Dự án Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh: Dân thiệt hại do bồi thường và cưỡng chế trái luật
Pháp luật - Bạn đọc 30/10/2019 13:42
Bồi thường theo luật nào?
Công ty TNHH Hương Thu bị thu hồi gần 7ha ao đầm nuôi tôm (đất thuê của UBND tỉnh thời gian đến 31/12/2025). Là vùng nuôi tôm công nghiệp tập trung, nên Công ty phải đầu tư xây dựng hiện đại: Có hệ thống đê bao, kênh mương, đường giao thông nội vùng, trạm bơm... kiên cố. Gần 7ha ao đầm này, khối lượng đào đắp hàng chục vạn mét khối, riêng hai hạng mục là con kênh 45.000m3 (dài 500m, rộng 30m, sâu 3m) và hạ cốt đầm 76.076m3 (69.160m2 sâu 1,1m) chi phí trên 11 tỉ đồng (đơn giá 92.448 đồng/m2 do UBND tỉnh quy định), đó là chưa tính khối lượng đắp. Nhưng toàn bộ công trình bị thu hồi chỉ được bồi thường 2,12 tỉ đồng. Bà Vi Thị Bé, Giám đốc Công ty Thu Hương cho rằng, bồi thường như vậy, chưa đến 7% (thiệt hại 100, chỉ bồi thường 7). Đó là chưa kể nhiều tài sản như cống bê tông, bạt đen lót bờ đầm, tôm, cua, cá… chưa thu hoạch. Nhưng Công ty Hương Thu, yêu cầu đo, kiểm đếm lại, có sự chứng kiến của Công ty, xác định lại tài sản bị thiệt hại, gần một năm, UBND TP Móng Cái không giải quyết. Không hiểu chính quyền ở đây thực hiện quy định nào của luật pháp?
Bà Vi Thị Bé, Giám đốc Công ty Hương Thu đang cho biết, khối lượng đào đắp kênh mương không được tính |
Sau thu hồi, nhiều diện tích bị chia cắt không còn sử dụng được, nhưng không bồi thường, hỗ trợ. Trong khi khiếu nại của Công ty chưa giải quyết, thì ngày 9/4/2019, UBND TP Móng Cái thi hành quyết định cưỡng chế, gây thêm thiệt hại không đáng có. Công ty Hương Thu nuôi trồng và kinh doanh các mặt hàng hải sản xuất khẩu, mỗi ngày có 5 - 7 xe đông lạnh đến bán hàng, bình quân mỗi ngày thu lãi 10 triệu đồng. Từ khi bị cưỡng chế đến nay là 205 ngày, không còn xe đến bán hàng, làm Công ty mất 1.380.000.000 đồng.
Tước đoạt của dân để có lợi cho ai?
Ông Lương Văn Cảnh, 78 tuổi, bị thu hồi 14.000m2 gồm nhà, chuồng trại, ao đầm nuôi trồng thủy sản, hàng ngàn cây keo cây ăn quả. Đất này ông mua của ông Phạm Huy Cầm (tạo lập từ năm 1991) nhưng chính quyền bảo là ông thuê đất của xã, để không bồi thường. Ông nói, đơn xin thuê đất, sơ đồ thửa đất xin thuê, là 2 tài liệu giả mạo chữ kí của ông. UBND TP Móng Cái 3 lần đưa phương án bồi thường: Lần đầu tiền bồi thường là 880 triệu đồng, ông không đồng ý, sau đó số tiền bồi thường giảm dần, chỉ còn 208 triệu đồng. Trong khi khiếu nại của ông chưa được giải quyết, thì UBND TP Móng Cái tổ chức cưỡng chế, ông cho gia đình chuyển toàn bộ tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế, nhưng biết đó là tài sản của gia đình ông Cảnh, Đoàn cưỡng chế cho hốt mang đi hết. 10 người trong nhà từ cụ già 80 đến đứa trẻ 3 tuổi bị áp giải về Công an thành phố, giấy tờ tùy thân và tài liệu về đất đai bị thu hết. Hải sản trong các ao bị đánh bắt rồi phá bờ, tháo cống để tôm, cá ra biển; gà, vịt mất… khó mà kể hết… Nhiều người dân chứng kiến cuộc cưỡng chế nói: “Thật khó tin là Công an và cán bộ chính quyền lại thô bạo với người dân đến như vậy?”
