Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: Dân thiệt hại do bồi thường và cưỡng chế trái luật (Tiếp theo kì trước)
Pháp luật - Bạn đọc 01/11/2019 09:22
Bịa đặt để rút tiền bồi thường, hỗ trợ của dân
Các hộ dân xã Quảng Nghĩa khiếu nại, vì đất sử dụng ổn định bị quy là đất bỏ hoang, hoặc lấn chiếm… để không bồi thường. Nhưng… xã lấy đâu ra đất mà bảo dân lấn chiếm? Nếu xã có đất, phải chứng minh nguồn gốc, được cấp nào giao, bằng quyết định nào? Thực tế pháp luật quy định, chính quyền cấp xã chỉ có quyền duy nhất với quỹ đất công ích, diện tích không quá 5% tổng diện tích đất nông nghiệp của địa phương. Việc khiếu nại ao, đầm ven biển và ao, đầm nội địa của dân ở đây cũng không kém gay gắt. Ao đầm nuôi tôm của dân bị coi là ao đầm ven biển, để không bồi thường hoặc là chỉ bồi thường với giá rẻ như không bồi thường. Việc bồi thường căn cứ vào xác minh nguồn gốc đất của UBND xã sai sự thật, nhưng dân khiếu nại thì cũng giống như… kêu trời (!). Vì kêu không bao giờ thấu. UBND TP Móng Cái dùng cụm từ “đất bỏ hoang”, nhưng không hiểu thế nào là bỏ hoang. Bà Lê Thị Nhung và ông Phạm Lâm Tùng đều sử dụng đất từ năm 1998, đến năm 2013 bị hỏa hoạn, nhưng họ vẫn sản xuất bình thường. Ngày 10/6/2018, UBND xã Quảng Nghĩa có biên bản xác minh, thì bà Nhung, ông Tùng vẫn sử dụng đất. Vậy mà, UBND TP Móng Cái bảo đất họ bỏ hoang để không bồi thường. Những quy kết nêu trên là rất tùy tiện, trái sự thật và trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại rất lớn cho người dân. Đó là chưa kể những công trình họ tạo dựng trên đất như: Bờ ao, đầm; cây cối, nhà cửa; máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất… cũng bị từ chối bồi thường. Không lẽ, UBND TP Móng Cái có luật riêng?
Hai văn bản trái luật của UBND tỉnh Quảng Ninh
Làm việc với phóng viên Báo Người cao tuổi, ông Nguyễn Thanh Hải, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Móng Cái cho biết, các trường hợp thuộc xã Quảng Nghĩa, do Trung tâm Phát triển qũy đất, thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện, lập phương án bồi thường, hỗ trợ thiếu chính xác, do căn cứ vào xác minh nguồn gốc đất của UBND xã. Còn việc xác định ao, đầm ven biển và ao, đầm nội địa, ông Hải cho hay: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, đầm nước ngọt mới được công nhận là ao đầm nội địa. Do đó, phải căn cứ độ mặn của nước để phân loại ao, đầm. Không hiểu UBND tỉnh Quảng Ninh đã có quyết định về việc này hay chưa, nhưng UBND TP Móng Cái thì đã thực hiện, phân biệt hai loại ao, đầm. Theo đó, đất ao, đầm “nội địa” được bồi thường 23.000 đồng/m2 (là đã quá thấp), vậy mà hàng loạt người có ao, đầm trong đê biển quốc gia, bị chính quyền quy là ao, đầm ven biển, để bồi thường 10.000 đồng/m2. Luật Đất đai chỉ phân biệt đất trồng cây hằng năm, đất trồng cây lâu năm, đất làm muối… với đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản (dù là nuôi con gì thì giá trị đất ao, đầm vẫn thế), nhưng tỉnh này căn cứ vào độ mặn của nước để phân biệt hai loại ao, đầm giá trị khác nhau. Điều này trái với Luật Đất đai.
