Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục, điểm di tích tâm linh ở vùng than Cẩm Phả
Xã hội 12/07/2023 11:32
Vũng Đục điểm ghi dấu tội ác của thực dân Pháp
Trong những năm 1946 -1949, sau khi chiếm lại được khu mỏ Quảng Ninh, thực dân Pháp ra sức khủng bố, đàn áp phong trào cách mạng của nhân dân khu mỏ. Đối tượng đàn áp của chúng là những người dân yêu nước, những đoàn viên Công đoàn và những Thanh niên cứu quốc. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh tập II (1945 - 1955), trang 77, xuất bản tháng 5/1993 ghi: “Từ ngày 18/10/1948, đến 1/1949 (đây là vụ vỡ cơ sở lớn nhất trong 5 vụ đã xảy ra). Số người của ta bị bắt gồm 9 cán bộ, đảng viên, 1 Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, 4 ủy viên Ủy ban kháng chiến hành chính, 3 giao thông viên, 1 công an, 2 đội viên danh dự, 2 ủy viên Ban chấp hành phân đoàn, 7 đội viên cứu quốc, 21 dân thường, tổng cộng toàn bộ người của ta bị bắt là 61 người, 52 người bị chúng giết chết, trong đó giặc Pháp đã đem dìm xuống ở Vũng Đục Cẩm Phả 30 người (trong đó có 8 phụ nữ). Nguyên nhân là hoạt động lộ liễu, mất cảnh giác, tổ chức lỏng lẻo, bừa và ẩu, đưa cả tên lưu manh (Thảo) thường dao du với bọn mật thám vào tổ chức công đoàn, y đã báo cho địch biết cơ sở của ta”…
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Nguyễn Thị Tý, 1 trong 8 nữ chiến sĩ Cộng sản bị giặc Pháp cho vào bao, buộc đá dìm chết tại Vũng Đục. |
Được biết trong những năm 1946 -1949, có hàng trăm công nhân, chiến sĩ cộng sản vùng Hòn Gai - Cẩm Phả bị thực dân Pháp bắt, tù đầy và bị thủ tiêu tại Vũng Đục. Mặc dù bị bị thực dân Pháp và bọn tay sai đàn áp, tra trấn dã man, bắn giết, khủng bố nhưng phong trào cách mạng chẳng những không bị dập tắt mà còn phát triển mạnh mẽ hơn trên phạm vi rộng, trải dài suốt từ Cửa Ông đến Vàng Danh, Mạo Khê.
Tại Vũng Đục, vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, nhằm đáp ứng nguyện vọng của nhân dân vùng mỏ và để ghi nhớ sự kiện này, thị xã Cẩm Phả (nay là TP Cẩm Phả) đã đầu tư xây dựng tượng đài liệt sĩ trên một mỏm đá, mặt hướng ra Vũng Đục, nơi các liệt sĩ bị thực dân Pháp dìm chết. Tượng đài Vũng Đục được khánh thành ngày 3/2/1993. Theo nhà điêu khắc Kiều Sĩ Khuê, người thiết kế tượng đài: “Tượng đài mang ý tưởng con chim hải âu đang bay lên tìm bầu trời tự do. Khát vọng tự do của con chim biển cũng là khát vọng của những người cộng sản. Hai bức phù điêu lớn gắn trên trụ tượng đài tượng trưng đôi cánh chim hải âu thể hiện nội dung chính của tượng đài là phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân Cẩm Phả và khí tiết người cộng sản.
Đài tưởng niệm các liệt sĩ Vũng Đục. |
Tấm lòng của một doanh nhân, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại Vũng Đục.
Tri ân các anh hùng liệt sĩ hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc là tâm niệm của ông Vũ Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc. Ông chia sẻ; ngoài việc xin phép được đầu tư hơn 800 triệu đồng nâng cấp, tôn tạo tượng đài cao hơn, đẹp hơn, chỉnh trang lại 2 bức phù điêu, mở rộng đường lên, xây lắp thêm lan can để tạo điều kiện cho du khách, thân nhân các liệt sĩ đến dâng hương nhân dịp ngày Thương binh liệt sĩ 27/7, và các ngày lễ, tết của đất nước. Năm 2008, Công ty đã đề nghị UBND tỉnh, UBND TP Cẩm Phả xin được công đức đầu tư xây dựng Đền thờ các liệt sĩ Vũng Đục nằm trong quần thể Di tích Danh thắng Vũng Đục và đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 83/QĐ-UBND ngày 8/1/2009. Ngày 3/2/2010, Công ty khởi công xây dựng đến ngày 4/11/2012, khánh thành đưa vào sử dụng. Tổng kinh phí đầu tư xây dựng công trình trên 30 tỉ đồng, chủ yếu do Công ty đầu tư và một phần của các doanh nghiệp và nhân dân công đức.
Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục |
Ngôi đền toạ lạc trong khu vực thực dân Pháp dìm hàng trăm chiến sĩ và người dân yêu nước trong những năm 1946 - 1949. Đền có kiến trúc 3 gian, 2 chái, kiểu chữ Đinh, mái lợp ngói mũi. Trên nóc của tiền đường có hình lưỡng long chầu nguyệt, các góc đắp hình rồng uốn lượn. Tam cấp được lát bằng đá xanh nguyên phiến. Hậu cung có bức hổ phù theo phong cách dân gian Việt Nam. Các cột trong đền chính được sử dụng toàn bộ bằng gỗ lim nguyên khối, cột cái cao 6,5m, các cột quân và cột góc cao từ 3-3,7m.
Tam quan được thiết kế theo mẫu chùa cổ Kim Liên, có nhiều hoa văn cách điệu dạng cá chép hoá rồng. Tổng diện tích ngôi đền chính và các công trình phụ trợ khoảng 11.000m2. Ngôi đền do ông Hoàng Giáp, nguyên Trưởng Phòng sưu tầm Viện Hán Nôm tư vấn và ông Nguyễn Phương Đông, Hội Kiến trúc sư Việt Nam thiết kế. Được biết Đài tưởng niệm liệt sĩ Vũng Đục và Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục nằm trong Cụm di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Vũng Đục đã được công nhận là Di tích cấp tỉnh, UBND TP Cẩm Phả đang lập hồ sơ đề nghị nhà nước công nhận là Di tích cấp Quốc gia.
Cũng theo ông Vũ Xuân Đức, tâm niệm của ông ngôi đền không chỉ đón, thờ các liệt sĩ hi sinh tại Vũng Đục mà còn đón, thờ tất cả các liệt sĩ là người con Quảng Ninh hi sinh ở khắp mọi miền đất nước. Với những đóng góp và tri ân các liệt trong kháng chiến chống Pháp ở Vũng Đục, tại Lễ kỷ niệm 75 năm ngày miền mỏ bất khuất (12/11/1936-12/11/2011) và 65 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1947-19/12/2011) ông Vũ Xuân Đức và vợ là Vũ Thị Bích Ngọc được Ban liên lạc kháng chiến Quảng Hồng tặng Kỉ niệm chương Kháng chiến.
Ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (nay là Thủ tướng Chính phủ) tặng Kỉ niệm chương Kháng chiến cho ông Vũ Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc |
Cụ Nguyễn Hữu Khâm, Phó Ban liên lạc kháng chiến liên tỉnh Quảng - Hồng gắn Kỉ niệm chương Kháng chiến cho bà Võ Thị Bích Ngọc, Phó Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc, tại lễ kỷ niệm 75 năm ngày Miền mỏ bất khuất (12/11/1936-12/11/2011) và 65 năm ngày Toàn quốc kháng chiến (19/12/1946-19/12/2011). |
Thay cho lời kết.
Nhà văn Trần Tâm, một người thợ mỏ, sinh ra và lớn lên tại vùng đất Cẩm Phả, tác giả của bộ tiểu thuyết Đất Bỏng gồm 4 tập, với hơn 2.000 trang viết về đời sống nhân dân và công nhân vùng than Cẩm Phả trong những năm thuộc Pháp, tác phẩm đại Giải A cuộc vận động sáng tác về đề tài công nhân giai đoạn 2010-2015, do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Tập đoàn Than- khoáng sản Việt Nam phát động nhận xét về doanh nhân Vũ Xuân Đức: Trong xu thế phát triển và hội nhập như hiện nay, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên, nhu cầu hưởng thụ và tìm hiểu về cội nguồn dân tộc cũng ngày càng cao. Việc ông Vũ Xuân Đức, Giám đốc Công ty TNHH Đức Ngọc đầu tư hàng chục tỉ đồng để nâng cấp Đài tưởng niệm liệt sĩ và xây dựng Đền thờ liệt sĩ Vũng Đục là một việc làm trân quý, góp phần quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản lịch sử, văn hóa của dân tộc, là nơi ghi nhớ chiến công của những liệt sĩ đã hi sinh, cũng là chứng tích tố cáo tội ác của thực dân Pháp xâm lược, đồng thờ là nơi giáo dục tình yêu quê hương đất nước cho các thế hệ mai sau, góp phần xây dựng văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước.