Đầu Xuân rộn ràng lễ hội chùa Chặng
Đời sống 08/02/2021 14:01
Ngôi chùa tọa lạc dưới chân núi Chặng (thuộc xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hoá), được khởi dựng và gắn với truyền thuyết từ thời Hậu Lê. Ngọc Châu Tự là nơi ghi dấu ấn lịch sử đấu tranh gìn giữ nền độc lập dân tộc của Nhân dân xã Cẩm Sơn. Chùa Ngọc Châu là một trong những chùa đẹp và độc đáo; là điểm trung tâm sinh hoạt văn hoá tín ngưỡng của đông đảo tăng ni phật tử và Nhân dân các dân tộc vùng núi phía bắc tỉnh Thanh Hoá.
Cổng vào chùa Chặng |
Lễ hội văn hóa truyền thống Ngọc Châu tự được tổ chức nhằm tôn vinh công lao to lớn của các anh hùng tiền bối, tôn vinh những giá trị tư tưởng sâu sắc của Đức Phật về hòa hợp, vị tha và nhân ái. Lễ hội còn là địa điểm để các phật tử, du khách thập phương tụ hội thực hiện tình thân thiện, tìm lại giá trị truyền thống, giá trị cộng đồng, là nơi bày tỏ ước nguyện về cuộc sống thái bình. Trong khuôn khổ lễ hội cũng như thông lệ Lễ hội gồm hai phần: Phần hội gồm có các trò chơi dân gian và các trò chơi mang tính thể thao hiện đại cùng với chương trình văn nghệ đặc sắc đan xen giữa văn hoá các vùng miền và các dân tộc. Tham gia lễ hội du khách được thưởng lãm và tham dự các hoạt động rước kiệu, tế lễ; đánh cồng chiêng, đẩy gậy, ném còn, bóng chuyền, cầu lông...
Ngoài vai trò là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng đạo Phật, ngôi chùa còn là nơi thờ cúng các thần linh vùng sơn cước của các dân tộc trong vùng núi phía bắc Thanh Hóa. Theo quan niệm của người Mường, bước sang một năm mới, vào dịp đầu tháng Giêng, các phường, hội, bản làng tập trung về chùa Chặng làm lễ rước kiệu, dâng hương cầu cho trời đất mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, đất nước an lạc, thái bình và cuộc sống an yên.
Đông đảo du khách về dự lễ hội chùa Chặng. |
Những năm qua, được sự quan tâm của các cấp chùa Ngọc Châu luôn được trùng tu, tôn tạo vì thế cơ sở vật chất, cảnh quan của chùa ngày càng đầy đủ và khang trang hơn, hoạt động tăng sự cũng được quan tâm, tăng ni phật tử được tiếp thu chính pháp vì thế hạn chế được mê tín dị đoan. Bên cạnh đó Đại đức và các tăng ni phật tử còn tham gia tích cực vào phong trào: đền ơn đáp nghĩa, lá lành đùm lá rách, tham gia UBMTTQ cùng xây dựng chính quyền Nhân dân vững mạnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng mối đoàn kết giữa các dân tộc tôn giáo, đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương phát triển.
Đại đức Thích Tâm Định, Phó Trưởng ban Trị sự phật giáo tỉnh Thanh Hóa, Truởng ban Đại diện phật giáo huyện Cẩm Thủy, trụ trì chùa Ngọc Châu cho biết: Chùa Ngọc Châu có cách đây 526 năm, được xây dựng từ thời hậu Lê và đã được nhiều người biết đến. Hằng năm lễ hội chùa Chặng đã thu hút hàng chục nghìn người trong và ngoài tỉnh về tham gia. Những năm qua tu bổ nâng cấp cổng chùa và một số hạng mục mới, tiếp tục khôi phục các nghi lễ phong tục truyền thống, để lễ hội chùa Chặng hằng năm xứng đáng với ngày hội các dân tộc, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng tâm linh của đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh Thanh Hóa