho đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh. Trước đây, em chỉ được thấy hình ảnh của Bác Hồ qua những câu chuyện kể của cô giáo nhưng khi đến đây, được tận mắt chứng kiến các hiện vật gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh, em rất thích thú. Bố mẹ Đậu Quang Anh đều công tác ở Trường Sĩ quan Phòng hóa (Bộ tư lệnh Hóa học) nên mong muốn trang bị cho con trai những kiến thức về lịch sử, đặc biệt là nguồn gốc của bản Tuyên ngôn Độc lập, những hiện vật, hình ảnh về Chủ tịch Hồ Chí Minh và đã quyết định chọn Bảo tàng Hồ Chí Minh là điểm tham quan, để con có những cảm nhận rõ hơn về Bác Hồ.
Phó trưởng phòng truyền thông Bảo tàng Hồ Chí Minh Đào Tuấn Anh cho biết: Bảo tàng Hồ Chí Minh đang trưng bày tổ hợp tái hiện lại hình ảnh của sự kiện Bác Hồ đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập. Đây là những tài liệu, hiện vật vô cùng quý giá. Trong không gian trưng bày này, chúng tôi tái hiện lại hình ảnh của ngày khởi nghĩa giành chính quyền ở 3 miền Bắc, Trung, Nam bằng 3 bức phù điêu. Ngoài ra còn có những hiện vật như băng ghi âm lời Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tài liệu, hiện vật về cuộc Cách mạng Tháng tám... Không gian trưng bày này đón rất nhiều khách tham quan và để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng người xem.
Kế thừa và phát huy những giá trị to lớn của Tuyên ngôn Độc lập trong bối cảnh mới của đất nước, Đảng và nhân dân Việt Nam vẫn luôn giữ vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội-ngọn cờ vinh quang mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trao lại cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Bài, ảnh: KHÁNH HUYỀN