Đưa vào khuôn khổ
Quốc tế 28/03/2024 15:40
Nghị quyết do Mỹ đề xuất và được trên 120 nước đồng bảo trợ, trong đó có Việt Nam, khẳng định các hệ thống AI an toàn, bảo đảm và tin cậy có thể đóng góp tích cực cho nỗ lực thực hiện 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), thúc đẩy hòa bình, bảo vệ quyền con người và thu hẹp khoảng cách số giữa các quốc gia. Mặt khác, nghị quyết cũng chỉ ra mặt trái của AI nếu thiếu cơ chế quản trị phù hợp, nhất là nguy cơ bị lạm dụng cho mục đích xấu, làm xói mòn tính toàn vẹn của thông tin, cản trở phát triển bền vững trên các khía cạnh kinh tế, xã hội và môi trường, làm gia tăng bất bình đẳng...
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ cuối năm 2022, với sự xuất hiện của công cụ ChatGPT, công nghệ AI tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ, ảnh hưởng ngày càng lớn tới nhiều lĩnh vực xã hội. Ứng dụng ngày càng rộng rãi của AI có khả năng tạo ra cách mạng trong nhiều vấn đề trọng yếu, mang đến cơ hội và thách thức đan xen.
Biểu tượng OpenAI và ChatGPT. |
Về kinh tế, số liệu điều tra của OECD cho thấy, AI có khả năng thúc đẩy GDP toàn cầu tăng 14%, tương đương 15,7 nghìn tỉ USD, đến năm 2030; tăng 40% năng suất lao động. Riêng AI tạo sinh có thể đóng góp 4,4 nghìn tỉ USD, giúp cắt giảm 60 - 70% thời gian làm việc. Các tác động của AI đối với kinh tế đến từ hai nhân tố chính. Một là, ứng dụng tự động hóa vào các nhiệm vụ, hoạt động có tính lặp lại, nhất là trong các lĩnh vực thâm dụng vốn như sản xuất và vận tải; áp dụng công nghệ AI vào hoạt động của doanh nghiệp giúp tăng hiệu quả, giảm giờ làm, qua đó giải phóng nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ khác tạo ra giá trị gia tăng. Hai là, AI làm tăng tính cá nhân hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, qua đó kích thích nhu cầu tiêu dùng, đồng thời tạo ra lượng dữ liệu lớn hơn làm đầu vào cho AI.
Đối với xã hội, AI làm thay đổi mối quan hệ giữa các chủ thể trong xã hội, cách thức con người sinh hoạt, làm việc, từ đó đặt ra thách thức mới trong quản trị và xây dựng khuôn khổ pháp luật để điều chỉnh các vấn đề và mối quan hệ mới.
Trong lĩnh vực an ninh, AI có thể hỗ trợ tăng cường bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn xã hội thông qua nâng cao năng lực phòng thủ, tác chiến quân sự, nhất là với các vũ khí tự động, giảm chi phí con người; phòng ngừa, phát hiện rủi ro an ninh phi truyền thống như tấn công mạng, vũ khí sinh học; giám sát, dự báo hành vi đối với các loại tội phạm xã hội.
Đánh giá về sự kiện ĐHĐ LHQ thông qua nghị quyết về AI, ông Lê Văn Chính, Trưởng Văn phòng Đại diện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tại New York (Mỹ) cho rằng, đây là dấu mốc mang tính bước ngoặt, đúng thời điểm, quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với nhân loại. AI đã mang lại lợi ích to lớn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đời sống con người, song một số ứng dụng của AI tạo ra những rủi ro, có thể gây hại cho cá nhân, doanh nghiệp và xã hội ở cả quy mô quốc gia, khu vực và toàn cầu. Thực tế này đòi hỏi cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, thể hiện trách nhiệm cao trong việc phát triển công nghệ AI theo hướng bền vững, công bằng.
Thời gian tới, LHQ và các quốc gia cần nỗ lực để cụ thể hóa nghị quyết quan trọng nêu trên, các nước cần tiếp tục cùng nhau xây dựng khung khổ pháp lí và phát triển công nghệ nhằm quản trị AI hiệu quả, an toàn, bảo đảm và tin tưởng để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và không ai bỏ lại phía sau.
Theo đó, cần phải có cơ chế hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển thì mới đạt được kì vọng như nghị quyết đã đề ra là: “An toàn, bảo đảm, tin tưởng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và không ai bỏ lại phía sau”. Tiếp đó là xây dựng chính sách an toàn, tránh rủi ro với trọng tâm là bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, an ninh phi truyền thống, đặc biệt là quyền con người, đạo đức và minh bạch trong nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI; Cụ thể hóa khung chính sách AI bằng các tiêu chuẩn, quy định tuân thủ pháp lí, bản quyền nhằm bảo đảm tính đạo đức, quyền riêng tư về dữ liệu cá nhân trong AI…