Đồng tiền riêng của BRICS liệu có khả thi?
Quốc tế 03/07/2023 10:20
BRICS đang tích cực xem xét giao dịch nội khối bằng đồng tiền riêng. Điều này sẽ không chỉ thúc đẩy thương mại nội khối BRICS mà còn loại bỏ chi phí chuyển đổi USD cao trong các giao dịch quốc tế.
Bước đầu tiên, các quốc gia thành viên do Ấn Độ và Trung Quốc dẫn đầu đã thúc đẩy các thỏa thuận thương mại song phương bằng tiền tệ quốc gia. Sau quá trình chuyển đổi sang giao dịch tiền tệ quốc gia được thực hiện, BRICS sẽ tích cực xem xét giới thiệu và lưu hành một loại tiền kĩ thuật số hoặc một loại tiền thay thế.
Tuy nhiên, mỗi quốc gia BRICS ủng hộ sáng kiến mới này vì những lí do khác nhau. Nga và Trung Quốc đang đi đầu trong động thái phi USD hóa vì lợi ích chính trị riêng. Nga nỗ lực tránh các lệnh trừng phạt của Mỹ bằng cách thách thức hệ thống tài chính do đồng USD thống trị, trong khi Trung Quốc thúc đẩy và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ (NDT) như một giải pháp thay thế. Vì hơn 17% dự trữ ngoại hối của Nga là bằng NDT, nên Moskva có xu hướng giao dịch bằng NDT nhiều hơn.
Quy mô kinh tế của khối BIRCS lớn hơn Mỹ |
Mặt khác, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil cũng có những lí do thực dụng để ủng hộ động thái này. Sự thống trị của đồng USD trong các giao dịch quốc tế giảm đi sẽ giúp các quốc gia vốnđang phải đối mặt với tình trạng khan hiếm đồng đô la Mỹ này dễ dàng hơn trong việc trả các khoản nợ cho các tổ chức quốc tế.
Câu hỏi quan trọng tiếp theo về loại tiền tệ mới là liệu BRICS có đáp ứng các tiêu chí cần thiết để xây dựng một loại tiền tệ toàn cầu so với Mỹ hay không?
Theo Ngân hàng Thanh toán Quốc tế, USD là đồng tiền được giao dịch nhiều nhất, chiếm gần 90% giao dịch ngoại hối toàn cầu. Một trong nhữnglí do khiến đồng đô la Mỹ trở thành thống trị là do Mỹ là nền kinh tế lớn nhất thế giới với GDP khoảng 25 nghìn tỉ USD, chiếm 24% GDP của thế giới. Thu nhập quốc dân của một quốc gia càng lớn thì nhu cầu về tài sản của quốc gia đó càng lớn, dẫn đến nhu cầu nắm giữ đồng tiền của nước đó càng lớn. Khối BRICS có tổng GDP hơn 32 nghìn tỉ USD, chiếm 31,59% GDP thế giới. Nói chung, BRICS dự kiến quy mô sức mạnh kinh tế lớn hơn nhiều so với Mỹ…
Nhưng với các nước như Ấn Độ thì phải vượt qua những thách thức nào khi áp dụng đồng tiền mới của BRICS?
Thách thức quan trọng nhất là ý định chính trị đằng sau việc phi USD hóa. Trong nỗ lực thúc đẩy giao dịch bằng các loại tiền tệ quốc gia, Nga sẽ ưu tiên giao dịch bằng đồng NDT hơn so với đồng Rupee của Ấn Độ,bất chấp thỏa thuận Rupee - Rúp giữa New Delhi và Moskva. Điều này sẽ dẫn đến xung đột lợi ích và nguy cơ xảy ra tranh chấp trong khối có thể làm gián đoạn bước đầu tiên, tức là quá trình chuyển đổi sang tiền tệ quốc gia, khiến các thành viên có thể gặp khó khăn trong việc giới thiệu một loại tiền tệ chung thay thế.
Thách thức thứ hai là sự phụ thuộc ngày càng tăng vào Trung Quốc khi BRICS hướng tới việc trở thành một liên minh tiền tệ như EU. Điều này rất có thể xảy ra vì Trung Quốc chiếm tỉ trọng lớn trong GDP của BRICS. Thách thức thứ ba là rủi ro phát sinh từ sự biến động tỉ giá hối đoái ở một quốc gia thành viên…
Nhìn chung, những vấn đềtrên làm dấy lên nghi ngờ về sự sẵn sàng của Ấn Độ trong việc áp dụng đồng tiền chung trong BRICS. Do sự khác biệt giữa các thành viên BRICS, không rõ liệu lợi ích của một đồng tiền chung có lớn hơn những tác động tiêu cực mà nó mang lại hay không. Mặc dù một loại tiền tệ thay thế sẽ giúp giảm chi phí chuyển đổi USD trong thanh toán quốc tế, nhưng các thành viên BRICS có thể phải thận trọng trước khi hướng tới việc xây dựng một loại tiền tệ mới, vì nó có thể đi ngược lại lợi ích chính sách đối ngoại của mỗi nước…