Đổi mới giáo dục: Bao giờ mới hết làm từ ngọn?
Giáo dục 22/04/2021 14:58
Hiện ba bộ sách đã được chuyển về cho các địa phương lựa chọn và đặt hàng nhà xuất bản. Toàn ngành giáo dục có 5 tháng để hoàn tất in ấn, phát hành sách giáo khoa, tâp huấn giáo viên giảng dạy sách gia khoa mới trong đó có nhiều môn được tích hợp.
Có hay không lặp lại tình trạng vừa học vừa đợi sách?; Giáo viên nào sẽ được lựa chọn đủ trình độ để dạy những môn học tích hợp trong khi họ chỉ được đào tạo để dạy đơn môn?. Học sinh sẽ tiếp nhận môn học ra sao (dùng một vở hay nhiều vở ghi môn học tích hợp)? Và giáo viên bộ môn nào là người chịu trách nhiệm chính trong môn tích hợp... là những câu hỏi đặt ra trước thời điểm thay sách giáo khoa mới.
Bộ sách lớp 6 |
Khó đạt được 100% kỳ vọng của nhà viết sách
Tạm bỏ qua những lo lắng của phụ huynh học sinh về sự tiếp nối kiến thức của những bộ sách giáo khoa giữa các khối học (sách giáo khoa cũ và mới), thì việc đáng bàn nhất lúc này có lẽ là đội ngũ giáo viên dạy bộ môn tích hợp. Theo nhóm biên soạn, để không gây quá tải cho giáo viên, việc thiết kế chương trình, mỗi môn học đều có từng phần tương ứng với kiến thức thuộc lĩnh vực chuyên môn đảm bảo mỗi thầy cô sẽ giảng dạy phần của mình. Nghĩa là để hoàn thành môn học tích hợp, sẽ có từ hai đến ba giáo viên từng dạy đơn môn khác nhau kết hợp để hoàn thành môn học. Việc tích hợp này có lợi ích là giảm số lượng đầu sách giáo khoa, nhưng sẽ làm học sinh khó tổng hợp kiến thức nếu không có cách sắp xếp, bố trí khoa học vở ghi chép trên lớp. Bởi sẽ có rất nhiều em dùng quyển vở ghi chung cho môn học, hoặc ghi riêng từng môn như trước đây, để nắm chắc kiến thức của từng môn học (Hóa, Sinh, Lý và Sử, Địa) trong môn học tích hợp. Dù với hình thức nào, thì môn tích hợp cũng sẽ làm khó thầy và trò trong một khoảng thời gian nhất định để có thể thích nghi và có những đánh giá cần thiết. Tuy nhiên, đứng ở góc chuyên môn, và trên tinh thần đổi mới giáo dục, việc thiếu một cái nhìn tổng thể từ xây dựng kế hoạch biên soạn sách giáo khoa, đến đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy môn tích hợp đã gây ra không ít hệ lụy.
Hiện các địa phương đang tăng tốc tiến độ tập huấn giáo viên giảng dạy môn tích hợp, nhưng với quỹ thời gian không còn nhiều cộng với tâm lý bị động, e rằng việc tiếp thu và truyền đạt lại kiến thức của thầy cô cho học sinh sau khi hoàn thành tập huấn ít nhiều sẽ kém hiệu quả. Chưa kể, thời gian đi tập huấn, chương trình giảng dạy của thầy cô trên lớp cũng bị ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến học sinh.
Ảnh minh họa |
Tạo sự ổn định trong giáo dục
Giáo dục vốn là lĩnh vực để lại những tác động mạnh mẽ nhất đến đời sống xã hội, làm giáo dục không tốt, không chỉ ảnh hưởng đến một cá nhân mà là cả một thế hệ, chính vì lẽ đó, mọi quyết sách trong giáo dục đều phải được nhìn nhận thấu đáo, cân nhắc chu toàn để vừa không bị tụt hậu (lặp lại chính mình) vừa theo kịp xu hướng chung của thế giới. Đây cũng chính vấn đề mà Bộ Giáo dục & Đào tạo cần phải tính đến trước khi đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt.
