Dược phẩm Tâm Bình với tháng 7 nghĩa tình
Đời sống 28/07/2020 11:02
Những ngày này, có mặt ở Trung tâm Điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa, chúng ta dễ dàng bắt gặp các đoàn công tác, nhà hảo tâm đến thăm, tặng quà, tri ân các thương - bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng đang được chăm sóc, điều dưỡng tại đây...
Tìm về cội nguồn
Là đơn vị luôn quan tâm đến công tác đền ơn đáp nghĩa, tháng 7 này, Công ty Dược phẩm Tâm Bình đã phối hợp với Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa tới thăm hỏi, tặng quà các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công tại Trung tâm điều dưỡng Người có công tỉnh Thanh Hóa nhân kỉ niệm 73 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2020). Đây là nơi nuôi dưỡng, chăm sóc 236 người có công với cách mạng, trong đó có 41 thương bệnh binh nặng, 29 thân nhân liệt sĩ, 71 thương bệnh binh tâm thần mãn tính nặng, 90 nạn nhân nhiễm chất độc da cam.
Tại Khoa Quản lí, chăm sóc thương binh, bệnh binh nặng và người có công, giữa không gian sống xanh, thoáng đãng và mát mẻ là hai dãy nhà cấp 4 được chia làm nhiều phòng nhỏ, mỗi phòng khoảng 20m2 với nhà vệ sinh khép kín, điều hòa, quạt điện được trang bị đầy đủ.
Sau giờ thăm khám, uống thuốc và phục hồi chức năng, các thương, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ quây quần bên nhau trò chuyện vui vẻ về cuộc sống, sức khỏe… những nụ cười bừng nở trên môi khiến cho không khí thật ấm áp, nghĩa tình.
Dược sĩ Lê Thị Bình thăm hỏi và tặng quà cho cụ Mai Trọng Bái |
Chiến tranh đã lùi xa nhưng những vết thương vẫn còn hiển hiện trên thân thể cụ Mai Trọng Bái ở xã Hoằng Thanh, huyện Hoằng Hóa. Ngược dòng thời gian trở về với những năm tháng lửa đạn ác liệt, cụ Bái chẳng thể nào quên được trận đánh lịch sử năm 1971 khiến cụ và 2 đồng đội bị thương trong chiến dịch Lam Sơn 719. Ở tuổi 85 với chằng chịt vết thương trên người, tỉ lệ thương tật 100% nhưng tinh thần cụ luôn lạc quan, vui vẻ. Trong những ngày tháng 7 này, khi thấy Dược sĩ Lê Thị Bình, Tổng Giám đốc Công ty Dược phẩm Tâm Bình trực tiếp vào thăm hỏi và tặng quà, cụ rất xúc động. Cụ bảo rằng “Cái nắm tay của Dược sĩ Bình khiến tôi thấy ấm áp hơn, những vết thương do chiến tranh cũng bớt đau hơn. Cảm ơn tấm lòng của một người con Thanh Hóa dù đã rời quê hương đi lập nghiệp ở Hà Nội nhưng vẫn luôn nhớ và hướng về cội nguồn”.
Trong căn phòng được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, bà Nguyễn Thị Bông, vợ liệt sĩ Phạm Văn Dụ đã chia sẻ câu chuyện đầy cảm động của mình. Năm 1962, cô gái trẻ Nguyễn Thị Bông kết hôn với người bạn cùng làng tên là Phạm Văn Dụ, 4 ngày sau khi cưới, bà tiễn chồng vào B với lời hứa sẽ sớm trở về. Thế nhưng, lời hứa ấy chẳng bao giờ thành hiện thực bởi 4 năm sau, ông hi sinh tại sân bay Gò Lôi, xã Ân Tửng, huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định. Giữ trọn lời thề, bà ở vậy thờ chồng. Năm 1996, thông qua đồng đội và một bài viết trên Báo Quân đội Nhân dân, bà đã tìm được phần mộ chồng và đưa ông về yên nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Hoằng Hóa. Do không có con cái nên năm 1999, khi thấy sức khỏe của bà ngày càng yếu, chính quyền xã Hoằng Cát đã đưa bà vào Trung tâm Điều dưỡng Người có công theo chế độ chăm sóc đặc biệt của nhà nước. Trong chuyến thăm lần này, ngoài các phần quà gồm đường sữa, khăn mặt, các loại thuốc bổ và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị các bệnh lí về xương khớp, dược sĩ Lê Thị Bình còn tặng bà một bộ quần áo mới, lúc mặc lên người, bà Bông rất hạnh phúc và luôn miệng cảm ơn dược sĩ Bình vì “quần áo mặc đẹp quá, vừa như được may riêng cho bà”.
