Để tiếng thơm lưu danh muôn thuở
Đời sống 20/08/2021 08:05
Lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ đối với lực lượng Công an Nhân dân, mà còn là thông điệp mang tính thời sự theo thời gian để cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là những người có chức, có quyền suy ngẫm, tránh điệp khúc hối hận muộn màng “xin lỗi Đảng, xin lỗi Nhà nước và Nhân dân”, trước khi nhận bản án nghiêm minh của pháp luật. Mới đây, tại hội nghị cán bộ chủ chốt của tỉnh Bình Dương (tổ chức sáng 16/6/2021), các lãnh đạo tỉnh Bình Dương đã "xin nhận lỗi trước Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh". Sau đó, ngày 6/7/2021, Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thi hành kỉ luật ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bình Dương bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng nhiệm kì 2010-2015, 2015-2020 và 2020-2025, và còn biết bao cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các địa phương, bộ, ngành khác đã và đang bị xử lí.
Ngược dòng lịch sử mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc đã có biết bao tấm gương sáng mãi muôn đời. Tháng 12 năm Giáp Thân 1284, hiệu Thiệu Bảo năm thứ 6, đời Trần Nhân Tông, đại binh Thoát Hoan tiến đánh Chi Lăng (Lạng Sơn), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn thất thế đưa quân chạy về Vạn Kiếp. Vua Nhân Tông thấy thế giặc mạnh, cho mời Hưng Đạo Vương về Hải Dương mà phán rằng: "Thế giặc to như vậy, mà chống với chúng thì dân chúng bị tàn sát, nhà cửa bị phá hại, hay là trẫm sẽ chịu hàng để cứu muôn dân?"
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất, sẽ còn mãi với thời gian, còn vật chất chỉ là phù vân..." |
Hưng Đạo Vương tâu: "Bệ hạ nói câu ấy là lời nhân đức, nhưng Tôn miếu Xã tắc thì sao? Nếu Bệ hạ muốn hàng, xin trước hết hãy chém đầu thần đi đã, rồi sau hãy hàng!"
Vua Trần Nhân Tông nghe thế yên lòng. Hưng Đạo Vương trở về Vạn Kiếp hiệu triệu 20 vạn quân Nam và thảo bài Hịch tướng sĩ để khuyên răn tướng sĩ, khuyên binh sĩ học tập và rèn luyện võ nghệ, khuyên các tướng học tập trận pháp theo sách Binh thư yếu lược, chuẩn bị cho cuộc chiến tranh Nguyên Mông-Đại Việt lần 2, trong đó trải lòng tâm huyết rằng: “Có kẻ lấy việc chọi gà làm vui; có kẻ lấy việc cờ bạc làm thích. Có kẻ chăm lo vườn ruộng để cung phụng gia đình; có kẻ quyến luyến vợ con để thỏa lòng vị kỉ. Có kẻ tính đường sản nghiệp mà quên việc nước; có kẻ ham trò săn bắn mà trễ việc quân. Có kẻ thích rượu ngon; có kẻ mê giọng nhảm. Nếu bất chợt có giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà trống không đủ đâm thủng áo giáp của giặc; mẹo cờ bạc không đủ thi hành mưu lược nhà binh. Vườn ruộng nhiều không chuộc nổi tấm thân ngàn vàng; vợ con bận không ích gì cho việc quân quốc. Tiền của dẫu lắm không mua được đầu giặc; chó săn tuy hay không đuổi được quân thù. Chén rượu ngọt ngon không làm giặc say chết; giọng hát réo rắt không làm giặc điếc tai. Lúc bấy giờ chúa tôi nhà ta đều bị bắt, đau xót biết chừng nào!
…Chẳng những thân ta kiếp này chịu nhục đến trăm năm sau tiếng nhơ khôn rửa, tên xấu còn lưu, mà gia thanh các ngươi cũng không khỏi mang danh là tướng bại trận…
Nay ta bảo thật các ngươi: nên lấy việc "đặt mồi lửa dưới đống củi nỏ" làm nguy; nên lấy điều "kiềng canh nóng mà thổi rau nguội" làm sợ. Phải huấn luyện quân sĩ, tập dượt cung tên, khiến cho ai nấy đều giỏi như Bàng Mông, mọi người đều tài như Hậu Nghệ, có thể bêu đầu Hốt Tất Liệt dưới cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhaị.
