Dự án tái tạo năng lượng ở huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận: Chính quyền vô cớ thu đất của dân giao cho doanh nghiệp!
Pháp luật - Bạn đọc 11/06/2020 12:10
“Vẽ” chuyện để thu đất của dân
Trong các dự án tái tạo năng lượng ở huyện Thuận Nam, có dự án điện mặt trời tại xã Phước Minh, với diện tích 65 ha (trong khu 422 ha đã giao cho dự án) nhưng chỉ có 9 hộ người Chăm là Từ Hữu Xây, Từ Chiên Nữ Si Ti, Báo Thị Trả, Khê Thị Phôn, Phụng Tứ, Chế Thị Thơm, Từ Thị Sáng, Từ Thị Mẫu và Từ Thị Tòa sử dụng trên 33 ha có đơn khiếu nại. Đất này được hỗ trợ 100 triệu đồng/ha, 9 hộ trên kiên quyết không chấp nhận. Nhưng chính quyền vẫn lấy giao cho chủ dự án, bất chấp sự phản đối của các chủ sử dụng đất. Ngày 14/2/2020, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Thuận Nam tiếp tục có Thông báo số 24/TB, mời người có đất đến nhận tiền nhưng cũng không ai đến. Văn bản số 685/UBND ngày 20/4/2018 của UBND huyện Thuận Nam cho rằng: Đất tại đây đã bị trưng dụng cho Nông trường Quán Thẻ năm 1980. Sau đó Nông trường này giải tán, đất được trả lại cho dân. Năm 2002, Nhà nước lại trưng dụng để sản xuất muối công nghiệp. Tại Phương án hỗ trợ, được UBND tỉnh đồng ý, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện cho biết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã kết luận (tại Thông báo số 224/TB - VPCP ngày 22/6/2012 của Văn phòng Chính phủ) mức hỗ trợ đất ở đây là 100 triệu đồng/ha.
Ông Chở và anh Chuyền đã 2 lần bị người của doanh nghiệp đánh. |
Hồ sơ của 9 hộ đồng bào Chăm nói trên cho thấy, đất của họ chưa bị thu hồi hay trưng dụng và không liên quan đến đồng muối công nghiệp. Theo quy định của Luật Đất đai năm 1993; 2003 và 2013, thì đất của các hộ dân ở đây đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Theo quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013 thì các dự án này, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng, thuê hoặc nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà không phải thu hồi! Chính quyền thu đất của dân, giao cho chủ dự án là chưa đúng quy định của pháp luật. Đồng thời giá bồi thường, hỗ trợ là căn cứ quy định của pháp luật, không ai có quyền ấn định.
Người dân cho hay, ngày 18/3/2020, dự án điện mặt trời Phước Minh dùng máy ủi, hủy hoại tài sản, phá ranh giới giữa người này với người khác để lấy đất, do đã được chính quyền tỉnh, huyện giao, trong khi đất dân không bị thu hồi(!?) Chủ đất ngăn cản thì chủ dự án cho côn đồ đánh (cụ thể, em trai bà Từ Thị Mẫu bị đánh trọng thương). Hiện nay, khu vực 60 ha tại thôn Quán Thẻ 1, không chỉ 9 hộ kể trên mà nhiều hộ người Chăm khác không nhận tiền, không giao đất nhưng chủ dự án vẫn ngang nhiên xây dựng.
Chủ dự án chiếm đất đánh dân, chính quyền làm ngơ (!)
Xô xát xảy ra hằng ngày giữa các gia đình mất đất và người được giao đất. Bà Từ Thị Mẫu cho biết: “Hằng ngày, nhà tôi và nhiều hộ vẫn phải giữ đất nhưng bất lực vì người của dự án quá đông, toàn những kẻ xăm trổ đầy mình, rất thô bạo nên không ít người dân bị sứt đầu mẻ trán... Chúng tôi gửi đơn khiếu nại nhưng chính quyền từ xã đến tỉnh đều làm ngơ, mặc cho doanh nghiệp dùng sức mạnh để lấy đất xây dựng dự án”.
Chính quyền địa phương cho rằng, đất của dân đã bị Nhà nước trưng dụng từ năm 2002 để sản xuất muối công nghiệp là không đúng với thực tế. Trưng dụng đất chỉ trong trường hợp khẩn cấp như chiến tranh hay thiên tai mà cũng chỉ trưng dụng một thời gian rồi trả lại. Làm gì có chuyện sản xuất muối mà trưng dụng đất, làm gì có chuyện trưng dụng đất suốt 18 năm không trả? Thực tế là từ năm 1973 đến nay, người dân vẫn sử dụng đất này để trồng màu và chăn thả gia súc. Câu hỏi đặt ra, nếu đất dân bị trưng dụng thì thời hạn bao lâu, theo Quyết định nào, ai kí?
Trường hợp này giống với 40 ha đất của 36 hộ ở xã Thanh Hải, huyện Ninh Hải cũng thuộc tỉnh này! Để thu hồi 40ha đất của dân, UBND huyện Ninh Hải “vẽ” ra chuyện, đất này đã đưa vào HTX nông nghiệp. Báo (nay là Tạp chí) Người cao tuổi nhiều lần phản ánh và đã chứng minh ở đây không có HTX Nông nghiệp vì nhiều đặc điểm. Còn ở huyện Thuận Nam lại “vẽ” ra chuyện là đất đã bị trưng dụng. Nhưng dù đất đưa vào HTX hay bị trưng dụng thì vẫn là đất của các hộ dân, họ không bị mất quyền sử dụng. Không thể có chuyện cứ “vẽ” ra bất cứ lí do gì để thu hồi đất của dân (vụ 40ha đất nói trên, huyện Ninh Hải và tỉnh Ninh Thuận đã “đuối lí” nhưng chưa chịu gỡ bỏ “phong tỏa”).
Căn cứ hồ sơ và thực trạng sử dụng đất, Tạp chí Người cao tuổi thấy rằng: Một, không có chuyện Nhà nước trưng dụng đất của dân kéo dài từ năm 2002 đến nay vẫn chưa trả. Hai, đất của dân sử dụng hoàn toàn hợp pháp, chính quyền các cấp nên công nhận. Ba, các dự án điện mặt trời hay điện gió ở huyện Thuận Nam, sử dụng vốn ngoài ngân sách, không thuộc trường hợp thu hồi đất quy định tại các Điều 61; 62 mà thuộc quy định tại Điều 73 Luật Đất đai năm 2013. UBND tỉnh Ninh Thuận cần hướng dẫn chủ đầu tư gặp dân để thương thảo việc chuyển giao quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật. Chính quyền huyện Thuận Nam và các nhà đầu tư cần kiên quyết sửa sai, đừng để sa lầy kéo dài. Riêng chủ dự án điện mặt trời Phước Minh dùng côn đồ “xử” dân, yêu cầu nhà đầu tư phải xin lỗi, bồi thường cho người bị hại hoặc chỉ đạo khởi tố vụ án hình sự. Nhà đầu tư phải có văn hóa, có đạo đức, biết tôn trọng pháp luật. Việc xô xát diễn ra hằng ngày tại các dự án tái tạo năng lượng ở đây là lỗi của UBND tỉnh, UBND huyện sở tại và chủ dự án. Cần thiết phải đình chỉ mọi hoạt động của dự án để giải quyết xong tranh chấp quyền sử dụng đất mới được hoạt động. (Còn tiếp)