Đương sự đề nghị huỷ bản án sơ thẩm do có nhiều dấu hiệu vi phạm
Pháp luật - Bạn đọc 06/06/2022 18:31
Hồ sơ thể hiện: Quá trình làm ăn giữa bà Nguyễn Thị Ngọc Hương, sinh năm 1953 và chồng là ông Nguyễn Ngọc Hoa, sinh năm 1941, cùng ở ô 5, khu phố Hải Hà 1, thị trấn Long Hải, huyện Long Điền, tỉnh BR-VT xảy ra tranh chấp Hợp đồng mua bán xăng dầu với Công ty Thương mại và Đại lí dầu tỉnh BR-VT. Phía Công ty khởi kiện, năm 1998, yêu cầu vợ chồng bà Hương thanh toán nợ. Bà Hương có đơn phản tố, nội dung: Vợ chồng bà không nợ, ngược lại Công ty Thương mại và Đại lí dầu tỉnh BR-VT còn nợ Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hảo, do bà Hương làm chủ hơn 50,26 triệu đồng; yêu cầu Toà án làm rõ 49 chứng từ, với tổng số tiền 601,64 triệu đồng.
Bà Hương cấp cứu tại Bệnh viện Bà Rịa |
Vụ kiện được TAND tỉnh BR-VT xét xử lần 1 ngày 26/9/2000, bà Hương (bị đơn) kháng cáo. Xét kháng cáo của bị đơn có căn cứ, nên ngày 21/6/2001, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm.
Sau hơn 4 năm thụ lí lại, ngày 8/12/2005, TAND tỉnh BR-VT đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm (lần 2). Do có kháng cáo, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh xử phúc thẩm (lần 2) ngày 11/5/2006 tiếp tục hủy bản án sơ thẩm.
Ngày 16/12/2007, TAND tỉnh BR-VT đưa vụ án ra xử sơ thẩm (lần 3), với Bản án số 5/2007/DSST, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 654,9 triệu đồng và Ngân hàng BIDV (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án) 2,68 tỉ đồng. Do kháng cáo trễ hạn nên không được chấp nhận, bà Hương khiếu nại theo trình tự Giám đốc thẩm.
Ngày 29/9/2010, TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 673/DS-GĐT, tuyên hủy một phần Bản án số 05/2007/DSST với lí do: Việc tòa sơ thẩm buộc vợ chồng bị đơn trả cho nguyên đơn cả tiền gốc và lãi 654,9 triệu đồng là không có căn cứ, thiếu cơ sở thuyết phục; trả cho Ngân hàng BIDV số tiền 2,68 tỉ đồng là không phù hợp với quy định của pháp luật.
Giấy xác nhận của Bệnh viện Bà Rịa chuẩn đoán bà Hương bị bệnh nhập Khoa cấp cứu lúc 9 giờ 15 phút ngày 22/1/2021. |
Thụ lí và giải quyết lại ngày 9/9/2011, nhưng đến ngày 4/6/2014, TAND tỉnh BR-VT mới ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Quyết định này có dấu hiệu trái luật nên bị Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP Hồ Chí Minh tuyên hủy.
Quá trình giải quyết lại vụ án, nguyên đơn rút đơn kiện nên ngày 8/6/2015, TAND tỉnh BR-VT ra Quyết định đình chỉ vụ án. Bị đơn kháng cáo, TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh giữ nguyên Quyết định đình chỉ, đồng thời trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm giải quyết phần phản tố của vợ chồng bà Hương.
Ngày 23/5/2016, TAND tỉnh BR-VT ra văn bản thay đổi địa vị tố tụng: Bà Hương từ bị đơn trở thành nguyên đơn; còn nguyên đơn (lúc này chuyển sang Công ty CP Thương mại và Đại lí Dầu tỉnh BR-VT) trở thành bị đơn.
