Đạo “hiếu” và nghĩa tình về mẹ
Đời sống 25/04/2020 09:38
Phạm trù “hiếu” mang một ý nghĩa tích cực, đó là bổn phận làm con phải có hiếu với cha mẹ. Ngày xưa, người Việt chịu ảnh hưởng của Nho giáo, song đạo hiếu vẫn có nét đặc sắc riêng, không cứng nhắc như quan niệm của Nho giáo. Đặc biệt, truyền thống “hiếu” của dân tộc được kế thừa và nâng cao trong tư tưởng Hồ Chí Minh.
Từ lâu, cha ông ta hết sức coi trọng việc giáo dục đạo lí làm người cho con cháu, mà trước hết phải lấy chữ “hiếu” làm đầu. Hiếu không những được xem là đứng đầu của đức hạnh, mà còn là cội nguồn để có được phúc thiện.
Hình tượng người mẹ tần tảo, làm lụng, yêu thương và thầm lặng chờ đợi hi sinh cho con cái: Cả đời áo vá nuôi con một mình/ Nghe cơn gió lạnh qua mành/ Tuổi xuân khép giữa mái tranh nhà nghèo... Mẹ như ngọn nguồn sức mạnh giúp con vượt qua những khó khăn, gian nan giữa cuộc đời: Nâng niu mẹ nắm tay con/ Bao điều suy nghĩ trải trong cuộc đời/ Nhịp tim đã nói bao lời/ Khi bàn tay mẹ chạm đôi tay mình/ Bão dông vùi dập chồi xanh/ Dịu dàng tay mẹ lá cành chở che.
Tình mẹ còn là những xúc cảm về tình yêu quê hương, đất nước. Đó là niềm tự hào khi quê hương thanh bình ngày một đổi mới. Hiếu thể hiện trước hết trong gia đình, con cái phải có trách nhiệm phụng dưỡng bố mẹ khi về già và tế tự khi bố mẹ qua đời. Người xưa cho rằng, nuôi cha mẹ thì phải một lòng kính trọng, nếu không kính trọng thì không phải là người có hiếu. Vậy nên, nuôi cha mẹ cốt yếu nhất là ở lòng thành kính, dẫu phải ăn gạo xấu, uống nước lã mà làm cho cha mẹ được vui, ấy gọi là hiếu.
Những người con có hiếu là những người biết khéo tiếp nối được cái chí của cha mẹ, biết noi gương việc làm của cha mẹ, biết phân biệt để xem những cái nào hay thì theo, cái nào dở thì bỏ. Dạy về hiếu, Khổng Tử cho rằng, phải giữ đạo trung dung; việc thờ cha mẹ không phải là cái lẽ cuối cùng của sự hiếu, mà cái lẽ cuối cùng của sự hiếu là lấy hiếu biến thành đạo, vì người có hiếu tức là có nhân. Nhân với hiếu thường đi cùng nhau, nên những người có địa vị trọng yếu trong xã hội phải là những người rất chú ý về đạo hiếu.
Trong điều kiện hiện nay, chúng ta cần tiếp tục khẳng định vai trò của chữ hiếu trong gia đình cũng như ngoài xã hội; kế thừa, phát triển hiếu theo tư tưởng Hồ Chí Minh, gắn với việc xây dựng gia đình văn hoá mới, đáp ứng yêu cầu xây dựng xã hội hiện đại, văn minh, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.