Đêm ở chợ đầu mối nông sản Đông Tảo
Đời sống 01/10/2020 14:31
Nhà nhà ra chợ
8 giờ tối, tôi đã nhấp nhổm muốn đi nhưng cậu em vợ bảo, phải 11 giờ đêm trở đi chợ mới đông. Nói rồi, cậu giục tôi đi ngủ và giải thích, ở đây các nhà thường đi ngủ sớm để nửa đêm còn dậy đi chợ. Phần lớn nông sản của bà con đều mang ra bán ở chợ đầu mối, tuy rẻ hơn nhưng bán nhanh và được nhiều. Nhà không có nhu cầu mua bán nông sản thì lại có người làm các dịch vụ ở chợ như trông xe, bốc xếp hàng, bảo vệ trật tự… thành ra nhà nào cũng đi chợ đêm. Lúc cao điểm, chợ có đến cả nghìn người với hàng trăm xe máy, ô tô lớn nhỏ ra vào chở hàng…
Vợ chồng cậu em đã ngoài 50 tuổi nhưng nhiều đêm cả 2 đều đi chợ. Cậu đi xe máy chở 2 sọt thồ lớn, khi thì nhãn, chuối tiêu, mướp đắng, khi thì cà chua, bắp cải, su hào... Mợ ngồi bán hàng có hôm hết đêm mới về. Ban ngày, cậu mợ lại ra đồng trồng cấy, chăm sóc rau cỏ, thời gian ngủ nghỉ chỉ có buổi trưa và buổi tối. Có dạo mợ còn đi rửa khoai lang thuê ngoài chợ kiếm được 200 - 300 nghìn đồng/ngày, 7 - 8 triệu đồng/tháng. So với làm ruộng, mức thu nhập ấy là rất cao nên mợ ham quá, làm đến phát ốm, cậu phải cấm không cho đi rửa khoai nữa…
Quang cảnh ban đêm ở chợ đầu mối nông sản Đông Tảo |
11 giờ đêm, cậu mợ dậy chuẩn bị đưa hàng ra chợ. Tôi cũng hăm hở theo ra. Lúc này chợ đã khá nhộn nhịp. Suốt một dãy hàng quán dài 3-4 trăm mét đều sáng đèn, bày la liệt các loại nông sản. Xe ô tô từ Hà Nội về lấy hàng; chở gạo từ Quảng Ninh vào; măng từ Yên Bái, na từ Lạng Sơn xuống; khoai sọ, đậu đỗ, cà chua từ Bắc Ninh, Bắc Giang sang; mít, thanh long, sầu riêng từ miền Nam ra… đỗ thành hàng dài. Rồi xe máy, xe ba gác mang nhãn, rau, củ, quả của người dân trong vùng cũng ùn ùn vào chợ. Chỗ dỡ hàng xuống, chỗ bốc hàng lên, tiếng mặc cả, ngã giá, cười nói huyên náo…
Dừng lại trước một vựa nhãn quả to mọng, tươi rói, tôi hỏi giá cả. Bà chủ hàng bảo, mua lẻ thì 15.000 đồng/kg, mua cả thùng thì 14.000 đồng/kg. Tôi lắc đầu chê: “Nhãn trong làng bán có 8 - 10.000 đồng/kg, sao đây đắt thế!”. Bà nhìn tôi mỉm cười: “Bác ạ! Ở đây còn phải cộng thêm tiền thuê địa điểm, người bốc xếp và lệ phí chợ nữa”. Thì ra thế, thảo nào mà cậu em tôi bảo, đất ở đây đắt chả thua kém thành phố. Một nhà ở cạnh chợ cho thuê mặt tiền rộng 4-5 mét làm điểm tập kết, mua bán hàng, mỗi tháng thu hàng chục triệu đồng. Mỗi đêm, một quán bán nước giải khát thu lãi khoảng 500.000 đồng, còn người đi bốc xếp, bán hàng, rửa khoai thuê ở chợ cũng được vài ba trăm nghìn đồng…
Khơi dậy một tiềm năng
Được biết, năm 1995, từ một chợ phiên truyền thống, chợ đầu mối Đông Tảo hình thành đến nay thu hút 5, 6 trăm hộ với hàng nghìn người tham gia hoạt động mua bán. Hộ khá giả thì sắm xe ô tô gom hàng của nông dân trong xã đưa ra Hà Nội và các tỉnh xa bán buôn, hoặc làm đại lí mua hàng rồi giao cho đầu mối ở các tỉnh, ngày thu lãi tiền triệu. Người ít vốn thì mua hàng ở chợ đêm, bán ở chợ ngày hoặc mua đầu chợ, bán cuối chợ cũng lãi vài trăm nghìn đồng/ngày.
Nông dân trong vùng đưa nông sản đến chợ |
Phải nói nguồn lợi của chợ đầu mối Đông Tảo là rất lớn. Chợ không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản cho xã Đông Tảo mà còn cả 9 xã lân cận và những tỉnh khác. Mỗi đêm, chợ thu gom, xuất ra thị trường hàng trăm tấn rau, củ, quả. Vào dịp Tết hoặc mùa vụ thì lưu lượng xe và hàng hóa tăng lên càng nhiều. Tiền thu lệ phí mỗi năm của Ban Quản lí chợ trừ chi phí, trả lương cho gần chục thành viên và đầu tư cho đường điện thắp sáng ở chợ, vẫn nộp vào ngân sách xã hơn 100 triệu đồng… Quan trọng hơn, người nông dân từ chỗ buôn bán nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp, nay biết nắm bắt thông tin, nhạy bén vận động theo quy luật cung cầu của thị trường. Mối quan hệ giữa sản xuất, phân phối và tiêu dùng được gắn kết chặt chẽ qua mỗi buổi chợ. Ngoài ra, chợ còn tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, trong đó có nhiều người trung, cao tuổi, giúp hơn 600/2.000 hộ dân của xã Đông Tảo giàu lên…
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là các loại nông sản ở đây dù có giá rất rẻ, nhưng đều không rõ nguồn gốc. Nhiều loại táo, cam, quýt chỉ có giá từ 10 - 15.000 đồng/kg; bưởi 15 - 18 nghìn đồng/quả, chuối 8 - 10.000 đồng/nải… Với giá bán này, nhiều người mua nhưng các sản phẩm có bảo đảm an toàn thực phẩm hay không thì thật khó biết. Mặt khác, lượng người và hàng hóa lưu thông ngày càng nhiều, khiến chợ đêm trở nên chật chội, tràn ra đường giao thông, vào cả sân UBND xã, nên cũng cần phải có hướng quy hoạch cho phù hợp.
Xã Đông Tảo vốn nổi tiếng là quê hương của giống gà quý chân to, nay càng được nhiều nơi biết đến vì có một chợ đầu mối nông sản rẻ và phong phú. Năm 2018, xã được công nhận đạt nông thôn mới. Tin rằng, với sự năng động của cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương, xã sẽ tiếp tục phát huy những tiềm năng để ngày càng giàu đẹp, văn minh.