Hạnh phúc là sự sẻ chia
Bác sĩ Trịnh Văn Cường, Trưởng khoa Chăm sóc thương bệnh binh nặng, thân nhân liệt sĩ và Người có công chia sẻ: “Thật là cảm động bởi trong những ngày tháng 7 ý nghĩa này, tập thể cán bộ công nhân viên Trung tâm nhận được sự quan tâm của Công ty Dược phẩm Tâm Bình và Hội chữ Thập đỏ tỉnh Thanh Hóa. Đây là những nghĩa cử cao đẹp có tính lan tỏa rất lớn tới tỉnh Thanh Hóa nói riêng và Việt Nam nói chung để chúng ta cùng chung tay chăm sóc cho các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công vơi đi nỗi đau chiến tranh. Bên cạnh đó, những việc làm ý nghĩa này còn là nguồn động viên tinh thần rất lớn đối với chúng tôi trong công tác chăm sóc sức khỏe của thương bệnh binh, người có công”.
Dược sĩ Lê Thị Bình và Bà Trịnh Thị Tiếp – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Thanh Hóa tặng quà cho các thương bệnh binh. |
Sau khi thăm hỏi, gửi lời tri ân tới các thương bệnh binh, người có công và cả những người bị nhiễm chất độc hóa học, Đoàn thiện nguyện gửi tặng Trung tâm 236 suất quà, tiền mặt và 100 hộp khớp Tâm Bình và viên tiêu hóa Tâm Bình.
Cảm động trước những hoạt động thiết thực này, ông Dương Văn Huệ, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa gửi lời cảm ơn tới Đoàn từ thiện của Công ty Dược phẩm Tâm Bình. Đặc biệt, ông Huệ cảm ơn những hộp khớp mà Dược phẩm Tâm Bình hỗ trợ cho Trung tâm bởi các thương bệnh binh tuổi đã cao, sức yếu… mỗi khi trái gió trở trời ngoài những vết thương tái phát, có rất nhiều thương bệnh binh bị các vấn đề về xương khớp, sản phẩm Viêm Khớp Tâm Bình được gửi đến đặc biệt ý nghĩa. “Là một người con của xứ Thanh thành công với những sản phẩm đông dược, những sản phẩm của Dược phẩm Tâm Bình là món quà ý nghĩa nhất mà các thương bệnh binh ở Trung tâm cần. Tôi mong rằng Công ty sẽ phát triển hơn nữa để đóng góp cho xã hội và chung tay với chúng tôi để tri ân những người có công với đất nước”.
Cùng với thời gian, sức khỏe của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công sẽ ngày càng yếu đi nhưng tinh thần của họ vẫn luôn lạc quan bởi người Việt chúng ta luôn nêu cao truyền thống “đền ơn đáp nghĩa”. Đây cũng là việc làm hằng năm của Công ty Dược phẩm Tâm Bình, thể hiện đạo lí “uống nước nhớ nguồn”, trong mỗi dịp 27/7. Những hoạt động thiết thực ấy không chỉ làm dịu đi nỗi đau của các thương bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công mà còn góp phần làm cho khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng được củng cố và phát triển như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh.