Doanh nghiệp Lai Khê (Bình Phước): Kêu cứu vì Nông trường 717 chây ỳ không trả nợ
Nhịp cầu bạn đọc 03/03/2020 07:46
Biên bản đối chiếu công nợ
Theo đơn gửi Báo Người cao tuổi, Báo điện tử Ngày mới, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, đại diện chủ cơ sở Lai Khê địa chỉ ấp Lai Khê, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương: Ngày 28/4/2018, cơ sở Lai Khê và Nông trường 717, đơn vị thuộc Binh đoàn 16 địa chỉ: Ấp 7, xã Thuận Hưng, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, cùng thỏa thuận ký Hợp đồng số 10/HĐ-MBHH về mua bán vật tư trang thiết bị khai thác, thuốc bảo vệ thực vật.
Hợp đồng mua bán giữa cơ sở Lai Khê và Nông trường 717 - Công ty TNHH MTV 16
Trong hợp đồng trên, thể hiện bên bán là cơ sở Lai Khê (gọi tắt là bên A), bên mua là Nông Trường 717 - Công ty TNHH MTV16 (gọi tắt bên B). Căn cứ theo Điều 3 trong hợp đồng thì bên B phải thanh toán cho bên A làm 2 đợt. Đợt 1, trả trước ngày 30/9/2018. Đợt 2, trả trước ngày 30/1/2019, tất cả việc thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Tổng giá trị hợp đồng là: 4.542.442.000 đồng.
Căn cứ Hợp đồng số 10/HĐ-MBHH ký ngày 28/4/2018 nói trên, ngày 31/12/2018, Nông trường 717 - Công ty TNHH MTV 16 ra văn bản đối chiếu công nợ, như sau: Số tiền bên B còn nợ bên A đến hết ngày 31/12/2018 là 4.542.442.000 đồng. Biên bản được lập thành 3 bản có giá trị pháp lý như nhau, bên A giữ 1 bản bên B giữ 2 bản.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh cho biết: “Đến nay Nông Trường 717 - Công ty TNHH MTV 16 chưa thanh toán cho chúng tôi được đồng nào, làm cơ sở gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và ngừng hoạt động. Chúng tôi, đã liên lạc và gửi các văn bản đòi nợ rất nhiều lần trong năm 2018 và năm 2019 đến Nông trường và Binh đoàn 16, nhưng không có kết quả đơn vị chỉ gửi lại chúng tôi bản đối chiếu công nợ” .
Trao đổi với phóng viên về vụ việc và các hợp đồng, văn bản đối chiếu công nợ, ông Nguyễn Đức Thường, Giám đốc Nông trường 717 - Công ty THHH MTV 16 xác nhận công nợ trên và cho biết: “Tôi mới về nhận nhiệm vụ ở Nông Trường từ đầu năm 2019, hiện giờ vẫn đang kiểm tra và rà soát công nợ giữa người trước và người tiền nhiệm nên chưa giải quyết được công nợ cho bà Linh; tôi sẽ báo cáo lên cấp trên để có kế hoạch trả nợ cho bà Linh”.
Đơn xin cứu giúp của đại diện cở Lai Khê gửi các cơ quan chức năng
Thiết nghĩ, chuyện nợ nần, là quan hệ dân sự giữa các doanh nghiệp nhưng khi bị ảnh hưởng đến quyền lợi, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động kinh doanh và ngừng hoạt động, buộc doanh nghiệp đã phải gửi đơn kêu cứu, hỗ trợ từ các cơ quan chức năng Nhà nước, thì các đơn vị này cần có biện pháp, hướng giải quyết rõ ràng để doanh nghiệp thu hồi vốn, tiếp tục sản xuất, phát triển kinh tế cho gia đình và địa phương.