Cho rằng đã triệu tập 3 lần nhưng cả bà Hương và ông Hoa đều vắng mặt nên ngày 31/8/2016, TAND tỉnh BR-VT ra Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. TAND Cấp cao tại TP Hồ Chí Minh chấp nhận đơn kháng cáo của bà Hương, hủy Quyết định đình chỉ; chuyển hồ sơ vụ án cho TAND tỉnh BR-VT giải quyết.
Ngày 29/9/2010, TAND Tối cao ra Quyết định giám đốc thẩm số 673/DS-GĐT, tuyên hủy một phần Bản án số 05/2007/DSST |
Nguyên đơn gục ngã trong phòng xử đưa đi cấp cứu, toà vẫn... xử (!)
Thụ lí lại ngày 13/11/2017, nhưng kéo dài đến hơn 4 năm, TAND tỉnh BR-VT mới đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm ngày 22/1/2021. Hội đồng xét xử do thẩm phán Trịnh Hoàng Anh làm chủ tọa, cùng 2 Hội thẩm Nhân dân là bà Nguyễn Ngọc Sương và ông Nguyễn Minh Thành.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Hương trình bày: “Tôi nay đã 70 tuổi, già yếu, mắc nhiều chứng bệnh. Trước ngày phiên toà mở, tôi đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm khám, lấy thuốc theo toa của bác sĩ. Sáng 22/1/2021, tôi bị mệt nhưng buộc phải đến tòa. Ngay khi phiên xử được mở lúc 8 giờ 30, tôi bị choáng vì chứng cao huyết áp, cộng với cơn đau dạ dày bột phát dữ dội. Tôi đề nghị hoãn phiên tòa nhưng Hội đồng xét xử không chấp nhận. Tôi chịu đựng cơn đau đến khoảng 9 giờ thì gục ngã ngay tại phòng xử, được con trai và nhân viên bảo vệ đưa lên xe chở ngay đến Bệnh viện Bà Rịa cấp cứu. Dù giấy xác nhận của bệnh viện ghi rõ tôi “bị viêm loét dạ dày, tá tràng và cơn đau tức ngực, tăng huyết áp” nhưng thẩm phán chủ toạ Trịnh Hoàng Anh vẫn cho phiên tòa tiếp diễn dù vắng mặt nguyên đơn. Ngoài ra, tôi là người đại diện uỷ quyền cho chồng tôi là ông Nguyễn Ngọc Hoa, do ngất xỉu tại toà nên cũng chưa được trình bày yêu cầu với Hội đồng xét xử. Vậy mà Hội đồng xét xử vẫn tuyên và phát hành Bản án số 01/2021/KDTM-ST ngày 26/1/2021, gây oan sai thấu trời!”
Tại Bản án số 01/2021/KDTM-ST, Hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của bà Hương về việc buộc Công ty CP Thương mại và Đại lí dầu tỉnh BR-VT phải trả số tiền còn nợ hơn 50,26 triệu đồng cho Doanh nghiệp tư nhân Hoàng Hảo. Hội đồng xét xử buộc Công ty CP Thương mại và Đại lí dầu tỉnh BR-VT hoàn trả lại cho Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh BR-VT số tiền 742,48 triệu đồng.
Bà Hương uất nghẹn cho biết: “Suốt 24 năm, tôi cùng chồng và gia đình luôn chờ đợi công lí. Nay do bệnh đột ngột, thuộc trường hợp bất khả kháng, tôi xin hoãn phiên tòa hoàn toàn phù hợp với quy định của pháp luật. Thế nhưng, thẩm phán chủ toạ Trịnh Hoàng Anh và Hội đồng xét xử không cảm thông hay tỏ chút lòng thương xót cho vợ chồng già gánh chịu hàm oan suốt gần ¼ thế kỉ, quyết xử cho bằng được, dẫn đến có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, cũng như nhiều vấn đề mấu chốt của vụ án chưa được làm rõ, nhất là việc Cục THADS tỉnh BR-VT phát mãi tài sản có dấu hiệu trái pháp luật…”. (Còn nữa)