Còn nhớ, cách thời điểm hiện tại 40 năm, chương trình cải cách giáo dục từ sách giáo khoa đầu tiên được thực hiện; chuyển từ giáo dục 11 năm sang 12 năm và duy trì đến nay. Việc thay hoàn toàn sách giáo khoa, quy định lại chữ viết và kéo dài thêm bậc học cơ sở từ 3 lên 4 năm đã sản sinh ra một thế hệ học sinh già dặn hơn và viết chữ xấu hơn, rời rạc hơn nếu như không muốn nói chỉ toàn que với gậy. Sau đợt cải cách chữ viết và nhận lại sản phẩm lỗi, sự quay trở lại lối viết truyền thống có nét thanh nét đậm, nét hoa... đã được thực hiện. Gần đây hơn, tháng 9/2008, Thủ tướng Chính phủ chính thức phê duyệt Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020 hướng tới đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân, triển khai chương trình dạy và học ngoại ngữ mới ở các cấp học, trình độ đào tạo. Đề án có nguồn kinh phí lên tới 9.300 tỷ đồng nhưng đến nay đã hoàn toàn thất bại. Không bàn đến những chỉ số mà Đề án đã xây dựng trước đó cho từng đối tượng cụ thể, chỉ bàn đến sách giáo khoa được biên soạn cho từng cấp học phổ thông đã có vô vàn những bất cập. Tình trạng vừa học vừa đợi sách giáo khoa năm nào cũng diễn ra ở tất cả các khối, chưa kể mỗi trường lựa chọn một loại sách khác nhau do trình độ giáo viên chưa được chuẩn hóa (giáo viên chưa có chứng chỉ ngoại ngữ theo chuẩn châu Âu). Thành thử việc thi chuyển cấp ở bộ môn tiếng Anh gặp không ít khó khăn, kéo theo điểm trung bình môn tiếng Anh luôn ở mức thấp. Đây là hệ quả của việc xây dựng Đề án thoát ly hoàn toàn khỏi hiện thực giảng dạy tiếng Anh hiện có. Trong khi khối các trường Sư phạm còn chưa đào tạo và cho ra lò lượng giáo viên tiếng Anh đạt chuẩn để triển khai đề án, thì việc tập huấn cấp tốc cho đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tiếng Anh tại các bậc học lại được Bộ kỳ vọng quá nhiều trong thực hiện đề án. Và kết quả thì cả thầy và trò đều không thể chạm tay vào Chuẩn, do cách dạy tiếng Anh thông qua tiếng Việt (chưa kể giáo viên dạy tiếng Anh có tiền sử nói ngọng) mà không dùng tiếng Anh và diễn giải bằng tiếng Anh của giáo viên.
Sự “phá sản” của Đề án tiếng Anh ngoài việc khiến dư luận xã hội thất vọng còn kéo theo tâm lý sợ học môn tiếng Anh đang trở nên khá phổ biến trong học sinh hiện nay. Song, không dừng lại ở những thử nghiệm thoát ly thực tế, Bộ Giáo dục & Đào tạo mới đây còn cho phép đưa thêm hai ngoại ngữ là tiếng Hàn và tiếng Đức vào giảng dạy từ lớp 1 đến lớp 12. Chưa biết nguồn lực hai bộ môn này đến đâu, nhưng sự lo lắng các trường chạy theo phong trào là điều có thực.
Cần một kế hoạch tổng thể
Sau sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6, Bộ Giáo dục & Đào tạo cho biết sẽ tiếp tục chuẩn bị triển khai và tổ chức thẩm định sách giáo khoa mới đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đây là phần việc quan trọng đã được xây dựng trong lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo kế hoạch, học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10 trên cả nước sẽ học theo sách giáo khoa mới từ năm học 2022-2023. Đồng thời, Bộ cũng đã ban hành và triển khai kế hoạch biên soạn sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2025.
Đó là những kế hoạch được đặt ra trên phương diện lý thuyết, còn thực tiễn giảng dạy lại khác. Lo ngại sẽ có nhiều bất cập nảy sinh khi sách giáo khoa được chọn làm khâu đột phá thay vì chuẩn bị thật tốt lực lượng giáo viên được đào tạo dạy tích hợp khiến dư luận không khỏi bất an. Dạy tích hợp liệu có phát huy được sự sáng tạo của giáo viên, kích thích tinh thần hiếu học của học sinh hay không, vẫn còn là câu hỏi cần có thời gian để kiểm chứng. Chưa kể, giáo viên nào sẽ là người chịu trách nhiệm chính về chất lượng của bộ môn tích hợp cũng cần có sự cân nhắc.
Vẫn biết, sách giáo khoa được xem là pháp lệnh và giáo viên phải tuân theo mỗi khi lên lớp. Bài dạy được quy định sẵn, phải sử dụng hình ảnh gì, vào lúc nào, trong bao lâu đã được ấn định trong giáo trình giảng dạy. Nhưng với những kiến thức liên môn trong các môn học tích hợp, liệu rằng chỉ trong một thời gian rất ngắn tham gia tập huấn qua video, hay tập trung, thầy cô có làm chủ hoàn toàn được kiến thức. Đứng trước những lo lắng của giáo viên, phụ huynh học sinh, Bộ giáo dục khẳng định đã tính đến mọi tình huống xảy ra cho việc thay sách và có những chuẩn bị kỹ lưỡng để thầy cô giáo và học sinh không gặp khó khăn trong học tập với môn tích hợp. Nhưng dù là vậy, thì sự trấn an của Bộ Giáo dục & Đào tạo vẫn chưa thực sự làm an lòng những người trong cuộc. Bởi hơn lúc nào hết, sự thành công sẽ đến khi chúng ta có được nền tảng vững vàng dựa trên những tính toán khoa học. Nhưng ngay cả khi những điều kiện được cho là cần và đủ để triển khai dạy, học theo sách mới còn chưa tròn hình, rõ nét, thì những nỗ lực của những người trong cuộc sẽ phải vô cùng lớn mới mong con thuyền giáo dục có thể về đích.