Đánh giá và dự báo diễn biến xung đột Nga - Ukraine
Quốc tế 30/11/2023 14:55
Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu phương Đông Ba Lan (OSW), điều kiện thời tiết xấu đi ở mặt trận đã và đang hạn chế các hoạt động tấn công của cả Nga và Ukraine, nhưng hai bên vẫn tìm cách chọc thủng hàng phòng thủ của đối phương tại một số khu vực. Lực lượng Nga tiến xa hơn ở phía Đông Nam Avdiivka, chiếm phần lớn khu vực công nghiệp ở đó. Ở tả ngạn sông Dnieper, quân đội Ukraine một lần nữa đẩy lùi lực lượng Nga về phía Nam khu vực Krynky.
Tuy nhiên, các cuộc tấn công do phía Ukraine phát động ở phía Nam Orichiv và phía Tây Bắc Horlivka, cũng như của phía Nga ở các khu vực Marjinka, Bakhmut và Kupiask, không tạo ra bất kì thay đổi đáng kể nào.
Binh sĩ Ukraine bắn súng cối về các vị trí của Nga ở tiền tuyến, gần thành phố Bakhmut, khu vực Donetsk, đông Ukraine. |
Trước đó ngày 22/11, Thư kí Hội đồng An ninh và Quốc phòng Ukraine Oleksiy Danilov, chỉ ra rằng lực lượng Nga đã thay đổi chiến thuật chiến tranh từ ngắn hạn sang dài hạn, mục tiêu là làm suy yếu sức mạnh của Ukraine. Cùng ngày, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Đối ngoại Ukraine Oleksandr Lytvynenko, cho biết cuộc chiến giữa Nga với Ukraine đã bước vào giai đoạn quan trọng và cuộc xung đột sẽ kéo dài. Theo ông này, vào năm 2026, việc sản xuất quân sự ở Nga có khả năng hỗ trợ các hoạt động chiến đấu quy mô lớn, và vào năm 2028, quân đội nước này sẽ khôi phục lại năng lực như năm 2022.
Trong khi đó, các đồng minh phương Tây của Ukraine tuyên bố cam kết phát triển hơn nữa khả năng phòng không của Kiev trong cuộc họp trực tuyến lần thứ 17 của Nhóm Liên lạc Quốc phòng cho Ukraine (Ramstein) vào ngày 22/11. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố rằng Đức và Pháp sẽ dẫn đầu một liên minh gồm 20 quốc gia để phát triển hơn nữa hệ thống phòng không của Ukraine.
Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov nói thêm rằng liên minh phương Tây sẽ giúp Kiev phát triển hơn nữa các hệ thống phòng không trên mặt đất. Các thành viên của Nhóm Ramstein cũng nhất trí về các vấn đề như thiết bị và vũ khí bổ sung cho Ukraine trong mùa đông 2023–2024, rà phá mìn và các biện pháp an ninh khác ở Biển Đen, lộ trình tương tác NATO của Ukraine và các gói hỗ trợ an ninh bổ sung từ Mỹ, Đức, Litva, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Estonia.
Theo đánh giá của OSW, những vấn đề của Mỹ trong việc đồng ý tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine đã khiến các nước châu Âu, trước hết là Đức, thể hiện sự sẵn sàng đảm nhận vị trí dẫn đầu trong lĩnh vực hỗ trợ Kiev. Chuyến thăm Kiev của Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius (một ngày sau chuyến thăm Ukraine của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Tướng Christopher Cavoli) và thông báo về gói viện trợ quân sự mới trị giá 1,3 tỉ euro (ngày 20/11, Mỹ công bố thêm gói hỗ trợ khác trị giá 100 triệu USD) nên được xem xét trong bối cảnh trên.
Tuy nhiên, các gói viện trợ với những trang thiết bị quân sự bổ sung sẽ thực sự được chuyển đến Ukraine trong vài tháng. Điều này chủ yếu liên quan đến các hệ thống phòng không mà Kiev cần mà ngành công nghiệp Đức không thể sản xuất nhanh chóng.
Việc so sánh các gói viện trợ quân sự tiếp theo được Washington và Berlin công bố trung bình hai tuần một lần xác nhận rằng, bất chấp những vấn đề hiện tại, Mỹ vẫn cung cấp nhiều vũ khí và đạn dược (bao gồm cả tên lửa đất đối không) so với toàn bộ gói viện trợ từ EU. Hơn nữa, phần lớn gói hàng của Đức bao gồm các thiết bị phi quân sự.
Mặc dù vậy, viện trợ của Mỹ hiện ít hơn so với vài tháng trước và chính quyền Ukraine không che giấu sự thất vọng trước tình trạng này. Tuyên bố của Tổng thống Zelensky rằng, liên minh phòng không mới thành lập do Đức và Pháp đứng đầu có thể được coi là một nỗ lực nhằm chuyển trách nhiệm chính giúp đỡ Ukraine sang EU…