Diệt trừ “virus” phá hoại sự đoàn kết
Quốc tế 23/03/2024 11:07
Nạn phân biệt đối xử là một vấn đề mang tính lịch sử, biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, ở cả cấp độ quốc gia và quốc tế, từ việc các cá nhân bị ngăn cản thụ hưởng các nguyên tắc cơ bản về bình đẳng vì màu da, nguồn gốc, quốc gia hay dân tộc, đến việc kích động hận thù sắc tộc, làm rối loạn cuộc sống và phá vỡ sự gắn kết giữa các cộng đồng.
Số vụ việc chống lại người Do Thái đã tăng mạnh tại nhiều nước sau khi cuộc xung đột Hamas-Israel bùng phát hồi tháng 10/2023. Làn sóng bài Hồi giáo vẫn âm ỉ tại châu Âu, thể hiện qua các vụ xúc phạm kinh Koran, tấn công các đền thờ Hồi giáo, những hành vi không chấp nhận tôn giáo, tiêu cực, hận thù và bạo lực đối với người Hồi giáo. Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 15/3 vừa qua đã thông qua nghị quyết về các biện pháp chống bài trừ Hồi giáo.
Cảnh sát Pháp được triển khai để ngăn chặn những người biểu tình quá khích tại Paris, Pháp, ngày 12/10/2023. |
"Virus" kì thị người gốc Á lan rộng ở Mỹ, quốc gia đa chủng tộc, trong thời kì đại dịch Covid-19, xuất phát từ những đồn đoán vô căn cứ và được kích động qua mạng xã hội, rằng chính người châu Á đã làm lây lan virus ra toàn cầu. Năm 2020, tội phạm thù hận nhằm vào người Mỹ gốc Á ở 16 thành phố lớn nhất nước này tăng vọt gần 150%. Theo số liệu của Stop AAPI, tổ chức vận động xóa bỏ phân biệt đối xử với cộng đồng người Mỹ gốc châu Á-Thái Bình Dương, từ tháng 3/2020 đến tháng 3/2021, số vụ bạo lực nhằm vào người gốc Á đã tăng từ 3.795 lên 6.603, gần 2/3 trong đó nhắm đến đối tượng là phụ nữ.
Không chỉ gieo rắc bạo lực, vấn nạn kì thị nhằm vào người gốc Á còn gây chia rẽ, thù hận trong xã hội Mỹ nói riêng và thế giới nói chung khi mà hơn lúc nào hết, cộng đồng quốc tế cần hợp tác, đoàn kết để đối phó với đại dịch Covid-19. Tháng 5/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành Đạo luật về tội ác thù hận trong đại dịch Covid-19, với thông điệp rằng, phân biệt chủng tộc như một liều thuốc độc gây chia rẽ, đồng thời khẳng định: "Chúng ta cần đoàn kết như một dân tộc, một quốc gia, một nước Mỹ".
Bên cạnh đó, vấn đề chủng tộc cũng thường xuyên bị lợi dụng để kích động, gây rối, tạo sự bất ổn, thậm chí dẫn tới những cuộc chiến tranh thảm khốc như cuộc chiến ở Bosnia Hezegovina từ tháng 4/1992 đến tháng 12/1995 khiến hơn 110.000 người thiệt mạng, hay cuộc xung đột ở Kosovo giai đoạn 1998-1999. Chủ đề "sắc tộc" còn có thể tạo cớ cho các hành động can thiệp quân sự từ bên ngoài vào một quốc gia có chủ quyền…
Tham gia Công ước quốc tế xóa bỏ mọi hình thức phân biệt chủng tộc (CERD) từ năm 1982, là một quốc gia đa dân tộc, trong đó có 53 dân tộc thiểu số, Việt Nam đã thực hiện nhiều chủ trương, chính sách nhằm thể hiện sự tôn trọng, bảo đảm, thúc đẩy quyền của đồng bào dân tộc thiểu số. Hiến pháp năm 2013 khẳng định sự bình đẳng giữa các dân tộc, đoàn kết, tôn trọng và giúp nhau cùng phát triển, nghiêm cấm mọi hành vi kì thị, chia rẽ dân tộc. Quốc hội đã ban hành Hiến pháp năm 2013 (sửa đổi) và 97 luật, bộ luật, với gần 300 điều có liên quan đến công tác dân tộc. Có 188 chính sách thực hiện tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi đang còn hiệu lực, trong đó có 136 chính sách dân tộc (là các chương trình, chính sách dành riêng cho đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi hoặc các chương trình, chính sách áp dụng chung cho cả nước nhưng có nội dung ưu tiên hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, vùng dân tộc thiểu số và miền núi).
Trong thông điệp nhân Ngày Quốc tế Xóa bỏ phân biệt chủng tộc 2024, Tổng Thư kí LHQ António Guterres nói rằng, nạn phân biệt đối xử dựa trên chủng tộc chính là một tội ác. Người đứng đầu LHQ một lần nữa hối thúc cộng đồng quốc tế hành động mạnh mẽ để diệt trừ loại "virus" có khả năng phá hoại, bào mòn sự đoàn kết toàn cầu, bằng cách cùng nhau xây dựng một thế giới có phẩm giá, công bằng và cơ hội bình đẳng cho mọi cộng đồng, ở mọi nơi.