Hồ sơ “xin thuê đất” của xã bị làm giả, ông Cảnh không công nhận các chữ kí là của ông. |
Ngày 25/9/2018, UBND tỉnh Quảng Ninh có Văn bản số 7050/UBND-QLĐĐ, đồng ý hỗ trợ 30% giá đất nông nghiệp cho các trường hợp: Đất không sử dụng ổn định, liên tục… Vậy thế nào là đất không sử dụng ổn định liên tục? Văn bản này cũng trái luật nốt. Luật Đất đai năm 2013 không cho phép địa phương quy định một loại đất khác để định giá bồi thường. Nhưng dựa vào hai quy định trái luật nêu trên, UBND TP Móng Cái đã vẽ ra đủ điều, để từ chối bồi thường cho đất sử dụng ổn định hàng chục năm, gây thiệt hại cho người dân rất lớn.
Thấy gì qua một số vụ khiếu kiện?
Làm việc trực tiếp với Trung tâm Phát triển qũy đất TP Móng Cái, cơ quan này không quanh co mà còn thừa nhận sai phạm, nhưng 6 tháng trôi qua, mọi chuyện đâu vẫn còn đó. Công ty Hương Thu, khối lượng đất đào đắp rất lớn, nhưng chính quyền chỉ ghi nhận rất ít. Công ty yêu cầu đo đạc kiểm đếm lại tài sản bị giải tỏa. Ông Lương Văn Cảnh yêu cầu làm rõ việc cáo buộc ông thuê đất của xã; ông Lê Cao Nguyên, ông Nguyễn Văn Trại, ông Bùi Văn Ngọc, ông Nguyễn Văn Hảo yêu cầu công khai họ “vi phạm pháp luật” cụ thể là gì, nhưng UBND TP Móng Cái im lặng, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tiếp tục làm ngơ, để rồi người dân bị cưỡng chế oan, đã bị mất uy tín, mất danh dự, còn bị Công an, cán bộ ngược đãi và thiệt hại thêm tài sản không đáng có. Đặc biệt, tài sản ông Lương Văn Cảnh bị tịch thu, đã 3 lần gia đình đến xin lại để có tài liệu mà kêu cứu, có sách vở cho trẻ em đến trường, nhưng UBND xã Quảng Nghĩa không chịu lập biên bản trả, nên ông vẫn chưa được nhận lại.
Hiện trường cưỡng chế của gia đình ông Lương Văn Cảnh |
Tại sao Công an, cán bộ, công chức là công cụ của dân, nhưng dân không vi phạm pháp luật mà bị Công an, cán bộ xử lí, ngược đãi? Vì sao ông Cảnh, ông Quảng, ông Ngọc bị tước đoạt điện thoại, bị xóa hình ảnh họ ghi lại? Bởi vì những hình ảnh ấy là bằng chứng tố cáo chính quyền vi phạm pháp luật, bắt bớ, tịch thu tài sản, đối xử thô bạo với dân trong khi dân không chống đối. Ông Ngọc, ông Hào, ông Trại, ông Oanh… sau khi chứng kiến ông Quảng bị bắt, gia đình ông Cảnh bị “hốt” cả 10 người cùng toàn bộ tài sản, nên đã đưa người thân tránh đi, còn mình ở lại chứng kiến cưỡng chế, nhưng nhà chức trách vẫn không từ bỏ ý định bắt họ. Nếu chính quyền làm đúng, không mất dân chủ, thì việc gì phải bắt người, việc gì phải tước đoạt điện thoại để xóa hết hình ảnh cưỡng chế do người dân ghi lại?
Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái không chỉ có bấy nhiêu người kêu oan, mà còn rất nhiều người nữa, trong phạm vi một bài viết không thể nêu hết mọi người, mọi chuyện. Nhưng vì sao UBND TP Móng Cái lại hạ thấp tiền bồi thường, hỗ trợ của dân như vậy? Việc này chắc chắn là vì lợi ích nhóm. Tỉnh ủy, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Ninh cần vào cuộc xem xét tư cách của các cán bộ này, không để họ tiếp tục gây hại cho dân.