Một góc khu đầm nuôi tôm của Công ty Hương Thu bị thu hồi |
Ông Nguyễn Văn Quảng bị thu hồi 1.107,1m2, nhưng chỉ bồi thường 19 triệu đồng (chưa bằng 1/10 số tiền đầu tư). Giá đất được bồi thường là 17.000 đồng/m2, không hiểu bồi thường kiểu gì lạ? Ông cho biết: “Trong khi chưa giải quyết khiếu nại, thì ngày 19/2/2019, tôi nhận được quyết định cưỡng chế rồi ngày 9/4/2019, bị cưỡng chế. Tôi dùng điện thoại ghi lại hình ảnh cuộc cưỡng chế, thì bị Công an bắt nhốt suốt một ngày”.
Sao lại làm trái gây hại cho dân?
Ông Hoàng Văn Oanh, xã Quảng Nghĩa, bị thu hồi 4.067m2 ao hồ, tạo lập từ năm 1992, nhưng chỉ 2.855,4m2 được bồi thường giá 10.000 đồng/m2. Diện tích còn lại chỉ được hỗ trợ 30%. Những đầu tư khác cho nuôi trồng thủy sản… không được bồi thường. Ban đầu tiền bồi thường hỗ trợ là 285.540.000 đồng, ông khiếu nại nên bị rút xuống còn 188.963.647 đồng. Ông Nguyễn Văn Trại, xã Quảng Nghĩa, bị thu hồi 1.542,6m2 đất nông nghiệp sử dụng từ năm 1987, nhưng chỉ bồi thường 12 triệu đồng, lí do là “Căn cứ Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai năm 2013”. Ông Bùi Văn Ngọc, xã Quảng Nghĩa, có 2.600m2 ao đầm nuôi tôm, ông đầu tư hàng trăm triệu đồng, bị thu hồi 1.120m2, UBND TP Móng Cái nói là đất vi phạm Điều 64 Luật Đất đai, để không bồi thường. Ông Nguyễn Văn Hảo sử dụng 4.589,4m2 tại xã Quảng Nghĩa từ năm 2005, do nhận chuyển nhượng của ông Phạm Huy Cầm, không bị tranh chấp, nhưng chính quyền TP Móng Cái nói ông vi phạm Luật Đất đai, để không bồi thường. Ông Hảo khiếu nại chưa được giải quyết thì bị cưỡng chế.
Hiện trường GPMB khu đất, đầm nuôi thủy sản của gia đình ông Cảnh |
Ông Lê Cao Nguyên, xã Quảng Nghĩa, bị thu hồi 19.593m2 nhưng chỉ bồi thường 5.280,4m2; còn 14.312,6m2 không bồi thường, “vì áp dụng Điều 64 Luật Đất đai năm 2013…”, tức vi phạm pháp luật về đất đai. Điều 64 Luật Đất đai quy định 9 điểm vi phạm, ông Nguyên, ông Trại, ông Ngọc và ông Hảo vi phạm điểm nào? Tại sao không thu hồi theo Điều 64 Luật Đất đai mà lại thu hồi… ăn theo Dự án cao tốc Vân Đồn - Móng Cái? Ông Nguyên sử dụng 20.000m2 đất ổn định, bị thu hồi trên 80% nhưng chỉ bồi thường 27% diện tích, còn lại chỉ hỗ trợ 30% giá đất. Có 12.088m2 chính quyền xác định sai là đất rừng sản xuất, giá 5.200 đồng/m2. Thửa số 90, diện tích 687,9m2, không bồi thường và 1.000m2 trồng cây keo, bị quy sai là đất rừng sản xuất. Điều 20 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP, quy định hỗ trợ đào tạo nghề và tìm kiếm việc làm là không quá 5 lần giá bồi thường đất. Diện tích được bồi thường của ông đã thấp, đơn giá cũng rất thấp mà khoản hỗ trợ này chỉ có 2,5 lần. Còn hỗ trợ ổn định đời sống thì gia đình ông có 2 hộ, mà chỉ hỗ trợ một hộ, nên ông chưa nhận. Trong khi khiếu nại chưa được giải quyết, thì chính quyền đã cưỡng chế. (Còn nữa)