Dân bản Ngàm hằng ngày đu dây kéo bè qua sông
Đời sống 14/12/2023 11:12
Trời vừa sáng, bà Lò Thị Khắn, 60 tuổi, sinh sống ở bản Ngàm đeo gùi trên lưng, mang theo rựa, dụng cụ lao động đi bộ ra bến sông Luồng bắt đầu cho một ngày làm việc. Để tới được ruộng của gia đình, bà Khắn buộc phải chèo bè mảng, đu dây thừng vượt sông. “Mùa này nước sông cạn nên việc đu dây kéo bè qua sông không mấy nguy hiểm. Đến mùa mưa lũ, nước sông dâng cao, phụ nữ không ai dám đu dây qua sông, chỉ có đàn ông mới dám đi”, bà Khắn nói.
Bà Lò Thị Khắn đu dây kéo bè qua sông Luồng. |
Gia đình bà Khắn có 6 nhân khẩu, ngoài làm ruộng, các thành viên trong gia đình còn đu dây kéo bè qua sông Luồng để chặt vầu, luồng thuê cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, vào mùa mưa bão công việc làm đồng gần như phải dừng lại do dòng nước chảy xiết, bà con không dám đu dây kéo bè qua sông.
Dẫn chúng tôi đi dọc bờ sông Luồng, anh Vi Văn Huyến, Phó trưởng bản Ngàm cho biết: Xuôi bờ sông Luồng có khoảng 6 bến đò đu dây kéo bè qua sông. Do hầu hết ruộng nương của các hộ gia đình đều nằm ở bên kia sông nên bà con tự chế bè mảng từ cây tre, luồng bì bõm đu dây thừng vượt sông mỗi ngày. “Không chỉ đất trồng lúa mà rừng vầu, luồng cũng ở bên kia sông. Vì vậy, bà con trong bản phải đu dây vượt sông Luồng mỗi ngày. Vào mùa lũ, nhiều khi ruộng đồng không thể canh tác vì nước sông dâng cao”, anh Huyến bộc bạch.
Bà Lương Thị Thời ngồi bè mảng đu dây qua sông Luồng. |
Đang tháo chiếc bè mảng buộc ở bến sông, chuẩn bị đu dây qua sông trở về nhà, bà Lương Thị Thời, 76 tuổi, bản Ngàm nói: “Người dân bản Ngàm muốn qua sông chỉ có đu dây kéo bè vượt sông thôi. Nay tôi cũng tranh thủ qua sông sớm phụ các cháu hái thêm gùi rau về cho lợn. Bà con trong bản ai cũng mong sớm có cây cầu bắc qua sông để việc làm đồng được thuận tiện”.
Trao đổi với phóng viên game bài đổi thưởng tiền that , ông Phạm Nhật Quang, Chủ tịch UBND xã Sơn Điện cho biết: Bản Ngàm có 74 hộ, với 391 nhân khẩu, đồng bào dân tộc Thái chiếm trên 90%. Hiện nay, có đến 2/3 diện tích đất lâm nghiệp và toàn bộ đất nông nghiệp của bà con trong bản đều nằm ở bên kia sông Luồng. Vì vậy, để làm đồng hay chặt luồng, vầu, bà con phải chèo bè mảng, đu dây thừng vượt sông. Kể từ khi bản Ngàm được công nhận là điểm du lịch cộng đồng, việc chăn nuôi của bà con cũng di chuyển sang bên kia sông để bảo đảm vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, do chưa có cầu nên bà con phải trèo bè đu dây vượt sông đi làm đồng. Trong những lần tiếp xúc cử tri, bà con cũng đề xuất chính quyền sớm xây dựng một cây cầu để bảo đảm an toàn tính mạng, nhất là trong mùa mưa lũ.
Theo ông Quang, tiếp thu ý kiến của người dân, UBND xã đã báo cáo UBND huyện Quan Sơn và các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xây cầu theo nguyện vọng của bà con.