Dông dài chuyện xe ghép...
Đời sống 21/12/2023 09:12
Chưa kịp... hí hửng
Một lần xong việc ở Việt Trì (Phú Thọ), phải xuôi về ngay Hà Nội, tôi tính đón xe khách từ mạn ngược xuống, tới bến xe Mỹ Đình chuyển sang xe buýt, đi bộ về nhà. Thấy vậy, các cháu nói sẽ gọi xe ghép. Lần đầu nghe “xe ghép” thì ra đó là loại xe ít chỗ không gắn mào taxi, đón khách tận nơi, đưa tới chốn. Đúng vậy, xe 4 chỗ tới đón ngay, vun vút chẳng mấy chốc tới cầu Thăng Long, không về bến xe Mỹ Đình mà rẽ ngang đưa tôi về tận nhà, khỏe re. Cước đắt hơn xe khách, bù lại được ngả ngớn cả hàng ghế sau êm ru.
Lần khác, đi Hải Dương, từ nhà ra xe buýt 03 tới bến Gia Lâm đi tiếp xe buýt 202. Xe xuất bến đúng giờ chắc mẩm sẽ tới sớm, ai dè ít khách, xe rì rì “vớt” người dọc đường, muộn hơn tiếng đồng hồ, nhỡ việc. Lượt về Hà Nội, người nhà gọi xe ghép loại 4 chỗ, một mình một “ngựa” phi thần tốc về đến nhà, oai như đại gia.
Ảnh minh họa |
Nghĩ là phát hiện mới vừa kể đã bị bè bạn ở quê cười phá lên. Ngượng, chính mình mới nhà quê. Bạn cùng làng kể, mỗi tháng phải tới Hà Nội lấy thuốc (diễn giải là bệnh nhân tiểu đường ngoại trú chuyên nghiệp, đúng ngày hẹn hằng tháng ra Bệnh viện nội tiết Trung ương khám, lĩnh thuốc). Sáng, xe đón đầu ngõ, trên xe đã có mấy người, chạy một mạch tới Hà Nội, người gần trả trước, người xa nhất xuống sau cùng. Chiều, nhà xe hẹn đón, trả khách xa sau, gần trước. Cước phí vô tư. Hí hửng, lẽ chăng đây là sự lựa chọn mới trong ma trận phương tiện đi lại thời nay.
Lại chuốc cái bực...
Bén duyên xe ghép, có việc ông bà về quê sớm, dù tiện tuyến buýt vẫn chọn xe ghép, tốn hơn nhưng để được việc. Xếp làn, gói đồ gọi xe ghép. Đầu máy bên kia nhanh nhảu, cháu đến ngay. Hấp tấp ra điểm chờ. 15 rồi 30 phút… vẫn bặt tăm! Giục hỏi - Đáp: Xe sắp tới! Chờ tiếp nửa tiếng vẫn không, thêm chừng nửa giờ xe mới tới. Bà nhà tôi mặt bừng bừng định lên tiếng, tôi ngăn: Có xe rồi, dồn bực vào tay lái, nhỡ cái mang vạ. Cả hai bậm môi. Chưa tan cơn tức, đi một đoạn chợt thấy xe vòng lại, giật mình hỏi: Sao thế? - Dạ đón thêm khách, ông bà thông cảm. Bó tay, chả nhẽ đùng đùng xuống giữa đường nhưng còn đống đồ lề kềnh càng. Rồi cũng tắc đường, đến Gia Lâm lại đón thêm khách. Điện thoại từ quê gắt gỏng: “Chưa về à, khách khứa đông đủ chờ cả tiếng rồi”. Bụng như có lửa đốt. Xuống xe mọi bực dọc từ sáng bà xã dồn cả vào tôi: “Thôi nhé, cạch đến già xe ghép!”.
Một lần từ quê ra Hà Nội. Đón xe buýt phải đi bộ cả cây số mới tới tuyến đường, đành gọi xe ghép, thỏa thuận giá, chờ. Nhoáng cái, tel: Ông đặt xe phải không? - Đúng rồi! - Cháu đến ngay. Yên trí là xe đã gọi, tót ghế trên. Được nửa đường: “Ông cho xin tiền”. Đưa tiền như thỏa thuận trước, anh ta dơ ngón tay ra hiệu phải ngần này tiền, rồi giải thích: “Người ông gọi không chở “bắn” cho cháu đón, xe khác giá cũng khác ông ạ”. Chép miệng, thêm vài chục bạc, nhỡ máu dồn lên não chả bõ, song cục tức vẫn theo về nhà.
4 người gọi taxi. Xe đến không biết đã bị “bán” cho xe ghép, hỏi đi khoán hay cây số thì gọn lỏn: “Mỗi xuất lít rưỡi” (150 nghìn đồng). Nhẩm nhanh đắt hơn taxi. Bực, nếu bỏ cầm chắc bị lẩm bẩm văng tục, chửi thề.
Loằng ngoằng khác
Vốn chẳng muốn làm phiền ai, gọi được xe đứng chỗ thoáng, dễ đón. Song có người gọi xe rồi ngồi nhà buôn dưa lê, có phôn mới lững thững ra, lại chia tay lưu luyến mới gieo mình vào ghế. Chờ bất đắc dĩ, lái xe bực một, người đi ghép tức mười.
Có cậu mợ xe chạy một đoạn, giật giọng đòi dừng vào Shop mua thêm đồ. Chờ mươi mười lăm phút, bằng cả tiếng. Ngõ Hà Nội đã hẹp lại bị hàng quán lấn chiếm, song cứ buộc lái xe đón tận nhà. Vào, xe nhích từng mét đã khó, quay ra càng vất vả. Điều hòa mở hết tốc, xe hầm hập, người hâm hấp. Thấy lái xe áp điện thoại vào tai, thì ra đầu kia là người đặt chính xe này đang chờ, gay gắt: “Cả tiếng đồng hồ vẫn chưa tới hả?” - “Vâng, sắp tới rồi!”. Ái ngại cho khách đặt xe ở tận quận Hà Đông khi xe đón đang trả khách cuối ngõ phố Vọng, Hà Nội. Mới hay những lần lái xe qua loa điện thoại “Sắp tới rồi” là thế.
Vẫn biết đã qua cái thời “Chuyến xe bão táp”. Nay xe các loại lũ lượt xuôi ngược, tinh mơ đã có, tối khuya vẫn dễ, mưa hay nắng cũng sẵn. Taxi thì eo hẹp túi tiền. Xe buýt đã chậm rồi phải nối tiếp bằng xe ôm, rẻ mà thành đắt, có khi nhỡ việc. Xe khách có chuyến lèn như cá hộp. Xe lửa vắng nhưng phải có tuyến, lên tàu chờ khởi hành. Ước xe riêng nhưng tuổi đã hết “đát” thi lấy bằng, nhờ “tài xế người nhà” không phải lúc nào cũng sẵn sàng. Bước đường cùng, xe ghép thì thế.