…Chẳng những thân ta kiếp này thỏa chí, mà đến các ngươi, trăm đời sau còn để tiếng thơm; chẳng những thụy hiệu ta không hề mai một, mà tên họ các ngươi cũng sử sách lưu truyền”.
Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng vào Đà Nẵng tiến hành xâm lược nước ta. Sau khi chiếm được thành Gia Định vào đầu năm 1859, quân Pháp bắt đầu một quá trình mở rộng tấn công ra các vùng lân cận như Tân An, Cần Giuộc, Gò Công, v.v...
Đêm Rằm tháng 11 năm Tân Dậu (ngày 16/12/1861), những nghĩa sĩ mà trước đây vốn là nông dân, vì quá căm phẫn kẻ ngoại xâm, đã quả cảm tập kích đồn Pháp ở Cần Giuộc, tiêu diệt được một số quân của đối phương và viên tri huyện người Việt làm tay sai cho Pháp. Khoảng 20 nghĩa sĩ bỏ mình. Những tấm gương đó đã gây nên niềm xúc động lớn trong Nhân dân.
Nguyễn Đình Chiểu làm bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc, đọc tại buổi truy điệu các nghĩa sĩ hi sinh trong trận đánh này, ca ngợi: Thác mà trả nước non rồi nợ, danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen/ Thác mà ưng đền miếu để thờ, tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ.
Cuối năm 1930, phong trào cách mạng toàn tỉnh Nghệ An chưa thật đều. Trong khi phong trào các huyện Thanh Chương, Nam Đàn, Anh Sơn, Hưng Nguyên lên rất cao, thì phong trào ở các huyện Bắc Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành, Quỳnh Lưu chưa mạnh lắm. Vì vậy, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An điều chuyển những cán bộ giỏi cho các huyện có phong trào mạnh tăng cường cho các huyện phong trào chưa mạnh. Ông Đặng Chính Kỷ được Tỉnh ủy Nghệ An điều lên phụ trách Ban Tuyên truyền cổ động của Tỉnh ủy và biệt phái về vùng Yên Thành, Diễn Châu. Chính trong thời điểm đó, ông Đặng Chính Kỷ đã sáng tác bài thơ “Bài ca cách mạng” để tuyên truyền, cổ động nhằm thúc đẩy phong trào cách mạng ở các huyện chưa có những cuộc đấu tranh quyết liệt (Theo tài liệu “Sự kiện và nhân chứng, Nguyệt san báo Quân đội Nhân dân ngày 11/9/2020).
Bài thơ như tiếng kèn xung trận, giục giã mọi người vùng lên đấu tranh. Có thể nói, đó là biểu tượng của ý chí quật cường, khí thế xung thiên của Xô viết Nghệ Tĩnh. Kết thúc bài thơ, tác giả nhắn nhủ: Dầu ai liều giữa chiến trường/ Rồi đây bia đá, tượng vàng nghìn thu.
Nhắc lại vài trang sử vẻ vang đó để chúng ta càng thấm thía hơn bao giờ hết dù ở cương vị nào, chức vụ nào cũng đặt trọng trách cống hiến hết công sức, trí tuệ của mình cho dân, cho nước, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, đó là danh thơm - tài sản vô giá để lại muôn đời cho thế hệ kế tiếp. Phát biểu bế mạc Hội nghị Trung ương 9 khóa XII vào ngày 26/12/2018 của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu: “Đề nghị từng đồng chí Uỷ viên Trung ương và mọi cán bộ, đảng viên, công chức cần thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện, thường xuyên tự soi, tự sửa để tránh đi vào vết xe đổ, gây ra những hậu quả, tổn thất không đáng có đối với Đảng, đất nước và Nhân dân, để lại nỗi đau khôn lường đối với người thân, gia đình, đồng chí, bè bạn. Mỗi người chúng ta cần luôn ghi nhớ trong tâm khảm của mình rằng, lợi ích của quốc gia, dân tộc, của Nhân dân, của Đảng là tối thượng; và danh dự là điều thiêng liêng cao quý nhất đối với mỗi con người, trước hết là đối với mỗi cán bộ, đảng viên”.