Đừng đẩy thiệt thòi về phía người dân!
Pháp luật - Bạn đọc 15/04/2021 09:02
Dự án Khu đô thị Mipeco, mục đích của nhà đầu tư là xây dựng các công trình nhà liên kế, chung cư, lô đất biệt thự để bán; khách sạn, trung tâm hội nghị để kinh doanh,… chứ không vì mục đích quốc phòng an ninh; phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng! Mặt khác, khi chủ đầu tư xin bổ sung 2,5ha đất, ông Nguyễn Chiến Thắng đồng ý; nhưng khi thực hiện, ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang ban hành Thông báo số 872/TB-UBND ngày 18/12/2016, lại thu hồi diện tích 43.295,7m2 (4,3ha) của dân.
Như mọi người đã biết: Ông Nguyễn Chiến Thắng, do mắc phải nhiều sai phạm trong quản lí, sử dụng đất đai đã bị cách hết tất cả chức vụ trong Đảng và chính quyền. Còn ông Lê Huy Toàn, đã bị xử lí hình sự, xử phạt tù, trong một vụ án liên quan đến đất đai khác; đồng thời bị cách hết tất cả các chức vụ trong Đảng và chính quyền.
Về nguồn gốc 2,5 hay 4,3ha đất mà ông Thắng, ông Toàn thu hồi để giao thêm cho Công ty Xăng dầu Quân đội là diện tích khai hoang của các hộ dân, nguyên là sĩ quan, công nhân viên quốc phòng của chính Công ty và người dân ở phường Vĩnh Nguyên, nằm ngoài Ô 400, Kho xăng dầu 662 thuộc sự quản lí của Công ty xăng dầu Quân đội. Những năm 1980, tình hình đất nước hết sức khó khăn, để giải quyết một phần khó khăn đó, Đảng và Nhà nước đã kêu gọi toàn quân, toàn dân, khai hoang phục hóa, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, cải thiện đời sống. Hưởng ứng lời kêu gọi đó, các sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên quốc phòng các đơn vị quân đội, tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, tận dụng mọi khoảnh đất trống, đồi núi trọc để trồng trọt chăn nuôi, trồng rừng.
Ô-400, khu xăng dầu quân đội, được giới hạn bởi đường số 10 (nơi có chiếc ô tô con màu trắng đang đậu) đã được triển khai làm Khu đô thị thương mại Mipeco. Phần đất của dân khai hoang phía bên phải sát chân núi Chụt đang có những lùm cây bạch đàn xanh tốt. |
Ông Nguyễn Đức Môn, sinh 1940, là sĩ quan công tác tại Kho 662. Năm 1989 - 1990, khi nghỉ hưu, ông đã đến chân núi Chụt khai hoang được khoảng 5ha. Năm 2004, khi con trai là Nguyễn Đức Thới lập gia đình, ông đã cắt cho con 12.251,9m2. Việc cho này đã được UBND phường Vĩnh Nguyên xác nhận. Tương tự, gia đình ông Nguyễn Cộng Hòa, ông Trần Văn Hồng đều là sĩ quan công tác tại Kho xăng dầu 662 cũng khai hoang mỗi người được một số diện tích từ 3.400m2 (ông Hồng) đến 3.444m2 (ông Hòa) được đồng chí, đồng đội, cán bộ chỉ huy đơn vị xác nhận. Năm 2013, ông Hòa và ông Hồng đến Văn phòng Đăng kí quyền sử dụng đất xin đo vẽ và lập hồ sơ đăng kí quyền sử dụng đất (QSDĐ). Đất của ông Hòa được xác định là một phần thửa số 1, tờ bản đồ số 1, (theo bản đồ lâm nghiệp, phường Vĩnh Nguyên) có 2.346,3m2 thuộc quy hoạch đất quốc phòng (thực ra nằm trong hành lang an toàn kho xăng dầu) và 1.098,1m2 thuộc đất đồi núi chưa sử dụng. Đất ông Hồng có hai thửa. Riêng thửa số 1 (một phần) tờ bản đồ số 1 (theo bản đồ đất lâm nghiệp phường Vĩnh Nguyên) có diện tích 1.597m2 được đo vẽ cùng ông Hòa và được Văn phòng Đăng kí QSDĐ xác nhận có 30,8m2 thuộc quy hoạch đất quốc phòng, còn lại 1.566,2m2 thuộc đất đồi núi chưa sử dụng.
Tuy nhiên năm 2013, cả ông Hòa và ông Hồng chưa được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ (sổ đỏ). Giấy báo số 7776/GB-VPĐK ngày 23/8/2013 của Văn Phòng đăng kí QSDĐ, Phòng Tài nguyên Môi trường TP Nha Trang trả lời ông Hồng, ông Hòa có nội dung: “Chưa thể cấp sổ cho hai ông được vì lí do Kho 662 chưa chuyển đi nơi khác. Theo quy hoạch chung xây dựng TP Nha Trang đến năm 2025 thì kho 662 phải di chuyển đi nơi khác. Khi đó UBND tỉnh sẽ xem xét chỉ đạo các cơ quan chức năng cấp sổ đỏ cho người dân.
Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993, đất của các ông Nguyễn Đức Môn, Nguyễn Cộng Hòa, Trần Văn Hồng đủ điều kiện cấp sổ đỏ. Thực tế, Văn phòng Đăng kí QSDĐ TP Nha Trang chờ khi nào Kho xăng dầu 662 di dời đi nơi khác sẽ xin ý kiến của UBND tỉnh để cấp cho họ. Thế nhưng, chỉ một năm sau (năm 2014) khi UBND tỉnh Khánh Hòa cấp cho Tổng Công ty xăng dầu Quân đội một khu đất mới tại cảng Ba Ngòi, TP Cam Ranh để lập kho xăng dầu thì họ lại xin UBND tỉnh Khánh Hòa sử dụng khu đất Ô-400 làm Khu đô thị và xin thêm 2,5ha đất rừng của người dân nằm ngoài khu kho. Ông Nguyễn Chiến Thắng đã sốt sắng, trả lời đồng ý và ông Lê Huy Toàn còn sốt sắng hơn, thông báo thu hồi của dân 4,3ha để cấp cho Công ty Xăng dầu Quân đội xây dựng khu đô thị để kinh doanh thương mại.
Điều có dấu hiệu chưa đàng hoàng của cơ quan thẩm quyền cũng như chủ đầu tư là thiếu minh bạch giữa vì mục đích an ninh, quốc phòng; lợi ích quốc gia công cộng và lợi ích của nhà đầu tư. Thực tế dự án Khu đô thị Mipeco vì mục đích kinh doanh thương mại của chủ đầu tư, nhưng lại nói “vì mục đích an ninh quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội, lợi ích quốc gia, công cộng”. Từ đó, mượn bàn thu hồi đất của dân và dự kiến bồi thường với gái rẻ mạt, giá đất rừng giữa lòng thành phố, bên cạnh khu đất vàng Ô-400 là hết sức bất công, thiếu công bằng và chưa sòng phẳng về pháp luật. Chính vì thế mà từ khi ông Nguyễn Chiến Thắng có công văn trả lời Công ty xăng dầu quân đội, năm 2014; rồi ông Lê Huy Toàn ra Thông báo thu hồi đất của dân vào năm 2016 đến nay đã 5 năm nhưng các bước thủ tục tiếp theo vẫn ách tắc không triển khai được. Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng do ông Lê Huy Toàn làm Chủ tịch chưa xác định được cụ thể các hộ dân có đất trong diện tích 2,5ha hay 4,3ha. Thậm chí đến nay cả chủ đầu tư và Hội đồng Bồi thường hỗ trợ… chưa xác định được diện tích phải thu hồi là 2,5ha hay 4,3ha? Người dân chỉ biết, khu vực đất của mình bị thu hồi mà chưa được thông báo thu hồi, chưa được thống kê kiểm đếm tài sản; xác định thống nhất phương án bồi thường; UBND TP Nha Trang chưa ban hành quyết định thu hồi đất… Trong lúc đó, khi dân ra sản xuất thì Ban Quản lí dự án Mipeco lại cho người cản trở, thậm chí hủy hoại cây trồng của bà con.
Thực tế, Dự án Khu đô thị Mipeco Vĩnh Nguyên cho thấy, đó là dự án kinh doanh thương mại thuần túy vì lợi ích doanh nghiệp chứ không vì mục đích an ninh quốc phòng, lợi ích quốc gia, công cộng nào hết. Bởi vậy việc thu hồi, bồi thường hỗ trợ phải là sự thỏa thuận giữa doanh nghiệp với người dân theo quy định tại Điều 73, chứ không thể áp dụng theo Điều 62 Luật Đất đai năm 2013. Xuất phát từ thực tế nói trên chúng tôi kiến nghị:
Một là: UBND tỉnh Khánh Hòa hủy bỏ Công văn 3657/UBND-XDNĐ ngày 18/6/2014 do ông Nguyễn Chiến Thắng, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa kí và Thông báo số 872/TB-UBND ngày 17/11/2016 do ông Lê Huy Toàn, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND TP Nha Trang kí; bởi diện tích đất này nằm ngoài Ô-400 và người dân đã sử dụng trước 15/10/1993.
Hai là: Nếu Công ty xăng dầu Quân đội có nhu cầu lấy cả diện tích đất 2,5ha hay 4,3ha nói trên để kinh doanh thương mại như mục tiêu của dự án đã xác định, thì nhất thiết phải thương lượng với người dân có đất để thỏa thuận theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013.
Lâu nay chúng ta vẫn nói: “Chính quyền của dân, do dân, vì dân”; nay thêm một ý là “dân thụ hưởng”. Chính vì thế phải hết sức chú trọng đến quyền lợi của dân. Đừng bao giờ để xảy ra tình trạng lấy của người nghèo giao cho người giàu như lâu nay có lúc, có nơi vẫn xảy ra.
Cần xem xét lại để giải quyết thấu tình, đạt lí Năm 2013, kho xăng dầu quân đội tại đường Tô Hiệu, phường Vĩnh Nguyên, TP Nha Trang được di dời vào Cảng Ba Ngòi, TP ... |